Nhìn từ nỗi buồn của một vòng đấu
2 nghìn khán giả là số người xem đến coi trận Hà Nội và Bình Dương ở vòng 24 V.League 2018. Một con số có lẽ quá bết bát khi Hà Nội và Bình Dương đang có đến 8 lần vô địch V.League, mỗi đội có 4 lần đăng quang.
Hai đội bóng giàu thành tích nhất của bóng đá Việt Nam đá với nhau nhưng chỉ vỏn vẹn 2 nghìn người xem. Đó là nỗi buồn cho V.League sau 17 năm lên chuyên nghiệp.
Đáng nói, CLB Hà Nội và Bình Dương nằm trong vụ lùm xùm xếp lịch bán kết Cúp quốc gia 2018. Tức cả hai đội đá với nhau vì danh dự, tính ăn thua rất lớn sau những tác động bên lề. Diễn biến trận đấu đúng như quan điểm trên. Thậm chí, một cầu thủ lành tính như Quang Hải cũng không giữ được cái đầu tỉnh táo với tình huống trả đũa Tấn Tài và nhận thẻ vàng với pha phạm lỗi từ phía sau, đội trưởng Văn Quyết phải tới khuyên nhủ Quang Hải cần giữ được cái đầu lạnh.
Tại sao một trận đấu thuộc diện “nóng” giữa hai đội bóng 8 lần vô địch V.League chỉ có 2 nghìn người xem? Hơn hết, Hà Nội đang sở hữu nhiều cầu thủ giỏi khoác áo U23 Việt Nam ĐTVN.
Một nghịch lý của bóng đá Việt Nam xét trên phương diện tình yêu của người hâm mộ. Làm cách nào để được yêu bền vững và một lực lượng CĐV trung thành quả thực rất khó.
Cũng trong ngày 28/9, Nam Định và HAGL đá trận đấu được xem như “chung kết ngược”. Khá giả đến sân Thiên Trường là 17 nghìn người. Hai trận gần nhất trên sân nhà, Nam Định có lượng khá giả lần lượt là 10 nghìn người và 8 nghìn người, xen kẽ là trận đấu với Quảng Nam bị cấm khán giả vào sân vì án phạt của Ban kỷ luật VFF.
Nam Định là đội mới lên hạng ở mùa này nhưng có truyền thống bóng đá. 15 năm trước, trận đấu giữa Nam Định và HAGL quyết định ngôi vô địch từng tạo ra cảnh tượng vỡ sân với lượng khán giả đến choáng ngợp. Khán giả Nam Định luôn rất yêu bóng đá nên họ cổ vũ cho đội nhà theo đúng nghĩa trái tim người hâm mộ luôn hướng về đội bóng.
Ngoài ra, sức hút của HAGL cũng mang đến sức nóng cho sân Thiên Trường. “Đám trẻ của bầu Đức” có thể thi đấu không ổn định nhưng tình yêu của người hâm mộ dành cho họ là sự bền vững. Họ được cả nước yêu mến trong nhiều năm qua.
Đến chuyện “tình yêu ai bán mà mua…”
Chủ tịch CLB Real Madird - ông Florentino Pérez từng cho rằng thứ gì không thể mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Một triết lý thuộc diện kinh điển của bóng đá khi nói về việc Real Madrid mua sắm cầu thủ. Một bài học cho tất cả các đội bóng trên thế giới.
Bóng đá Việt Nam cũng thế. Bầu Hiển từng để mất Công Vinh vì đối thủ trả giá lên đến 14 tỷ đồng. Sức mạnh kim tiền cũng từng giúp Bình Dương một thời xưng vương ở V.League, đến mức CLB Hà Nội bất lực nhìn đối thủ 2 lần liên tiếp vô địch V.League vào các năm 2014 - 2015. HAGL của bầu Đức từ hạng Nhất lên V.League thì 2 năm liên tục vô địch. Long An cũng tương tự HAGL với cú đúp V.League dưới thời HLV Calisto.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh thoái trào thì sân cỏ cả nước bị nguội lạnh như cảnh chợ chiều. Bài toán tìm lại niềm tin và tình yêu của người hâm mộ luôn là một câu hỏi rất khó. Ai cũng thấy nhưng làm cách nào giải được là chuyện gần như bất lực. Ví dụ Bình Dương hay Hà Nội từng làm rất nhiều cách nhưng khán giản vẫn… ngó lơ.
Cũng cần nhắc, cả CLB Bình Dương và Hà Nội thực sự rất cố gắng trong việc xây dựng hình ảnh. Đội bóng của bầu Hiển trong năm 2018 rõ ràng có những tín hiệu lạc quan về tình yêu nhưng vẫn chưa xứng đáng với thành tích và con người đang có.
Thế nên, tình yêu dành cho một đội bóng thì không thể mua được, kể cả nhà vô địch V.League cũng bất lực. Tình yêu của người hâm mộ là sự vun đắp qua nhiều năm tháng, từ thần tượng các cầu thủ đến bản sắc đội bóng cách làm, lối chơi… Qua đó, một đội bóng muốn được yêu và yêu bền vững phải có những giá trị nhất định, phải theo kiểu mưa dầm thấm lâu, còn thuê mướn CĐV cũng được nhưng không thể làm mãi như thế, vì không thuê nữa thì họ không đến.
HLV Nguyễn Văn Sỹ (CLB Nam Định) đã từng tự hào khi nói với Saostar rằng: “Tôi chỉ nhắc các em là đội mình không có tiền đã đá lên hạng rồi. Bây giờ, chúng ta trụ hạng mà ít tiền càng có giá trị gấp vạn lần so với những đội phải bỏ tiền mua khán giả để đến cổ vũ cho đội, những đội vô địch chẳng hạn, chả có ý nghĩa gì cả”.
CLB HAGL cũng thuộc trong số ít đội có quyền tự hào về điều đó. Đội bóng phố Núi chưa có thành tích được như kỳ vọng nhưng họ được khán giả cả nước yêu mến. Khán giả luôn đến gần chật cứng sân Peliku theo mỗi vòng đấu. Họ đi sân khách cũng có được tình yêu lớn trên khán đài.
Tình yêu của khán giả rõ ràng không thể mua được. Chỉ có cách làm bóng đá tử tế, có bản sắc và cống hiến hết mình vì người hâm mộ thì mới được yêu!