“Tôi khẳng định bóng đá Việt Nam chưa hơn được Thái Lan. Không ai dám khẳng định chúng ta hơn Thái Lan. Chúng ta chỉ hơn họ ở tính thời điểm, qua một vài giải đấu mà thôi. Mặt bằng chung thì chúng ta vẫn chưa hơn Thái Lan”, bầu Đức từng nói.
Quan điểm của bầu Đức nhìn nhận rất rõ ràng, thắng 1 trận đấu hay chơi hay hơn Thái Lan ở một vài giải đấu thì không thể nói bóng đá Việt Nam mạnh hơn so với người Thái.
Từ câu chuyện nói trên để nhìn ra một bức tranh lớn hơn, đó là bóng đá Việt Nam liệu có nên đề ra những mục tiêu theo kiểu “bánh vẽ” so với trình độ thực sự ở sân chơi châu lục. Ví dụ chuyện U23 Việt Nam đặt mục tiêu dự Olympic 2020 nhưng sau đó rớt từ vòng bảng, dù thầy trò HLV Park Hang Seo có những màn trình diễn không hề kém cỏi.
Sự thật cần phải nhìn nhận là U23 Việt Nam đã có 1 giải đấu tốt, dù chỉ có 2 điểm và sớm chia tay từ vòng bảng. U23 Việt Nam hòa U23 Jordan và U23 UAE, thua U23 Triều Tiên vì hai sai lầm cá nhân. Tất cả đều có thể chấp nhận được nếu chúng ta sòng phẳng nhìn về trình độ và năng lực thực sự của các cầu thủ Việt Nam, thay vì so sánh giải đấu lần này với U23 châu Á 2018.
Một giải đấu bay cao không đồng nghĩa là cả nền bóng đá đã được nâng tầm lên một vị thế đủ sánh ngang với các đội bóng mạnh nhất châu lục. Ví dụ U20 Việt Nam từng dự U20 World Cup 2017 nhưng cũng chính lứa cầu thủ này thua U23 Triều Tiên, dù họ từng thắng đối thủ 2-1 ở VCK U19 châu Á 2016 - giải đấu quyết định cho tấm vé dự U20 World Cup 2017.
Trước khi nói về những tham vọng lớn của bóng đá Việt Nam thì hãy nhìn về Thái Lan, người Thái từng thống trị Đông Nam Á ở AFF Cup và SEA Games trước khi bị Việt Nam soán ngôi. Thái Lan cũng vào đến bán kết ASIAD 17, vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Nhưng Thái Lan vẫn chưa thể nâng tầm đẳng cấp để nghĩ đến tấm vé dự Olympic 2020 trong tư thế chủ nhà VCK U23 châu Á 2020. Thái Lan cũng đang đứng trước nguy cơ bị loại ở vòng loại World Cup 2022.
Lý do rất thực tế là hầu hết các cầu thủ Thái Lan chưa đủ tầm châu Á. Rất ít các cầu thủ Thái Lan đủ sức thi đấu ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Năng lực các cầu thủ Thái Lan chính là thước đo phản ánh chung cho tuyển Thái Lan so với những đội bóng mạnh như Iran, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Qatar…
Một đội tuyển quốc gia mạnh thì cần có nhiều cá nhân xuất sắc, đủ sức chơi ở những giải đấu hàng đầu châu lục. Một nền bóng đá mạnh thì cần phát triển toàn diện từ đào tạo trẻ đến giải vô địch quốc gia, cũng như thu hút nhiều cầu thủ giỏi đến chơi bóng.
Ngoài ra, triết lý chung cho các ĐTQG là rất quan trọng. Vai trò của những người quản lý bóng đá cũng cần được thể hiện một cách rõ ràng với vai trò đầu tàu, qua đó đưa ra những kế hoạch và chiến lược nâng tầm bộ mặt chung cho cả nền bóng đá.
Vậy bóng đá Việt Nam đang có gì? Chúng ta đang có giải V.League tồn tại nhiều vấn đề cần thay đổi, từ hệ thống sân bãi đến các vấn đề chuyên môn như trọng tài, công tác đào tạo trẻ… Gần như chưa tương xứng so với sự thành công của tuyển Việt Nam trong 2 năm qua.
Ví dụ CLB Hà Nội sau khi đi đến bán kết AFC Cup 2019, vô địch V.League và Cúp quốc gia nhưng năm nay không thể tham dự đấu trường châu lục. Nguyên nhân là chưa đáp ứng đủ các tiêu chí của Liên đoàn bóng đá châu Á. Trước CLB Hà Nội, CLB Quảng Nam vô địch V.League 2017 cũng rơi vào cảnh tương tự. Hai nhà vô địch V.League không được tham dự sân chơi châu Á vì lỗ hổng trong đào tạo trẻ, điều này phản ánh rõ ràng về thực trạng chung của bóng đá Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp.
Từ chuyện chân đế chưa vững, chưa tạo ra sức bật thì rõ ràng thành công của bóng đá Việt Nam cũng chỉ có tính thời điểm, chưa thể bền vững. Lẽ đó, mọi thứ chưa được nâng tầm thì câu chuyện nghĩ đến những giấc mơ lớn phải được nhìn nhận lại cho đúng với thực tế.
Phải nhìn nhận thực tế rằng, thành công của bóng đá Việt Nam trong hai năm qua có dấu ấn quá lớn từ các cá nhân - đó là vai trò của những người làm bóng đá như bầu Đức. Nhưng hành trình để có được thành công rõ ràng phải mất rất nhiều thời gian, khi bầu Đức xây Học viện bóng đá HAGL từ năm 2007, tốn rất nhiều tâm huyết và tiền bạc. Cũng chính bầu Đức quyết liệt lựa chọn người giỏi dẫn dắt ĐTQG, từ việc đấu tranh không cho HLV Hoàng Anh Tuấn nắm ĐTVN đến việc mời ông Park Hang Seo đến Việt Nam. Vai trò của những người quản lý rõ ràng mờ nhạt rất nhiều khi đặt bên cạnh những việc làm thiết thực và sự cống hiến của bầu Đức trong hơn 1 thập kỷ qua.
HLV Park Hang Seo cũng từng nói nhiều về chuyện giấc mơ đi World Cup của bóng đá Việt Nam. Ông Park nói thẳng là còn thiếu rất nhiều yếu tố, từ chuyện y tế - dinh dưỡng đến cách vận hành chung về một kế hoạch toàn diện để nâng tầm trình độ của các cầu thủ Việt Nam.
Có lẽ, những người quản lý bóng đá Việt Nam đã đến lúc nhìn nhận lại mọi thứ, bớt đề ra những mục tiêu không đúng trình độ của các ĐTQG, qua đó nghĩ đến một kế hoạch bài bản nâng tầm cả nền bóng đá. Vì lúc này không bắt tay thực hiện thì e rằng cơ hội sẽ trôi đi bởi không dễ để có thêm “cơn sốt bóng đá” như 2 năm qua.