Cụ thể, tuyển Việt Nam sẽ đá giao hữu với Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 15/6 ở sân Lạch Tray (Hải Phòng). Thầy trò HLV Troussier gặp Syria vào ngày 20/6 tại sân Thiên Trường (Nam Định).
Về đẳng cấp, Hong Kong (Trung Quốc) có thứ hạng kém tuyển Việt Nam đến 52 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Việt Nam có hạng 95, còn đội Hong Kong (Trung Quốc) có hạng 147. Đây có lẽ là đối thủ để HLV Troussier có màn ra mắt thuận lợi cùng đội tuyển Việt Nam.
Với Syria, tuyển Việt Nam kém đối thủ 5 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng tuyển Việt Nam chưa bao giờ ngán Syria từ nhiều cấp độ khác nhau. Năm 2016, Việt Nam đánh bại Syria 2-0 ở trận giao hữu trên sân Mỹ Đình. Năm 2018, U23 Việt Nam hòa Syria để vượt qua vòng bảng U23 châu Á, sau đó lập kỳ tích với ngôi Á quân. U23 Việt Nam hạ Syria 1-0 vào bán kết ASIAD 18...
Có thể thấy hai đối thủ giao hữu của tuyển Việt Nam không mạnh và cũng chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu từ HLV Troussier. Nhà cầm quân người Pháp nói hồi tháng 3 năm nay: "Hiện tại chúng ta đang đứng Top 16 châu Á và 95 thế giới. Có 40 đội mạnh nhất thế giới và 8 đội mạnh nhất châu Á được dự World Cup 2026. Với tiềm năng của lứa cầu thủ hiện tại, dù còn quá sớm để khẳng định họ sẽ thành công trong tương lai, cá nhân tôi thấy tự tin.
Hướng tới mục tiêu đó, có hai việc cần làm. Chúng ta cần nâng cao tính cạnh tranh và nhịp thi đấu cho nhóm tuyển thủ Việt Nam bằng cách duy trì V.League. Tôi hy vọng trong tương lai, cầu thủ Việt Nam có thể chơi 45-50 trận V.League một mùa và giải quốc nội có thể kéo dài tới 10 tháng.
Thứ hai, tuyển Việt Nam cần có các đối thủ giao hữu mạnh hơn trong Top 50, 60 FIFA. Các trận đấu này sẽ giúp cầu thủ trưởng thành nhanh hơn".
HLV Troussier đưa ra mục tiêu đá với đối thủ có thứ hạng trong Top 50 hoặc 60, còn Hong Kong (Trung Quốc) có hạng 147. Ai cũng thấy tuyển Việt Nam đá giao hữu với một đối thủ có thứ hạng chênh lệch thì khó tiến bộ, ít nhất là không mạnh như mong muốn của HLV Troussier từng tuyên bố.