Nếu chấm một giọt mực vào tờ giấy trắng tinh thì nhiều người có thể chăm chăm nhìn vào vết mực đã làm bẩn tờ giấy trắng, dù phần còn lại có thể đang rất trắng sạch. Nhưng một tờ giấy bị phủ kín nhiều vết mực thì người ta có thể chẳng còn quan tâm đến nó bị bôi bẩn như thế nào.
Một trong những điều khó của đời cầu thủ là làm cách gì để vừa lòng người hâm mộ? Lê Công Vinh là một ví dụ. Công Vinh từng có một quan điểm đáng suy ngẫm: Đời cầu thủ bạc lắm.
Năm 2007, tức trước 1 năm diễn ra AFF Cup 2008, Công Vinh nói rằng: “Tôi là cầu thủ thế nào, chắc người ta phải biết chứ. Tiền quý thật, nhưng tôi không dễ gì bán rẻ danh dự để đánh đổi. Vả lại, tôi ý thức được rằng, mình đá bóng là phải cống hiến hết mình, trước là cho đội bóng, sau là đánh bóng thương hiệu cho chính cá nhân mình. Có thương hiệu là có tất cả, chứ đâu phải vì một vài đồng bạc trước mắt. Bởi vậy, đôi khi tôi thấy bóng đá và nghiệp cầu thủ thật bạc bẽo“.
Hai năm sau, Công Vinh đã là người hùng với cú đánh đầu ngược tung lưới Thái Lan giúp tuyển Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup 2008. Công Vinh vẫn không thay đổi quan điểm về đời cầu thủ với một phát biểu tương tự vào năm 2009.
Công Vinh nói vào đầu tháng 1 năm 2009 (tức sau hơn 1 tháng vô địch AFF Cup 2008): “Đời bóng đá bạc lắm. Bản thân tôi trong 10 năm làm cầu thủ cũng đã gặp đủ những thăng trầm rồi. Khi tôi thi đấu thành công, mọi người tung hô và nhớ đến tôi. Nhưng nếu một vài trận ở những giải quan trọng mà không ghi được bàn là ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Họ gọi tôi bằng cái từ “tịt ngòi”. Làm tiền đạo mà bị nói là “tịt ngòi” thì làm gì còn cái gì đau hơn, đáng sợ hơn. Làm tiền đạo mà không ghi nổi bàn thắng thì coi như vô dụng”.
Tám năm sau, Công Vinh đã trở thành quyền chủ tịch CLB TP.HCM (năm 2017). Công Vinh tiếp tục giữ quan điểm của 10 năm khi nói với người viết rằng: “Dù làm nghề gì cũng phải chấp nhận mọi thứ, nhưng tôi đã từng nói là nghề cầu thủ cực kỳ bạc. Bản thân tôi trải qua nhiều năm cống hiến cho bóng đá nên hiểu được điều ấy”.
Nếu nói về chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu thì Công Vinh xứng đáng là tấm gương lớn. Công Vinh thi đấu từ giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha đến Nhật Bản. Nhưng điều khiến Công Vinh không ngờ là chính CĐV Việt Nam lên các diễn đàn bóng đá chỉ trích Công Vinh thời còn chơi bóng ở Nhật Bản. Đó là một cay đắng tận cùng khi còn gì buồn gì hơn chính CĐV quê nhà lại bêu xấu Vinh.
Bóng đá với Công Vinh giống như chính cuộc sống khi cho Vinh rất nhiều thứ, từ tiền bạc đến danh tiếng. Nhưng Vinh có đến 3 lần gọi bạc bẽo. Quan điểm đó đến từ cách đối xử của người hâm mộ dành cho Công Vinh. Trong cuộc đời còn gì buồn hơn khi Công Vinh từng khiến cho hàng triệu người bật khóc với bàn thắng ở Mỹ Đình vào lưới Thái Lan, nhưng 8 năm sau Vinh bật khóc ở Mỹ Đình để giã từ sự sự nghiệp thì nhiều ý kiến lại chỉ trích, “ném đá”, buông lời cay đắng với Vinh giống như kẻ xa lạ, tội đồ của bóng đá Việt Nam?!
Gói gọn một câu chuyện dài về Công Vinh để nhìn về Công Phượng, một cầu thủ từng khiến cho khán giả đi xin chữ ký chỉ vì lỡ để thần tượng lướt qua đã bật khóc nở. Một cầu thủ từng bị hàng nghìn người vây kín từ các buổi tập đến sau các trận đấu ở tuổi 19 - 20. Nhưng Phượng chưa bao giờ nhận được một cách đối xử công bằng, một số người vẫn chờ Phượng sa sút để chỉ trích, soi theo kiểu giọt mực trên tờ giấy trắng.
Công Phượng, một cái tên thật đẹp khi chính cầu thủ này muốn khái quát đầy đủ ý nghĩa theo hình ảnh chim Phượng Hoàng bay lên từ túp lều tranh khốn khó, giống như hình xăm của Phượng. Đó là sự khát vọng đổi đời, hiện thân cho ý chí lớn của một chàng trai trẻ sớm nếm đủ cay đắng, ngọt ngào và lằn ranh yêu - ghét của bóng đá Việt Nam.
Cũng một phong cách chơi bóng là lừa qua nhiều cầu thủ với kỹ thuật cá nhân cùng cá tính ngông của một ngôi sao, Công Phượng được tung hô hết mức khi xé lưới U19 Úc. Nhưng các pha đi bóng thất bại thì các chuyên gia gọi màn trình diễn của Công Phượng là “húc đầu vào tường”.
Cũng ít ai biết rằng, Công Phượng phải rơi vào một giai đoạn trầm cảm, vì nhiều người đang muốn vẽ cuộc đời thay cho Phượng. Nếu không có đủ ý chí và nghị lực thì Công Phượng có thể bị rẽ sang một hướng khác thay vì đến Incheon United. Bởi lịch sử bóng đá từng chứng kiến nhiều thần đồng bóng đá chết chìm với định kiến dư luận.
Công Phượng đến Incheon United liệu có sai? Không bao giờ sai nếu bạn nghe những lời tâm sự của HLV Chung Hae Soung: Bóng đá Việt Nam bây giờ đang giống như Hàn Quốc cách đây 30 năm nếu nói về tính chuyên nghiệp.
Đó là một lời nói thẳng và người hâm mộ nếu có đủ tỉnh táo sẽ nhìn thấy rất nhiều vấn đề nổi cộm, từ công tác trọng tài đến đạo đức sân cỏ, bạo lực, mặt sân cỏ như ruộng, sân vận động thiếu các phòng chức năng, y thế, cách điều hành, sự o bế, hay chuyện 3 đi 3 về… Tất cả tạo nên một bức tranh có quá nhiều vết mực dù bóng đá Việt Nam đang khởi sắc.
Công Phượng đi Hàn Quốc chơi bóng nếu nhìn về màn trình diễn ở Incheon để phán xét thì quá đơn giản. Vấn đề là làm cách nào để một cầu thủ Việt Nam được một đội bóng K.League bỏ ra số tiền lương hơn 230 triệu/tháng, con số quá lớn so với mặt chung của V.League. Còn vấn đề một cầu thủ không tỏa sáng ở CLB vì không thích hợp là chuyện thường tình. Siêu sao Kaka đến Real Madrid vẫn mờ nhạt, giống như chiếc bóng ở AC Milan. Đó là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều ví dụ về sự thất vọng thất vọng của các ngôi sao. Bạn không tin có thể tìm thêm cái tên Fernando Torres từng đá hay như thế nào ở Liverpool nhưng chẳng khác gì chân gỗ tại Liverpool. Vì đó là bóng đá, không thể nói trước điều gì.
Bóng đá cũng như cuộc sống. Bản thân cầu thủ tự nâng tầm để vượt lên và có thêm cơ hội phát triển đã tự tạo ra ý nghĩa. Công Phượng phải đi một hành trình dài từ V.League đến J.League, sau đó về lại V.League để sang K.League. Hãy chúc cho Phượng sẽ chơi tốt theo từng ngày, thay vì chờ đợi Phượng thất bại theo kiểu soi vết mực trên tờ giấy trắng. Đúng hơn, đừng để Công Phượng trở thành một Lê Công Vinh thứ hai với 10 năm chỉ duy nhất một quan điểm: Đời bóng đá bạc lắm.