Nỗi đau mang tên Quả bóng Vàng
Công Phượng bị bật khỏi khỏi Top 5 Quả bóng Vàng 2017 vẫn còn âm ỉ với người hâm mộ. Bởi tiền đạo người xứ Nghệ không được thừa nhận đúng với những gì đóng góp trong năm 2017. Với nhiều ý kiến, đó là sự bất công lớn cho Công Phượng, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong năm 2017 của bóng đá Việt Nam.
Câu chuyện của Công Phượng khiến cho nhiều người chợt nhớ về nỗi buồn mang tên Lê Công Vinh năm 2016. Quyền chủ tịch CLB TP.HCM ghi đến 13 bàn thắng cho ĐTQG nhưng vẫn bị đánh trượt khỏi Top 3 Quả bóng Vàng 2016.
Nghịch cảnh là một đồng đội khác hầu như chỉ dự bị ở ĐTQG trong năm 2016 và sân chơi AFF Cup - tiền vệ Phạm Thành Lương bất ngờ trở thành chủ nhân Quả bóng Vàng. Điều duy nhất nổi bật của Lương “dị” là anh đá cho CLB Hà Nội - nhà vô địch V.League 2016, còn cả năm đều trình diễn không có gì nổi bật.
Năm 2016, Lương Xuân Trường cũng bất ngờ giành Quả bóng Bạc, dù tiền vệ người Tuyên Quang không đóng góp nổi bật ở ĐTQG bằng Công Vinh và chỉ có thi đấu vỏn vẹn 336 phút ở Hàn Quốc, tức Xuân Trường thi đấu tổng thời gian chưa đến 4 trận đấu.
Đến năm nay, Công Phượng tiếp bước Công Vinh đón nhận nỗi buồn bị bật khỏi Top 5 Quả bóng Vàng 2017, dù ghi đến 22 bàn thắng. Xét trên mọi góc độ cống hiến, Công Phượng hoàn toàn xứng đáng có mặt ở Top 3 chứ không thể nào bật khỏi Top 5. Nhưng điều ấy đã xảy ra giống như sự bất công cho Phượng.
Những người đi lên từ nghịch cảnh
Công Vinh và Công Phượng không chỉ chịu nỗi buồn mang tên Quả bóng Vàng - họ có xuất phát điểm khá giống nhau là đều cùng sinh ra ở Nghệ An, đi lên từ gia cảnh nghèo khó và nổi tiếng thì phải sống trong định kiến của dư luận.
Xét ở hoàn cảnh cụ thể, Công Vinh là cầu thủ chịu nhiều khó khăn hơn rất nhiều so với Công Phượng. Tuổi 14, Vinh về dự đám cưới ở quê nhà phải mượn quần áo và đôi giày của bạn bè. Bấy nhiêu thôi cũng thấy được cuộc đời Công Vinh đi lên từ gian khó như thế nào.
Công Vinh cũng nổi tiếng về nghị lực phấn đấu. Vinh có thể tự đập đầu sau một trận đấu trình diễn không tốt, lỡ cơ hội ghi bàn. Nghị lực hơn người ấy giúp cho Vinh trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhất của bóng đá Việt Nam.
Công Phượng tuổi 11 cũng trải qua khó khăn lớn vì gia cảnh nghèo. Gia đình Phượng phải vay tiền, bán lúa và lợn cho con trai theo đuổi niềm đam mê bóng đá.
Nghịch cảnh khó khăn chính là động lực cho Công Vinh và Công Phượng luôn ý thức về bản thân để phấn đấu. Nhưng tiếc rằng khi họ trở nên nổi tiếng thì nhận sự định kiến sâu sắc từ dư luận, không được nhìn nhận công bằng.
Công Vinh lúc 19 tuổi đã giành Quả bóng Vàng vào năm 2004. Năm sau, Công Vinh tiếp tục giành Quả bóng Vàng. Nhưng sau 12 năm cống hiến cho ĐTQG thì Vinh chỉ thêm một lần được xướng tên ở giải cao quý này, kể cả anh là người hùng đưa bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.
Tuổi 19, Công Phượng cũng sớm trở thành ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Phượng được ca tụng như niềm hy vọng lớn nhất, là người mang đến cảm xúc cho hàng triệu khán giả. Kết cục, Phượng bây giờ sống trong sự định kiến - cái tư tưởng kỳ lạ là bắt Phượng phải chơi bóng như lúc mới trình làng, dù bóng đá trẻ và chuyên nghiệp là hoàn toàn khác nhau.
Những điều rất đáng ngợi khen và cần được gieo rộng, là Công Vinh và Công Phượng luôn nỗ lực hết mình để vươn lên khỏi nghịch cảnh. Ấy vậy, không nhiều người nhìn vào điều ấy, thậm chí là phủ nhận đi công sức của Vinh và Phượng.
Quả thật, sự bất công lẫn khắt khe luôn song hành suốt sự nghiệp của Công Vinh và bây giờ là Công Phượng.