Số phận quả thật biết trêu ngươi khi Công Phượng đang đạp lên đúng tấn bi kịch của Lê Công Vinh cách đây 10 năm. Đó lại là điều không cầu thủ nào muốn xuất hiện trong sự nghiệp.
Một trong những vấn đề lớn nhất của Công Phượng ở Incheon United đang được người hâm mộ quan tâm, là tiền đạo người xứ Nghệ liệu có bị bỏ “đói” bóng. Tức chơi bóng trong sự cô lập vì không có nhiều đồng đội muốn chuyền bóng.
Cả trận đấu với Pohang, Công Phượng chạy như “cỗ máy” không biết ngừng nghỉ. Có bóng lập tức chuyền cho các đồng đội. Ngược lại, Công Phượng có 1 động tác rất quen thuộc trong cả trận đấu là luôn giơ tay xin bóng. Đáng nói, Phượng chỉ nhận lại rất ít sự hồi đáp từ các đồng đội.
Nếu đúng như quan điểm của người hâm mộ Việt Nam thì quả thật nghiệt ngã cho Công Phượng. Bởi không thể chơi bóng trong tập thể đang muốn cô lập chân sút người xứ Nghệ. Dù không có sự thừa nhận nhưng từ những lần xin bóng của Công Phượng dường như phản ánh khá rõ sự cô đơn ở Incheon United.
Một cầu thủ dù tài năng xuất chúng, có khát vọng và hoài bão cống hiến vì CLB nhưng không được các đồng đội đón nhận, số phận cũng chỉ sắm vai người thừa. Công Phượng đang phải rơi vào nghịch cảnh như thế.
10 năm trước, Công Vinh rời SLNA đến Hà Nội T&T (CLB Hà Nội). Công Vinh thấu chịu nỗi uất hận thấu trời vì bị… cô lập. Không ai chuyền bóng cho Vinh. Thế nên, tiền đạo người xứ Nghệ cứ chơi bóng theo kiểu chạy xe không. Mọi thứ chỉ thay đổi khi bầu Hiển bổ nhiệm Hữu Thắng làm HLV tạm thời, Công Vinh được giải thoát nên trở thành chân sút nội tốt nhất V.League 2009.
Bi kịch thêm một lần tái diễn khi Công Vinh xuất ngoại đến Bồ Đào Nha. Công Vinh không được chào đón vì anh là cầu thủ châu Á. Công Vinh phải nỗ lực rất nhiều, sau cùng chỉ muốn trở lại Việt Nam chơi bóng, thay vì gặm nhấm nỗi cô đơn nơi xứ người.
Tấn bi kịch của Công Vinh của 10 năm trước, dường như đang xảy ra với Công Phượng. Có nhiều nguyên nhân để tin Công Phượng đang rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, không có lối thoát như người đàn anh. Hy vọng rằng, Phượng có thể tìm cách vượt qua khó khăn mang tên “nỗi hận đời thừa” vì sự ganh ghét, thay vì trở lại quê nhà trong nỗi buồn như Công Vinh.