CLB Cần Thơ về hạng Ba, Sài Gòn FC chờ họp
Trao đổi với Saostar, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh với các đơn vị liên quan có cuộc họp diễn ra vào hôm nay (18/2). Ban đầu, cuộc họp dự kiến vào hôm 16/2.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng mời các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan để họp về việc chuyển đổi chủ sở hữu CLB Sài Gòn. Lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng thông tin thêm là mọi thứ vẫn chưa thể nói trước được điều gì.
Ở một diễn biến khác, CLB Cần Thơ chính thức không tham dự V.League 2 (giải hạng Nhất). Trước đó có thông tin Lâm Đồng có thể mua suất đá hạng Nhất của CLB Cần Thơ, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng bác bỏ chưa ai làm việc hay có ý tưởng gì với Cần Thơ.
CLB Cần Thơ không có sự chuyển giao suất đá giải hạng Nhất cho đơn vị khác. Bóng đá xứ Tây Đô sẽ tham dự giải hạng Ba và làm lại từ đầu. Nguyên nhân khiến cho CLB Cần Thơ không tham dự V.League 2 là vấn đề tài chính. Đội bóng xứ Tây Đô không tìm được nhà tài trợ mới để hoạt động.
Nỗi buồn bóng đá miền Nam
Bóng đá miền Nam từng có đông đảo đội chuyên nghiệp gồm Long An, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, TPHCM và Sài Gòn FC… Bây giờ các đội bóng lần lượt rời xa sân chơi chuyên nghiệp, chỉ còn Bình Dương và TPHCM chơi V.League.
Bóng đá miền Nam đang bước vào giai đoạn giống như những lời trong ca khúc Điệu buồn phương Nam:
“Đàn thiên thu đứt dây tơ rồi
Theo sóng vàng cát lở sông bồi
Còn chi nữa biển dâu đã bao đổi dời
Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi…”.
Câu chuyện của bóng đá miền Nam chính là ba chữ tính bền vững. Thiếu bền vững thì người làm bóng đá chẳng khác gì “anh hai lúa” làm theo thời vụ. Tức số phận đội bóng luôn chông chênh.
CLB Cần Thơ là ví dụ điển hình. Cần Thơ được ví như “công tử Bạc Liêu” khi lên chơi V.League với những hợp đồng đình đám. CLB Cần Thơ mua quân theo kiểu “cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng rất nhiều tiền”. Tuy nhiên, bóng đá chỉ có đầu tư phần ngọn thì không bền vững và Cần Thơ nhanh chóng trượt dài giống các đội bóng miền Nam khác trong quá khứ.
Năm ngoái, CLB Cần Thơ rơi vào cảnh nợ nần ở năm ngoái, dù từng giao đội bóng cho một doanh nghiệp và vị tân chủ tịch CLB phát biểu theo kiểu rất hùng hồn. Nhưng mọi thứ nhanh chóng diễn ra theo hướng tháo chạy khỏi xứ Tây Đô, còn ngành thể thao Cần Thơ phải “dọn dẹp” để cứu đội bóng. Rốt cuộc, Cần Thơ vẫn không thể trụ lại sân chơi chuyên nghiệp vì hết tiền, nợ tiền và không ai tiếp tục bỏ tiền.
Nói về nỗi buồn bóng đá miền Nam, một câu chuyện khác cần được phản ánh. Đó là làm bóng đá theo kiểu lấy suất, mua suất và chuyển hộ khẩu. Sài Gòn FC có tiền thân là CLB Hà Nội, sau đó Nam tiến và bây giờ lại chờ chuyển giao. CLB Đồng Nai cũng từng lên V.League nhờ thế chỗ của CLB Hà Nội và chơi theo kiểu chắp vá dù tài chính không đảm bảo bền vững. Hậu quả xảy ra nỗi buồn một số cầu thủ bán độ, cuối cùng CLB Đồng Nai rớt hạng.
Hy vọng rằng, sau nỗi đau của CLB Cần Thơ và Sài Gòn FC thì những người làm bóng đá miền Nam sẽ cân nhắc về ba chữ tính bền vững nếu làm bóng đá chuyên nghiệp!