Những trận đấu đã qua tại World Cup, bộ đôi Rakitic - Modric không khác nào “trái tim” của đội tuyển Croatia. Họ chơi ở trung tâm hàng tiền vệ, lên công về thủ đều đặn, vừa là tấm lá chắn trước hàng phòng ngự, vừa là đầu mối châm ngòi các đợt tấn công. Khi Rakitic lên tấn công, Modric sẽ lùi thấp để hỗ trợ phòng ngự từ xa và ngược lại.
Nhờ có bộ đôi Rakitic và Modric, Croatia không cần một tiền vệ đánh chặn đúng nghĩa nào như N'Golo Kante hay Axel Witsel. Việc xếp đến hai tiền vệ trung tâm ở đẳng cấp thế giới chơi cạnh nhau và có xu hướng đá thấp khiến hàng tiền vệ Croatia ở giải đấu này chắc chắn hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, ở từng giai đoạn HLV trưởng của Croatia, mỗi HLV lại dùng bộ đôi Rakitic - Modric theo ý của riêng họ. Thời HLV Slaven Bilic dẫn dắt, Rakitic có xu hướng đá dạt biên, rồi băng cắt vào trong vòng cấm. Nhưng ở giai đoạn đó, Rakitic thực ra chỉ đóng vai trò “chim mồi” để ngòi nổ thực sự Dario Srna băng lên hỗ trợ tấn công.
Đến khi Niko Kovac dẫn dắt tuyển Croatia, Rakitic bị xếp đá như một tiền vệ phòng ngự đích thực. HLV Ante Cacic lại cho Rakitic đá dâng cao, trên Modric; nhưng việc này lại không phù hợp với anh. Rakitic không phải mẫu tiền vệ tổ chức lối chơi, vậy nên anh thường gặp khó khăn khi cầm bóng và triển khai lên tuyến trên.
Phải tới lúc HLV Dalic làm HLV trưởng Croatia như hiện nay, vai trò của Rakitic mới thực sự được định hình rõ rệt. Anh đá thấp hơn Modric một chút, có xu hướng bao giữa sân để Modric tổ chức tấn công. Trong khi phòng ngự, Modric cũng là người tranh chấp trước, để Rakitic đứng sau phán đoán tình hình rồi chặn đứng đợt tấn công của đối phương.
Nhiệm vụ tranh chấp ở hàng tiền vệ Croatia được trao cho Modric và Rebic, một cầu thủ rất mạnh mẽ trong tranh chấp tay đôi. Để có thể phát huy tối đa hiệu quả của bộ đôi Rakitic - Modric, HLV Dalic phải chấp nhận hy sinh Pjaca, một tiền vệ cánh thực sự tài năng. Lý do bởi Pjaca không có khả năng đánh chặn như Rebic, nên không thể giúp bộ đôi kia tỏa sáng.
Đó cũng là mối nguy tiềm tàng với ĐT Anh trước trận bán kết. Croatia là một đối thủ rất khác, không sừng sững cứng cáp như Thụy Điển, cũng không bùng nổ như Colombia. Nếu Thụy Điển là “tĩnh”, Colombia là “động”, thì Croatia có cả hai thứ đó. Họ có thể thay đổi lối chơi bất cứ lúc nào, trừng phạt đối phương chỉ trong vài giây ngắn ngủi.
Người Anh hiểu quá rõ cái giá phải trả nếu coi thường Croatia. Họ từng làm vậy, và phải đánh đổi bằng tấm vé dự vòng chung kết EURO 2008, nơi Paul Robinson và Scott Carson đóng vai gã hề ở 2 lượt trận gặp Croatia. Tại World Cup năm nay, Croatia đã cảnh báo mọi ông lớn bằng chiến thắng 3-0 trước Argentina.
Croatia không chỉ có bộ đôi Rakitic và Modric ở hàng tiền vệ. Họ còn sở hữu thủ thành Subasic, một chuyên gia cản phá phạt đền; bộ đôi Perisic - Mandzukic trên hàng công. Lần đầu tiên ở giải đấu năm nay, kể từ trận gặp Bỉ, Anh mới phải đối đầu một đội bóng trên cơ họ cả về kỹ thuật lẫn sức mạnh như vậy.
Nếu cứ xếp hàng tiền vệ trung tâm như những trận trước, với Henderson lùi sâu còn Alli - Lingard chơi tự do, Anh hoàn toàn có thể thất thế trước bộ đôi tiền vệ trung tâm của Croatia. Eric Dier có thể sẽ đảm nhiệm tốt hơn nếu được tung vào sân đá chính ngay từ đầu để tranh chấp ở tuyến giữa, nhưng điều này khó xảy ra.
Hàng tiền vệ Croatia với Rakitic và Modric hoàn toàn có thể biến ảo tùy vào kết hợp với 1-2 cầu thủ khác, và đó là điều khiến Southgate sẽ phải đau đầu giải quyết. Trước ĐT Nga, Croatia đã chơi thận trọng khi để Rakitic lẫn Modric lùi sâu, còn Kramaric đá vị trí số 10. Điều này được chuyển hóa bằng bàn thắng gỡ hòa giữa hiệp 1. Nhưng nếu Brozovic, một cầu thủ đá thấp ra sân ngay từ đầu, mọi chuyện sẽ cực kỳ nguy hiểm với ĐT Anh.
Giữa bộ đôi này, Modric là người gây ấn tượng từ lâu và gặt hái nhiều thành tích hơn. Nhưng lúc này, chính Rakitic mới là nhân tố bí ẩn quyết định chiến thắng cho Croatia. Không phải ngẫu nhiên mà Modric được giao trọng trách đá phạt đền trong trận đấu, nhưng Rakitic mới là người đá quả phạt đền thứ 5 ở cả hai lượt trận vừa qua. Rakitic mới là cầu thủ thực sự bản lĩnh hơn.
Có một chi tiết thú vị: Rakitic bắt đầu lao vào tập sút phạt đền như điên từ 6 năm trước vì… mẹ vợ. Năm 2012, anh từng đá hỏng một quả phạt đền khi còn khoác áo Sevilla. Cú đá đập cột dọc khung thành Rayo Vallecano đi ra ngoài, khiến Sevilla mất 3 điểm. Hôm đó chuông điện thoại Rakitic reo. Bà mẹ vợ Puri gửi anh một tấm hình, nói đùa: “Chó nhà con có khi còn đá phạt đền tốt hơn đấy”.
Rakitic đến Barcelona vào mùa hè 2014 - thời điểm Barca được đánh giá “thừa mứa tuyến tiền vệ”, thậm chí còn bán đi cả Thiago Alcantara. Tuy vậy, Rakitic đã hòa nhập nhanh chóng, thậm chí ghi bàn trong trận chung kết Champions League ở mùa giải đầu tiên khoác áo. Giờ đây anh đã là trụ cột ở Barcelona.
Trước khi đến Barcelona, Rakitic từng là đội trưởng người nước ngoài đầu tiên ở Sevilla kể từ thời Diego Maradona khoác áo đội bóng này. Anh có thể đá tiền vệ phòng ngự, tiền vệ con thoi hoặc tiền vệ tấn công. Nhờ đó, mọi HLV dẫn dắt Croatia trong 10 năm qua đều muốn thử nghiệm Rakitic ở những vị trí khác nhau.
Trước trận bán kết, tầm quan trọng của Rakitic một lần nữa được HLV Zlatko Dalic khẳng định: “Đây chính là Rakitic xuất sắc nhất chúng ta từng thấy ở màu áo đội tuyển quốc gia. Cậu ấy và Modric chính là những tiền vệ xuất sắc nhất ở giải đấu này. Rakitic đang ở phong độ đỉnh cao và tự tin chưa từng có”.
Một chiến thắng trước ĐT Anh sẽ giúp bóng đá Croatia thiết lập kỷ lục mới của họ ở các kỳ World Cup. Nếu lọt vào chung kết, họ sẽ gặp lại Pháp, đối thủ truyền kiếp từng loại họ ở vòng bán kết 20 năm trước. Lịch sử có gọi tên Croatia hay không, bộ đôi Rakitic - Modric đã nắm một nửa câu trả lời.