Lịch sử bóng đá Việt Nam, hiếm ai phải hứng chịu nhiều ý kiến theo kiểu định kiến như bầu Đức. Thời điểm này của 2 năm trước, SEA Games 29 khép lại trong thành công của đoàn thể thao Việt Nam nhưng bóng đá nam rớt từ vòng bảng. Bầu Đức giữ đúng lời hứa nên xin nghỉ ở VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam).
Câu chuyện của bầu Đức nhìn ở góc độ cuộc sống, một lời nói ra thì phải giữ lời. Ông chủ CLB HAGL tuyến bố trước thềm SEA Games 29 sẽ nghỉ VFF nếu U22 Việt Nam không có HCV, nên ông thực hiện lời hứa.
Đó còn là hệ quy chiếu nhìn về cách ứng xử của dư luận trong cuộc sống bóng đá. Phần lớn phủi sạch đóng góp của bầu Đức. Họ cứ đổ lỗi cho ông chủ CLB HAGL nhưng quên mất, ông Đức là người đau nhất. Vì chính bầu Đức là người dám nói về giấc mơ cho bóng đá Việt Nam, dám nuôi giấc mơ với 10 năm cho ra đời Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG và dám cược cả danh dự của chính mình.
Thử hỏi có lãnh đạo VFF nào dám nói và dám làm như bầu Đức? Có ông chủ bóng đá nào dám vì giấc mơ HCV SEA Games bỏ tiền bạc, công sức trong đúng 1 thập kỷ, rồi cổ vũ bằng cách nói nếu thua thì nghỉ VFF? Duy nhất chỉ có bầu Đức. Nhưng chính về những thứ đóng góp đó trở thành cái cớ để nhiều người dồn trách nhiệm cho bầu Đức, thật may là ông buồn lòng để không bỏ bóng đá.
Nhìn về góc độ bóng đá là một vấn đề đáng để suy ngẫm. Bóng đá Việt Nam thiếu văn hóa chịu trách nhiệm sau mỗi thất bại ở các ĐTQG. Ví dụ HLV Nguyễn Hữu Thắng tuyên bố từ chức ngay trên đất Malasia, đó là một hành động rất đàn ông, không có thành tích tốt thì xin nghỉ. Nó khác biệt so với chuyện HLV Hoàng Anh Tuấn cách đây không lâu, đến phóng viên hỏi thì ông Tuấn vẫn giữ quan để: Hãy chờ xem. Thông tin ông Tuấn nghỉ chỉ được VFF thông báo. Bản ngã của vấn đề là sa thải hay từ chức thì chỉ VFF và người trong cuộc biết, còn thông tin đến dư luận được VFF thông báo: HLV Hoàng Anh Tuấn xin từ chức.
Ở VFF, người hâm mộ Việt Nam liệu có bao nhiêu lần chứng kiến lãnh đạo nào xin từ chức như bầu Đức khi các ĐTQG thi đấu không thành công? Rất hiếm!
Năm 2017, câu chuyện trách nhiệm nổ ra liên tục theo kiểu trách nhiệm phải thuộc về HLV nhưng ông Hữu Thắng đã từ chức. Chiến lược gia người xứ Nghệ vẫn trở thành “bức màn” để đùn đẩy mọi thứ, dù lẽ ra câu chuyện đó phải do lãnh đạo VFF nhận trách nhiệm, thay vì để dư luận nhắm vào HLV trưởng, còn phó chủ tịch tài chính (bầu Đức) xin nghỉ. Đúng ra, mấu chốt phải là những người chịu trách nhiệm về chuyên môn, thay vì để HLV Hữu Thắng nói thẳng Hội đồng HLV quốc gia chẳng đóng góp gì cho ông sau đó lại đổ trách nhiệm.
Nhưng sự nghiệt ngã không chỉ liên quan đến trách nhiệm thuộc về ai, ai dám đứng ra nhận lỗi theo kiểu như bầu Đức. Đó còn là chuyện công sức đóng góp chưa được nhìn nhận đúng mực. Câu chuyện của cựu phó chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ từng tiết lộ là một ví dụ điển hình. Ông Gụ nhắn tin cho lãnh đạo VFF cần vinh danh bầu Đức vì có những đóng góp lớn lao cho bóng đá Việt Nam, mời HLV Park Hang Seo và trả lương thay VFF. Nhưng đổi lại thì câu chuyện bị “lơ” đi theo cách bình thường.
Khi đội tuyển quốc gia thất bại thì trách nhiệm thuộc về bầu Đức, còn thành công thì chẳng nhắc đến. Đó là nghịch lý quá lớn. Thậm chí, bầu Đức ngày rời VFF vẫn chua chát nói là “họ tìm cách gạt tôi”, chơi theo kiểu qua cầu rút ván với tiêu chí bằng cử nhân Đại học, dù ai cũng biết bầu Đức đâu có bằng Đại học! Thế nên, ngôi nhà VFF bây giờ dù có mở rộng cửa thì bầu Đức không bao giờ quay lại nhận một chức vụ quan trọng nào.
Chuyện cũ về bầu Đức chia tay VFF có nguyên tính thời sự với bóng đá Việt Nam. Đó là nỗi lo cho HLV Park Hang Seo, kể cả bầu Đức nếu thành tích đội tuyển quốc gia không còn thành công như hơn 1 năm qua. Vì ai cũng biết được trong bóng đá thì sự thành công không thể kéo dài mãi mãi, phải có lúc chững lại để thay đổi và tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới.