Thời gian gần đây, Man United đã có dấu hiệu sa sút phong độ rõ rệt. Bằng chứng là việc họ chỉ giành 2 chiến thắng, 3 trận hòa và 2 trận thua trong 7 trận gần nhất trên mọi đấu trường. Thành tích tệ hại này khiến “Quỷ đỏ” trở thành “cựu vương” ở League Cup.
Tại đấu trường Premier League, Man United đã mất vị trí thứ 2 vào tay Chelsea. Sau 21 vòng đấu, nửa đỏ thành Manchester đang xếp vị trí thứ 3 với 44 điểm, kém đội đầu bảng Man City 15 điểm.
Tuy mùa giải đi được hơn 1/2 chặng đường nhưng nếu không sớm cải thiện được phong độ, gần như chắc chắn thầy trò HLV Mourinho không thể cạnh tranh chức vô địch với Man City. Họ còn đứng trước nguy cơ bị đánh bật khỏi Top 4 khi Liverpool, Arsenal và Tottenham đang liên tục áp sát, còn Chelsea đã soán vị trí thứ 2.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bóng đá tại đảo quốc sương mù, nguyên nhân khiến Man United thi đấu sa sút xuất phát từ chiến thuật “dựng xe buýt” mà HLV Mourinho thường xuyên áp dụng. Một phòng cách quen thuộc của Mourinho là chiến thắng tối thiểu với công thức ghi bàn và giữ sạch lưới.
Ở đầu mùa, những đối thủ mà Man United chạm trán là những “đội bóng chiếu dưới”. Man United giành được những số điểm cần thiết để cạnh tranh với Man City. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi “quỷ đỏ” phải chạm trán các đối thủ khó chịu hơn và Top 6.
Thói quen cùng phong cách cũ, Mourinho bắt đầu sử dụng nhiều hơn về “chiến thuật dựng xe buýt” khi đụng những Chelsea, Liverpool, Man City, Arsenal… Mục tiêu của Mourinho là phải có ít nhất 1 điểm, trước nghĩ đến chuyện giành 3 điểm. Tức Man United chấp nhận phòng ngự tiêu cực, thậm chí đá trên sân nhà trong bối cảnh phải có 3 điểm để bám đuổi Man City.
Đó là lý do nhiều người chỉ trích là Mourinho luôn có tâm lý sợ thua. Man United nhập cuộc với lối đá phòng ngự bị động trước các đội bóng lớn. Họ chỉ vùng lên khi nhận bàn thua trước. Điển hình là 2 trận đấu với Man City và Chelsea. Đáng buồn là “Qủy đỏ” luôn chơi hay trong những thời điểm phải tấn công để tìm bàn gỡ.
Còn nhớ, khi đang dẫn dắt Man United, Sir Alex Ferguson luôn cho các học trò chơi tấn công “phủ đầu” đối thủ trong hơn 10 phút đầu trận. Nhờ đó, đội bóng thường xuyên có lợi thế dẫn bàn trước nên tâm lý thi đấu của họ cũng thoải mái hơn. Đồng thời, khi dẫn bàn trước, các đội bóng sẽ chủ động hơn trong những toan tính về chiến thuật.
Man United dưới thời Mourinho là câu chuyện hoàn toàn khác. “Người đặc biệt” ưu tiên đá phòng ngự phản công. Thế nên, Man United đang là đội sở hữu hàng phòng ngự tốt thứ 3 tại Premier League khi chỉ để lọt lưới 16 bàn. Thành tích này chỉ kém Man City (12 bàn) và Chelsea (14 bàn). Tuy vậy, thành tích này đến chủ yếu dựa vào những tình huống phản xạ xuất thần của thủ môn David De Gea.
Đá với tư thế “sợ thủng lưới” và quá đề cao sự an toàn khiến cho Man United trở nên khô cứng trong tấn công, thiếu đi tính cách của đội bóng lớn là “đè” đối thủ yếu ra đá. Nói đúng hơn, họ mất đi sự oai phong của một kẻ được xếp ở vị thế đi “săn mồi”.
Hơn hết, Man United rơi vào tình thế bị dẫn trước thì hầu hết các trận đấu có kết quả hòa, hoặc nhận thất bại cay đắng. Hai trận hòa gần nhất là minh chứng cho sự thất vọng lớn về lối chơi “tiêu cực” của Mourinho, dù sau mỗi trận đấu thì phần lỗi không bao giờ thuộc về “người đặc biệt”. Mourinho đổ cho trọng tài, cầu thủ, chính sách chuyển nhượng…
Sự khác biệt lớn giữa Man United và Chelsea của Mourinho là thường xuyên sử dụng đến những tình huống tạt cánh hay các pha bóng cố định để tận dụng khả năng không chiến của các học trò, thiếu đi các cú đấm ngoài vòng cấm để giải quyết bế tắt.
Hiện nay, Man United đang sở hữu nhiều cầu thủ có khả năng không chiến tốt như Zlatan Ibrahimovic, Romelu Lukaku, Paul Pogba, Marouane Fellaini, Chris Smalling… Tuy nhiên, chất lượng những quả tạt bóng hay các pha chuyền bóng từ các tình huống phạt góc hay đá phạt cố định chếch 2 biên của “Red Devils” vẫn thiếu đi sự chính xác.
Do đề cao sự chắc chắn nơi hàng thủ nên Mourinho thường xuyên yêu cầu các cầu thủ trên hàng công phải lùi về phòng ngự khi đội nhà mất bóng. Với việc phải lên công, về thủ nên thể lực của những cầu thủ tấn công trong đội hình Man United sẽ nhanh chóng bị bào mòn. Điều đó khiến những pha lên bóng của họ trong quãng thời gian cuối trận cũng đánh mất đi sự nguy hiểm.
Trong 8 trận gần nhất trên mọi mặt trận, Man United chưa có trận nào ghi được 3 bàn thắng. Trung phong cắm số 1 của họ là Romelu Lukaku thường xuyên “tịt ngòi”. Điều đó khiến tiền đạo người Bỉ thường xuyên gặp phải những lời chỉ trích.
Kể từ khi chuyển sang khoác áo Man United, tốc độ, khả năng càn lướt cũng như cảm giác bóng của Lukaku đã kém đi rõ rệt so với khi anh còn khoác áo Everton. Thế nhưng, nguyên nhân khiến tiền đạo 24 tuổi liên tục “tịt ngòi” là do “đói bóng”. Mặt khác, anh thường xuyên phải chơi dạt biên nên số cơ hội dứt điểm cũng ít hơn.
Tính đến thời điểm này, Mourinho đã có 6 năm rưỡi làm việc ở Premier League trong màu áo Chelsea và Man United. Vì vậy, các đối thủ cũng quá quen với chiến thuật của HLV người Bồ Đào Nha.
Trong tay Mourinho hiện nay đang sở hữu 2 tiền vệ kiến tạo tên tuổi là Juan Mata và Henrikh Mkhitaryan. Mặc dù vậy, điểm yếu của 2 cầu thủ này là thể lực kém. Lẽ ra, khi biết rõ điểm yếu này, “Mr Special” nên miễn nhiệm vụ phòng ngự cho 2 cậu học trò của mình để giúp họ có thể dành sức lực tối đa nhiệm nhiệm vụ kiến tạo.
Với sự hạn chế về thể lực, thể hình và không có kỹ năng phòng ngự nên mỗi khi lùi về phần sân nhà, Mata và Mkhitaryan cũng chẳng có đóng góp gì đáng kể trong việc ngăn chặn các tình huống tấn công của đối phương.
Khi còn dẫn dắt Chelsea, Mourinho sở hữu 2 tiền vệ trung tâm có khả năng sút xa tốt là Frank Lampard và Michael Ballack. Điều đó giúp “The Blues” có thêm giải pháp tấn công khi gặp bế tắc. Trong đội hình Man United hiện nay, Paul Pogba được đánh giá là cầu thủ có khả năng dứt điểm từ xa tốt nhất. Thế nhưng, sự chính xác trong những cú “đại bác tầm xa” của Pogba vẫn chưa thực sự ấn tượng.