Có lẽ không ít người sẽ có một thắc mắc rằng: Tại sao hàng triệu người hâm mộ lại yêu mến lứa Công Phượng khi chỉ ở độ tuổi 18-19?
Về logic, ĐTQG được xem là “linh hồn” của nền bóng đá. Những tuyển thủ quốc gia chính là “thỏi nam châm” thu hút người hâm mộ. Nhưng nghịch lý lớn đã diễn ra với bóng đá Việt Nam từ cuối năm 2013, hàng triệu người yêu mến lứa Công Phượng. Tất cả kéo nhau đi xem “đám trẻ của bầu Đức”, ngay đến sân Pleiku cũng bị vỡ trong ngày mở màn V.League 2015.
Bóng đá Việt Nam cách đây 6 năm quay cuồng trong cơn sốt lứa Công Phượng. Sân Tân An - nơi diễn ra trận đấu giữa Long An và HAGL phải lắp thêm màn hình ở phía ngoài để phục vụ khán giả. Những song cửa chứng kiến cảnh nhiều người trèo lên để được nhìn vào sân dõi theo từng bước chạy của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…
HAGL đi đến đâu, ban tổ chức sân phải lo chuyện vỡ trận, lắp thêm màn hình ngoài sân. Tất nhiên, các đội chủ nhà rất vui vẻ vì bội thu tiền vé, còn phe vé hay những người bán các mặt hàng như đồ uống, bánh mì có thêm thu nhập rất lớn.
Tôi nhớ trước một ngày HAGL làm khách ở sân Gò Đậu của Bình Dương. Hai đội có buổi tập làm quên sân, CLB Bình Dương đang sở hữu một dàn siêu sao của bóng đá Việt Nam như Công Vinh, Anh Đức, Trọng Hoàng… đã tập trong cảnh chỉ vài khán giả dõi theo. Họ tập xong ra về trong im lặng. Nhưng ngay sau đó thì cảnh náo nhiệt xuất hiện với “đám trẻ của bầu Đức” xuất hiện, cả nghìn khán giả đến xem HAGL. Họ vây kín các cầu thủ trong lúc trời mưa phải tạm trú phía trong sân. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… ký đến mỏi tay vì dòng người vây quanh.
Đó chắc chắn là một nghịch lý khi Bình Dương đang sở hữu nhiều tuyển thủ Việt Nam, trong đó có ngôi sao sáng nhất là Lê Công Vinh. Nhưng khán giả không quan tâm, họ chỉ chờ chực để “săn” những cầu thủ đôi mươi của HAGL.
Phải ngược dòng về quá khứ để lý giải cho hiện tượng HAGL gây sốt cả nước, trở thành “đội bóng quốc dân” trong lòng hàng triệu người hâm mộ. Sân Cần Thơ năm 2014 lập nên kỷ lục hơn 50 nghìn khán giả theo dõi trận đấu của U19 HAGL ở một giải giao hữu. Con số thật kinh ngạc khi về sau thì ĐTVN thi đấu cũng không thể tạo nên sức hút lớn như thế.
Mọi thứ bắt đầu từ cuối năm 2013, lứa Công Phượng trình làng trong màu áo U19 Việt Nam. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… vùi dập U19 Úc 5-1, riêng Công Phượng có 2 bàn thắng. Người hâm mộ cả nước kinh ngạc khi Việt Nam có thể ghi 5 bàn vào lưới Úc, dù chỉ cấp độ U19.
Ngày 5/9/2014 trở thành bệ phóng cho tên tuổi Công Phượng lên một tầm cao mới. Công Phượng cầm bóng đột phá trong vòng vây của 5 cầu thủ U19 Úc, sau đó sút tung lưới giúp U19 Việt Nam giành chiến thắng nghẹt thở 1-0. Đến HLV Paul Okon của U19 Úc phải ngợi ca rằng: “Cầu thủ số 10 thật đặc biệt. Cậu ta có thể tạo ra những khoảnh khắc xuất thần để quyết định trận đấu”.
Nhưng có một sự thật là sau những màn trình diễn siêu đẳng thì Công Phượng chỉ ở độ tuổi 19. Tại sao hàng triệu người hâm mộ lại dành tình yêu quá lớn cho lứa Công Phượng?
Câu trả lời chính là khát vọng của người hâm mộ. Lứa Công Phượng giống không chỉ như “cơn mưa” trong thời điểm bóng đá Việt Nam khô khan xen lẫn sự tiêu cực, hay thành tích ĐTQG bết bát. Đó còn là sự hiện thân cho thứ bóng đá đẹp, điều mà nhiều người hâm mộ chỉ được dõi theo qua màn ảnh về các đội bóng hàng đầu thế giới, hay các CLB nổi tiếng. Thứ bóng đá thêu hoa dệt gấm của lứa Công Phượng tạo nên sự mãn nhãn, chạm đến tận cùng cảm xúc về giấc mơ bóng đá đẹp của người hâm mộ Việt Nam.
Đúng hơn, bất kỳ người hâm mộ nào cũng khát khao được chứng kiến bóng đá ban bật đẹp mắt, tốc độ, xen lẫn là những pha solo như Công Phượng “xé toang” hàng thủ U19 Úc để ghi bàn - những pha bóng chỉ thường thấy ở những ngôi sao như Robben, Messi, Maradona…
Bằng chứng là đến tận hôm nay, nhiều người hâm mộ vẫn khẳng định chỉ xem HAGL thi đấu, thích thứ bóng đá đẹp, hồn nhiên của các cầu thủ phố Núi. Họ có thể chấp nhận cảnh đội HAGL thua nhưng chỉ cần được chiêm ngưỡng bóng đá đẹp. Tất nhiên, họ sẽ càng vui nếu HAGL chơi thứ bóng đá và chiến thắng.
Ở đó, Công Phượng chính là hạt nhân trong sự khác vọng về bóng đá đẹp của người Việt Nam. Công Phượng là cầu thủ có thể cầm bóng đi qua 4-5 cầu thủ cao lớn của đối thủ, có thể “xé toang” hàng thủ đối phương chỉ bằng một khoảnh khắc xuất thần.
Và khi nghĩ về Công Phượng thì tôi có một sự liên tưởng đến vở balê Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. Hồ Thiên Nga được xây dựng theo trường phái nào thì cũng làm cho khán giả say đắm bởi vẻ đẹp của mình nhờ những giai điệu thật đặc sắc. Công Phượng cũng thế, dù anh có thi đấu ở đâu hay chơi theo triết lý nào thì vẫn hiện thân cho khát vọng về bóng đá đẹp của người hâm mộ.