Nhìn từ bầu Long và bầu Đức
Đến bây giờ, nhiều người vẫn tiếc nuối khi nhắc lại chuyện bầu Long bỏ bóng đá. Một cuộc chia tay trong thế sòng phẳng khi chuyển giao đội bóng Hòa Phát Hà Nội cho ACB và sau đó tuyên bố nghỉ bóng đá.
Một trong những nguyên nhân khiến bầu Long bỏ bóng đá là CLB Hòa Phát Hà Nội bức xúc bởi cách điều hành thiên vị của tổ trọng tài trong trận đấu gặp CLB Hải Phòng ở V.League 2011. Vì thế, niềm tin của bầu Long cạn hết. Đáng nói, ông Long vẫn tử tế bằng cách theo đến hết giải đấu trước khi chính thức rút lui.
Cuộc chia tay của ông tỷ phú ngành thép Việt Nam là nỗi đau của bóng đá Việt Nam. Họ có thể rút khi cạn tình với bóng đá, hoặc hết tiền vì làm ăn thua lỗ… nhưng bỏ vì lý do o ép trong một trận đấu thì thực sự đáng buồn cho giải đấu được tiếng chuyên nghiệp.
Thời điểm bầu Long nghỉ bóng đá, sân chơi V.League cũng chứng kiến 8 ông bầu đồng loạt nghỉ chỉ vỏn vẹn trong 2 mùa bóng với những lý do khác nhau.
Mới nhất, trong cuộc lùm xùm với VPF, VFF, bầu Đức và bầu Thắng cũng tuyên bố sẵn sàng bỏ bóng đá. Nguyên nhân là bầu Đức bức xúc với chuyện 1 người ngồi nhiều ghế, chỉ trích sự thiếu minh bạch của VFF… Còn bầu Thắng không muốn đầu tư tiền cho “đứa con tinh thần” Long An tham gia cuộc chơi mà ông gọi có nhiều điều chưa đúng từ thượng tầng VPF.
Rất may, hai ông bầu nổi tiếng của bóng đá Việt Nam đã không từ bỏ cuộc chơi. Nhưng phần nào cũng cho thấy được một thực trạng đáng buồn là những người tâm huyết làm bóng đá đang cạn dần niềm tin ở sân chơi được tiếng gần 20 năm lên chuyên nghiệp.
Đến chuyện CLB TP.HCM
Trưa nay (29/5), HLV Hữu Thắng phát biểu với Saostar: “Trọng tài sai thì phải sửa, VPF và VFF cần có sự công bằng chứ không thể để như thế được. Cái sai của trọng tài là rất nghiêm trọng vì làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu…”.
Có thể nói là CLB TP.HCM đang rất bức xúc với VPF, trọng tài và VFF sau chuyện bị tước một bàn thắng hợp lệ mười mươi. Mất oan 1 bàn thắng có thể mang về 3 điểm và bị thiệt quân, thử hỏi CLB TP.HCM sao không bức xúc?
Clip bàn thắng của Phi Sơn bị trọng tài thổi việt. Nguồn: CLB TP.HCM
Hơn hết, lãnh đạo trọng tài lên mặt báo khẳng định trọng tài bắt trận Quảng Ninh - TP.HCM không sai. Ngược lại, cựu trọng tài Đinh Văn Dũng nói đầy cảm thán là Ban trọng tài đừng làm theo kiểu người hâm mộ… ngu hết.
Một bàn thắng được nhận định hợp lệ, còn lãnh đạo trọng tài nói không sai. Vậy CLB TP.HCM liệu có chấp nhận cuộc chơi diễn ra theo chiều hướng bất lợi như thế?
Ngoài ra, thế khó của CLB TP.HCM là mới năm thứ 2 lên chơi V.League. Họ là tân binh theo kiểu chân ướt chân ráo nên lo ngại bị o ép. Cũng chính vì điều ấy, họ mời một người am hiểu cuộc chơi bóng đá Việt Nam là HLV Hữu Thắng về làm Chủ tịch CLB.
Trong một cuộc chơi mà đội bóng bắt đầu cảm nhận được sự thiếu công bằng (theo lời Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng), hệ lụy sẽ là rất lớn trong thời gian tới. Ví dụ Long An từng bày tỏ sự bức xúc vì trọng tài Nguyễn Hiền Triết giơ bảng bù giờ 2 lần (hiệp 2) ở vòng 2 V.League 2017 khiến mất đi 2 điểm. Đến vòng 6, họ phản ứng dữ dội ở sân Thống Nhất và xảy ra 1 bi kịch cho bóng đá Việt Nam.
Có những chuyện tưởng nhỏ nhưng sự thật thì không hề nhỏ một chút nào nếu câu chuyện không được xử lý thấu đáo. Kiểu như CLB TP.HCM đang lên tiếng đòi công bằng, nếu đến đỉnh điểm của bức xúc thì chưa biết sẽ ra chuyện gì. Bầu Long từng chia tay bóng đá là một ví dụ. Không ai lường trước được câu chuyện đó có xảy ra với CLB TP.HCM hay không…
Cần nhắc, CLB TP.HCM đang khẳng định làm bóng đá lâu dài. Họ chuẩn bị cho ra đời 2 Học viện bóng đá. Đội bóng này từ thời Công Vinh cũng cho sửa lại phòng thay đồ, cho ra đời phòng truyền thống, chú trọng đến hình ảnh để lôi kéo khán giả…
Tất cả cho thấy lãnh đạo CLB TP.HCM có tâm huyết muốn làm bóng đá bài bản theo con đường chuyên nghiệp, làm từ gốc rễ đào tạo trẻ đến sân chơi V.League.
Hy vọng rằng, những người có tâm huyết, muốn làm bóng đá thật sự sẽ tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam. Đừng để họ định kiến với cuộc chơi và một ngày không xa quyết định chia tay vì lý do thiếu công bằng, bị o ép này nọ.