Lỗ hổng ở đây được nhiều ý kiến đặt vấn đề là lứa kế cận lứa Công Phượng, Quang Hải. Tức năm 2018 giành Á quân U23 châu Á, bây giờ rớt từ vòng bảng dù các đối thủ không tên tuổi bằng 2 năm trước.
Thực tế, nếu so bó đũa để đếm tài năng hay dựa vào kết quả để nói về lỗ hổng thì chỉ phản ánh bề ngoài của vấn đề. Lỗ hổng không phải nằm ở chuyện những cầu thủ kế thừa các đàn anh sẽ ra sao, đó phải là câu chuyện ở thượng tầng, tức quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam như thế nào sau những thành công dưới thời ông Park Hang Seo.
Một lứa cầu thủ giỏi, rồi một lứa cầu thủ kế cận không có thành tích tốt, chuyện này là hết sức bình thường. Nó giống như các ĐTQG hàng đầu thế giới suy - thịnh, vô địch và bị loại ở các sân chơi lớn. Ví dụ như Đức vô địch World Cup 2014, rồi năm 2018 rớt ngay vòng bảng, trước đó có Tây Ban Nha, Pháp… Nhưng họ có điểm chung luôn là ĐTQG rất mạnh, luôn là ứng viên nặng ký cho các giải đấu, dù có thời điểm bị rớt ngay từ vòng bảng.
Do đó, chẳng thể lấy thước đo thành tích từ một giải đấu để nói về chuyện lỗ hổng. Vì làm như thế khác nào “đếm cua trong lỗ” - một căn bệnh quen thuộc của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung về chuyện thành tích, hay đưa ra các mục tiêu trước các giải đấu lớn.
Cụ thể, U23 Việt Nam trước khi dự U23 châu Á 2020 thì nhiều người đưa ra những mục tiêu cao lớn theo kiểu chắc ăn, ví dụ như vượt qua vòng bảng, ứng viên đi Olympic hay đứng đầu bảng để “né” U23 Hàn Quốc… Kết quả thực tế, U23 Việt Nam về nước ngay từ vòng bảng.
Chuyện “hám thành tích” vốn dĩ ăn sâu trong tâm trí người hâm mộ Việt Nam khi nói về những người làm quản lý bóng đá. Bây giờ hãy nhìn sòng phẳng về câu chuyện chung của bóng đá nước nhà sau thất bại ở U23 châu Á 2020.
U23 Việt Nam rõ ràng chưa thể đá trong tư thế “cửa trên” so với các đội trong bảng đấu. Trận đấu với U23 Triều Tiên có thể nói là chơi theo tư thế kẻ mạnh, kết cục chúng ta thua 1-2. Hai trận mở màn đều đá cửa dưới thì U23 Việt Nam có kết quả hòa trước U23 Jordan và U23 UAE, hai đội bóng thắng U23 Triều Tiên.
Đá tấn công hay phòng ngự là chiến thuật của HLV để phù hợp với đội bóng. Nhưng cách chơi cũng phản ánh về năng lực thực sự của đội bóng, đội bóng mạnh sẽ đá trong thế xác định có 3 điểm bằng cách áp đặt lối chơi, đè đối thủ ra đá để có bàn thắng. Ba đối thủ của U23 Việt Nam rõ ràng không phải là những đối thủ mạnh ở U23 châu Á 2020, U23 Jordan và U22 UAE đã sớm về nước khi thua ở tứ kết, thậm chí UAE thua tán nát đến 1-5 trước U23 Uzbekistan. Vậy chúng ta đang ở đâu so với kỳ vọng có vé dự Olympic 2020 trước khi U23 châu Á 2020 diễn ra?
Năng lực và mục tiêu của U23 Việt Nam rõ ràng quá chênh lệch. Đúng hơn, thành công ở U23 châu Á 2018 giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm vị thế, tạo một bước tiến xa nhưng nó không phải là thước đo chung cho mặt bằng bóng đá nước nhà với châu lục. Nó cũng giống như câu chuyện Hy Lạp từng vô địch EURO 2004 nhưng chưa bao giờ là đội bóng mạnh ở châu Âu hay sân chơi World Cup, chỉ sắm vai kẻ lót đường.
Thế nên, chúng ta thước đo U23 châu Á 2018 để nói rằng bóng đá Việt Nam có lỗ hổng lớn về các cầu thủ thì chỉ là chuyện dựa trên thành tích, theo kiểu “đếm cua trong lỗ”. Vì một nền bóng đá muốn duy trì tư thế kẻ mạnh, có một vị trí vững chắc về trình độ ở châu lục thì cần cả một hệ thống phát triển, từ sân chơi quốc nội đến đào tạo trẻ, trong đó có cả vai trò quan trọng của những người quản lý bóng đá.
Đúng hơn, thành công nhất thời thì chỉ mang tính thời điểm, đến rồi đi, còn giá trị bền vững phải xây dựng bằng cả một hành trình lâu dài. Do vậy, bóng đá Việt Nam không cần phải lo về chuyện thành bại ở U23 châu Á 2020, mà vấn đề là làm cách nào nâng tầm cả nền bóng đá sau những hiệu ứng dưới thời HLV Park Hang Seo. Chủ đề này thuộc về vai trò những người lãnh đạo của bóng đá Việt Nam và sự chung tay của các ông bầu sau khi sòng phẳng nhìn nhận về mặt bằng chung so với châu lục.