Người Mỹ có một câu nói rằng: “Garbage in, garbage out”. Tạm dịch: “Đầu vào là rác thì đầu ra cũng rác”. Với bóng đá, nếu đầu vào không tốt thì đầu ra cũng không tốt.
Lổ hổng văn hoá của bóng đá Việt Nam
Giáo dục có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Hãy đặt trong một lĩnh vực được quan tâm rất nhiều trong nhiều năm qua, đó là bóng đá. Không ít ý kiến vẫn thường nói “bóng đá không phải là môn đạo đức”. Nhưng chính quan điểm này khiến cho bóng đá Việt Nam từng bị nói là thấp hơn mặt bằng xã hội.
Năm 2015, tôi tác nghiệp ở sân Đồng Nai thì nghe được một số lời nhận xét từ khán giả: “Ở nhà coi phim còn vui hơn bỏ tiền xem mấy thằng đá bóng mà bán độ”. Chuyện này xuất phát từ vụ các cầu thủ Đông Nai bị bắt vì tiêu cực, qua đó khán giả mất niềm tin vì bóng đá thiếu trung thực.
Gần nhất, bóng đá Đồng Tháp tan nát với nhiều cầu thủ trẻ tham gia bán độ. Cả một lứa cầu thủ tài năng có thể “chết chìm” chỉ vì thiếu sự giáo dục. Đó là nỗi đau cho Đồng Tháp sau nhiều năm tốn nhiều công sức, tiền bạc làm đào tạo trẻ. Xa hơn là nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam khi tiêu cực tiếp diễn dù có nhiều bài học lớn.
Trong quá khứ, tấn bi kịch của bóng đá Việt Nam là lứa Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh dính chàm ở SEA Games năm 2005. Đó không còn là nỗi đau mà mang đến sự xấu hổ lớn với những tài năng sáng giá nhất tham gia cá độ trong màu áo U23 Việt Nam.
Đến chuyện cần thay đổi tư duy đào tạo trẻ
Mới đây, bóng đá Việt Nam có một câu chuyện ý nghĩa nhưng chưa nhận được sự quan tâm lớn. Dù xét về bản chất là cực kỳ quan trọng với hành trình “trồng người” trong bóng đá.
49 cầu thủ trẻ đỗ Đại học (29 cầu thủ HAGL và 20 cầu thủ Học viện Nutifood). Đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có số cầu thủ trở thành tân sinh viên Đại học lớn như thế.
Theo tìm hiểu của Saostar, 49 sinh viên này bắt đầu nhập học vào tháng 3/2022. Đồng nghĩa trong 4 năm tới thì bóng đá Việt Nam trình làng một loạt cử nhân bóng đá, trong số đó không ít tài năng sẽ khoác áo tuyển Việt Nam.
Người phụ trách Học viện Nutifood, ông Lê Nguyên Hòa nói: “Chúng tôi có 3 tiêu chí trong đào tạo cầu thủ: Nền tảng giáo dục và đạo đức tốt, kỹ thuật chuyên môn tốt, thể hình và thể trạng tốt. Mục tiêu là các em trở thành công dân tốt trước khi là một cầu thủ giỏi.
Sau khi kết thúc quá trình đào tạo thì các em có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, hoặc không theo đuổi sự nghiệp bóng đá thì có thể tự mình đứng vững trong cuộc sống. Vì các em có nền tảng giáo dục từ nhỏ về mọi mặt, kể cả chuyện được học ngoại ngữ và ứng xử trên mạng xã hội…”.
Đó là một định hướng đúng và thiết thực với hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam, nhất là hành trình đào tạo trẻ.
Trước Học viện Nutifood, HAGL của bầu Đức đi tiên phong trong chuyện “tiên học lễ, hậu học bóng đá”. Nhờ đó, bóng đá Việt Nam cho ra đời những cầu thủ tài năng vẹn toàn như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… Điển hình là đông đảo người hâm mộ đã tự hào khi chứng kiến Xuân Trường ở tuổi 20 có thể trả lời bằng tiếng Anh trôi chảy trước truyền thông quốc tế.
Bóng đá Việt Nam phải có “một cơ thể khoẻ mạnh” thì mới phát triển. Có một phông văn hoá bóng đá kết hợp với giáo dục thì mới tạo ra một thế hệ cầu thủ thoát khỏi các sự cám dỗ của bóng đá, xa hơn là những mặt trái bên ngoài sân cỏ.
Các lò đào tạo của Việt Nam cần hướng tới con đường phát triển tương đồng với bóng đá học đường. Vì chuyện đào tạo ra những cầu thủ từ một môi trường tử tế, có sự giáo dục bài bản đã mang ý nghĩa lớn. Chuyện giúp các em thành nhân là hết sức quan trọng, còn thành tài với bóng đá thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không riêng chuyện giáo dục tốt.