Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Có tiền mua cũng không được

Bóng đá có những thứ giá trị mà tiền mua không được, thậm chí rất nhiều tiền cũng không thể mua.

Chủ tịch Florentino Perez từng có câu nói kinh điển về chuyển nhượng cầu thủ: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Quan điểm ấy được xem là chìa khóa để Real Madrid có thể mua bất kỳ ngôi sao lớn nào trên thế giới.

Bóng đá Việt Nam từng có giai đoạn “đốt” tiền tậu sao để gặt thành công. HAGL của bầu Đức là ví dụ điển hình, với những cái tên đình đám như Kiatisak, Lee Nguyễn hay các danh thủ bóng đá Việt Nam.

Bầu Đức từng phải xuống sân lo chỗ ngồi cho khán giả khi sân Pleiku bị “vỡ” vì không còn chổ cho người hâm mộ ngồi. Ảnh: Văn Ngọc

Dẫu vậy, HAGL bây giờ đã qua thời làm bóng đá kiểu “ăn xổi”. Danh hiệu có thể chưa đến với đội bóng của bầu Đức nhưng họ đang sở hữu điều quý hơn vàng, đó là tình yêu của người hâm mộ. Đó là thứ mà có tiền cũng mua không được, thậm chí nhiều tiền cũng không thể mua.

Hôm qua, sân Pleiku theo thống kê của trang VPF có 7 nghìn khán giả đến xem. Con số ấy thực sự không hề lớn nếu so với những trận đấu luôn chật cứng khán giả ở các vòng trước ở phố Núi. Thế nhưng, 7 nghìn khán giả ấy đến trong hoàn cảnh trời mưa lớn thì thật đáng trân trọng, bởi ai cũng biết trời mưa lớn thì phần lớn đều ngại đến sân để xem bóng đá.

Có thể làm một phép so sánh nhỏ là cùng trong hoàn cảnh trời mưa nhưng sân Tam Kỳ (Quảng Nam) chỉ có 1 nghìn người đến xem. Một người bạn của tôi bảo rằng con số ấy thực sự ghi phóng đại, sân Tam Kỳ hôm qua chưa có đến 100 khán giả, gần như khán đài trống hoác. Đấy, trận đấu của nhà đương kim vô địch chỉ có bấy nhiêu khán giả đến cổ vũ, liệu có là bi kịch?

Hình ảnh án tượng về khán giả chỉ thấy ở sân Pleiku.

Bài toán đưa khán giả đến sân luôn rất nan giải với những người làm bóng đá Việt Nam. Bởi họ có thể bỏ hàng trăm tỷ đồng để sắm một đội hình toàn sao nhưng chưa chắc có được tình yêu của người hâm mộ. Bình Dương thời hoàng kim được ví như Chelsea Việt Nam cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười, vì đem vé phát cho công nhân thì họ cũng chẳng buồn đến sân Gò Đậu.

CLB Hà Nội của bầu Hiển từng sống trong cảnh “ghẻ lạnh” của người hâm mộ trong nhiều năm liền. Bây giờ, họ đang bắt đầu thu hút được khán giả khi nhờ sở hữu trong đội hình nhiều cầu thủ U23 Việt Nam. Bầu Hiển đâu thiếu tiền nhưng đến bây giờ mới có được khán giả quan tâm CLB Hà Nội, điều ấy đáng để cho những người làm bóng đá suy ngẫm.

Hay một câu chuyện được xem là nghịch lý đang diễn ra ở V.League 2018. CLB Nam Định đang ở vị trí bét bảng nhưng họ đang đứng số 1 về lượng khán giả đến xem ở sân nhà mùa này. Hôm qua, Nam Định có 13 nghìn khán giả đến cổ vũ. Trận đấu có khán giả đến xem thấp nhất ở sân Thiên Trường là 11 nghìn người (gặp TP.HCM) và cao nhất là 22 nghìn người (vòng 1).

Lý giải cho khán giả đến sân Thiên Trường luôn đông là Nam Định sau nhiều năm mới trở lại V.League, khán giả Nam Định từ trước đến nay cuồng nhiệt và đam mê bóng đá. Tức Nam Định là địa phương có truyền thống yêu bóng đá, thứ giá trị tinh thần có tiền cũng không thể mua được.

Tất nhiên, bóng đá có quy luật niềm tin, một điều được chiết suất từ trái tim của người hâm mộ. Nếu không biết giữ gìn và phát huy thì mọi thứ đều mai một. SLNA một thời vang bóng với chảo lửa thành Vinh - lúc này đang nguội lạnh so với ngày xưa, có những trận đấu phải chịu cảnh vắng tanh khán giả là bài học cho bóng đá Việt Nam.

Đừng để hiệu ứng U23 Việt Nam qua đi rồi chứng kiến cảnh khán đài nguội lạnh.

Điều đáng sợ nhất trong bóng đá là không có người xem. Cơn sốt U23 Việt Nam đang giảm nhiệt rất rõ khi lượng khán giả đến sân theo từng vòng đấu đang thấp dần. World Cup 2018 đang sắp sửa đến, người xem bóng đá Việt sẽ càng ít đi. Đó là một thực tế có thể nhìn trước được và bài toán đặt ra là cách gì để khán giả đến sân trong thời gian tới, và sau World Cup càng khó khăn trong việc lôi kéo khán giả.

Tựu trung, bóng đá Việt Nam cần có những tư duy mới, những người dám thay đổi, dám làm như bầu Đức khi đặt tình yêu khán giả lên hàng đầu. Chỉ có bóng đá sạch, bóng đá cống hiến mới giữ chân được người hâm mộ, bằng không niềm vui hậu U23 Việt Nam rồi cũng “tan thành bong bóng xà phòng”. V.League sẽ tiếp tục sống trong cảnh chợ chiều, vì có tiền cũng không thể mua được tình yêu của người hâm mộ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Starlight Cinema – Rạp Chiếu Phim Việt Cho Người Việt