Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Đình Trọng mổ lần thứ 3: Từ bi kịch đến bài toán hóc búa cho cả nền bóng đá!

Từ một tài năng thuộc diện "của hiếm", Đình Trọng bây giờ lần thứ 3 lên bàn mổ và nỗi lo là BĐVN mất đi một trung vệ đẳng cấp.

Câu chuyện Đình Trọng phải lần thứ 3 lên bàn mổ, thực tế không phải là tin sốc, ít nhất với những ai nắm được thông tin về trung vệ này trong suốt thời gian qua.

Đình Trọng lên bàn mổ được dự kiến cách đây đã phải 2 tháng nhưng được giấu kín. Nguyên nhân là quá trình tập phục hồi có vấn đề, anh phải tập lại từ đầu và kết quả chấn thương cũ không thể phục hồi. Do vậy, Đình Trọng buộc phải lần thứ 3 lên bàn mổ để cứu vãn sự nghiệp.

Câu chuyện như tấn bi kịch của Đình Trọng cần có những góc nhìn sòng phẳng vào bản chất, thay vì đổ trách nhiệm về cá nhân và đổ cho sự đen đủi của trung vệ này.

Tại AFF Cup 2018, Đình Trọng bị rạn xương bàn chân nhưng vẫn "cắn răng" đá để góp công đưa tuyển Việt Nam đến chức vô địch. Nhưng chấn thương hiện tại của Trọng "ỉn" đến từ đầu gối, anh đã gặp phải chấn thương dây chằng sau một tình huống vấp cỏ. 

Có thể thấy chấn thương của Đình Trọng khá giống với Vũ Văn Thanh, Duy Mạnh. Tất cả đều chịu chung bi kịch chấn thương nặng dù không có tác động từ đối thủ. Nguyên nhân này có thể được lý giải là sự tổn thương đã có sẵn, sau đó chỉ cần một động tác thì xảy ra bi kịch.

Ví dụ Duy Mạnh trước trận đấu với TPHCM thì đầu gối đã có vấn đề, nhưng anh vẫn được chuẩn đoán đủ khỏe để thi đấu. Vũ Văn Thanh cũng tương tự, dây chằng gặp vấn đề nhưng thi đấu nên bị đứt. 

Một câu hỏi đặt ra: Nếu có những sự can thiệp kịp thời, hay chuẩn đoán chính xác thì liệu Đình Trọng, Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh có gặp chấn thương nặng?

Rõ ràng, không ai nói trước được chấn thương nhưng ít nhất sẽ không xảy ra chuyện "trên trời rơi xuống" khi bị đứt dây chằng sau một pha phá bóng như Duy Mạnh, hay Đình Trọng xoay người bị chấn thương. Trường hợp này phải do sự nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe của cầu thủ, bởi bản chất thì họ luôn khát khao vào sân thi đấu, còn các bác sỹ của CLB có trách nhiệm đưa ra lời khuyên cùng nhận định đúng.

Đình Trọng mổ lần thứ 3: Từ bi kịch đến bài toán hóc búa cho cả nền bóng đá! Ảnh 1
Đình Trọng có lần thứ 3 lên bàn mổ, một tấn bi kịch cho trung vệ tài hoa này.

Câu chuyện của Đình Trọng còn đến từ những nguyên nhân khác nhau. Đình Trọng phẫu thuật đầu gối được bác sĩ của Singapore khuyên nghỉ đến hơn 9 tháng. Dù vậy, Trọng đã sớm trở lại khi nghỉ được 6 tháng. Kết quả là trung vệ tài hoa này bị tái chấn thương.

Hồi tháng 3 năm nay, Đình Trọng tiếp tục sang Singapore tái khám, cùng thời điểm Duy Mạnh đi phẫu thuật đứt dây chằng. Đình Trọng được chuẩn đoán cần nghỉ ít nhất 3 tháng vì phục hồi sai cách. 

Cần nhấn mạnh ở chuẩn đoán Đình Trọng tập phục hồi không đúng nên phải nghỉ thêm 3 tháng. Điều này càng chứng tỏ quá trình điều trị của anh gặp vấn đề khi trở lại CLB. 

Bây giờ, Đình Trọng tập phục hồi thêm 3 tháng thì được bác sĩ Singapore khuyên phẫu thuật. Kết quả anh lên bàn mổ lần thứ 3.

Cần có 1 ví dụ tương đồng để cho thấy Đình Trọng đón nhận bi kịch đến từ hạn chế của y học thể thao. Lê Công Vinh từng đứt dây chằng, anh sang Bồ Đào Nha phẫu thuật. Công Vinh nhận biết được sự hạn chế của y học thể thao trong nước nên quyết định ra nước ngoài. Cựu tiền đạo Việt Nam cần 9 tháng để trở lại thi đấu nhưng anh nghỉ hơn 1 năm, sau đó mới trở lại chơi bóng. Kết quả là Công Vinh đá hết sự nghiệp thì chấn thương đứt dây chằng không tái phát. Anh cũng từng tâm sự với người viết là đầu gối được phục hồi gần như 100%.

Y học thể thao  rất quan trọng trong bóng đá. Một chuẩn đoán không đúng có thể khiến cầu thủ mất cả sự nghiệp. Cầu thủ bị chấn thương nếu điều trị phục hồi không đúng cách, không nghỉ dưỡng hợp lý thì đón nhận nguy cơ tái phát chấn thương cực cao. Trường hợp của Đình Trọng có cả hai vế nêu trên. Đó là bi kịch của anh, cũng là nỗi buồn và nỗi lo cho cả nền bóng đá Việt Nam khi số phận nhiều ngôi sao có thể bị hủy hoại vì chấn thương. 

Sự khác biệt rất rõ, một cầu thủ chấp nhận ngồi nghỉ hết 9 tháng, thêm hơn 3 tháng nghỉ ngơi để thể trạng và chấn thương phục hồi tốt nhất thì mới chơi bóng trở lại, cũng như mọi thứ được điều trị tại châu Âu. Một cầu thủ được khuyên nghỉ hơn 9 tháng, chỉ 6 tháng đã trở lại thi đấu. Đáp án là Công Vinh lành lặn trong suốt phần còn lại của sự nghiệp, còn Đình Trọng lần thứ 3 lên bàn mổ.

Từ bi kịch của Tuấn Anh đến Đình Trọng, Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức... là bài toán hóc búa cho bóng đá Việt Nam: Làm sao để các tài năng không phải sống chung với chấn thương kiểu "trên trời rơi xuống" như vấp cỏ, phá bóng, hay phẫu thuật rồi lại lên bàn mổ?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc