Nhìn từ lứa Supachai Jaided
Mới đây, Supachai Jaided kể về một trong những điều tồi tệ nhất trong sự nghiệp là tấm thẻ đỏ trong trận thua Việt Nam 0-4 ở vòng loại U23 châu Á 2020. Đây là trận so tài trên sân Mỹ Đình vào tháng 3/2019.
Supachai đã có hành động phi thể thao với Đình Trọng và nhận thẻ đỏ. "Đó là bài học đắt giá đối với tuổi trẻ. Ở thời điểm ấy, tôi đã không kìm chế được cảm xúc trước những pha va chạm, trước sức ép của CĐV Việt Nam và áp lực từ chính tỷ số trận đấu", Supachai Jaided chia sẻ.
Hai năm sau trận thua tan nát trước U23 Việt Nam, Supachai cùng tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2020 (tổ chức vào năm 2021). Đội hình vô địch của Thái Lan còn có nhiều gương mặt từng góp mặt ở trận thua 0-4, điển hình như Supachok Sarachat, Kritsada Kaman, Worachit Kanitsribampen...
Ở AFF Cup 2022, Supachai Jaided không tham dự do CLB Buriram không nhả quân. Supachai cùng Suphanat Mueanta, Narubadin Weerawatnodom và Ratthanakorn Maikami tập huấn ở Leicester City (Anh). Ngôi sao Supachok sang thi đấu ở Nhật Bản nên cũng không đá AFF Cup 2022.
Những cầu thủ khác của lứa U23 Thái Lan từng thua Việt Nam tiếp tục được lên tuyển Thái Lan ở AFF Cup 2022 như Kritsada, Ekanit Panya... Dù đá với đội hình thiếu nhiều ngôi sao giỏi nhất nhưng Thái Lan vẫn vô địch.
Có thể thấy U23 Thái Lan có xuất phát điểm kém xa so với U23 Việt Nam khi nhìn từ trận thua 0-4 vào năm 2019, hay ngôi Á quân U23 châu Á 2018 và vô địch AFF Cup 2018. Nhưng những Supachok, Supachai, Kritsada, Ekanit... tiến bộ chóng mặt và nhanh chóng kết hợp với lứa Chanathip, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda để giúp tuyển Thái Lan thống trị AFF Cup.
Câu chuyện của đội tuyển Thái Lan không phải do giỏi hơn Việt Nam về đào tạo trẻ, thậm chí họ gọi nhiều cầu thủ Thái kiều vẫn không thắng được U23 Việt Nam. Tính từ cuối năm 2017 đến nay, các đội trẻ từ cấp U23 trở lại của Thái Lan luôn hòa và thua Việt Nam. Vấn đề đầu ra của cầu thủ trẻ Thái Lan khác biệt lớn so với Việt Nam, nhờ có hệ thống giải chuyên nghiệp nâng tầm.
Khác biệt giữa Thai League và V.League
Năm ngoái, thống kê kinh ngạc về các cầu thủ trẻ của Thái Lan là số trận thi đấu ở sân chơi chuyên nghiệp. Cùng tham dự giải U23 châu Á 2022 nhưng cầu thủ Thái Lan có 506 trận ở các giải VĐQG và 32 trận cấp ĐTQG. U23 Việt Nam có vỏn vẹn 185 trận ở V.League. Tính riêng Kritsada, Chatmongkol, Channarong, Songchai, Suphanat, Sittichok chơi tổng cộng 339 trận ở Thai League.
Hãy thử làm thống kê về Supachai Jaided và Hà Đức Chinh, hai tiền đạo từng góp mặt ở trận so tài trên sân Mỹ Đình vào tháng 3/2019. Đức Chinh đã đá tổng cộng 125 trận ở V.League, còn Supachai có 173 trận. Nếu so với Tiến Linh thì Supachai bỏ rất xa, khi chân sút chủ lực của tuyển Việt Nam mới có 116 trận ở V.League.
Một tài năng khác của Thái Lan là Suphanat Mueanta, tuy mới 21 tuổi nhưng có đến 94 trận tại Thai League. Số trận chuyên nghiệp của Suphanat nhiều hơn xa so với Nguyễn Hoàng Đức (74 trận) và Đoàn Văn Hậu (74 trận) cùng nhiều cầu thủ khác của Việt Nam.
Hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của Thái Lan diễn ra đều đặn và không hoãn vì SEA Games hay các đội trẻ, có số CLB tham dự nhiều hơn V.League và mô hình chuẩn (Thai League 1 có 16 đội, Thai League có 18 đội và Thai League có 72 đội), những tài năng như Ekanit, Suphanat... không phải đá SEA Games 31 mà được ưu tiên thi đấu chuyên nghiệp ở Thai League. Nhờ vậy, các tài năng của bóng đá Thái Lan nhanh chóng tiến bộ dù xuất phát điểm ban đầu thua kém so với cầu thủ Việt Nam.
Lấy thành tích bằng mọi giá
Hãy nhìn so sánh giữa Suphanat và Đoàn Văn Hậu - hai tài năng xuất sắc của hai nền bóng đá để thấy bóng đá Việt Nam lấy thành tích bằng mọi giá:
Ở tuổi 19, Đoàn Văn Hậu vô địch AFF Cup 2018. Tuổi 20, Văn Hậu xuất ngoại sang Hà Lan. Nghịch lý là Văn Hậu về đá SEA Games 2019 cho U22 Việt Nam dù bản chất trình độ quá tầm sân chơi "ao làng". Văn Hậu chỉ lỡ SEA Games 31 do chấn thương ngoài ý muốn. Câu chuyện bi hài của Văn Hậu còn thể hiện đầy đủ ở việc từng có tên trong danh sách U19 Việt Nam dự VCK U19 châu Á 2018. HLV Hoàng Anh Tuấn nói trường hợp đội nhà đi tiếp thì Văn Hậu rời ĐTQG để sang Indonesia phục vụ... U19 Việt Nam. Lạ lùng và khó hiểu nhưng VFF vẫn chấp nhận xảy ra. Đơn giản để có thành tích!
Ngược lại, Suphanat phát triển tốt, từ chuyện dự SEA Games 2019 đến U23 châu Á 2022 và liên tục đá chuyên nghiệp với 94 trận ở Thai League. "Thần đồng" bóng đá Thái Lan đã không dự AFF Cup 2022 để sang tập huấn ở Leicester City (Anh). Có thể Suphanat được đầu tư để phát triển tài năng dù chưa được xuất ngoại, trong khi Văn Hậu đi Hà Lan thì về đá SEA Games. Rộng hơn, Quang Hải đã từ Pháp về đá AFF Cup 2022, Supachok và Chanathip không tham dự dù thi đấu ở Nhật Bản.
Hãy đặt câu hỏi thế này: Nếu Suphanat là tài năng của bóng đá Việt Nam thì liệu anh có dự SEA Games 32 vào tháng 4 tới?
Câu trả lời là chắc chắn Suphanat đá SEA Games 32 bởi sinh năm 2002, đủ tuổi tham dự và tài năng xuất sắc. VPF và VFF tạo điều kiện bằng cách hoãn V.League 2023 hơn 1 tháng để U22 Việt Nam tranh HCV. Đây chính là vấn đề khác biệt của các cầu thủ Việt Nam và Thái Lan. Nên nhớ, Suphanat đã không tham dự SEA Games 31 và chỉ dự VCK U23 châu Á 2022.
Nhìn một bức tranh chung, bóng đá Việt Nam tạo ra rào cản lớn cho các tài năng bằng cách quy hoạch đội tuyển quốc gia về phục vụ cho các đội trẻ để lấy thành tích. Minh chứng là Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Đức Chinh, Hoàng Đức, Hồ Tấn Tài… đi đá SEA Games 2019, dù phần lớn đã vô địch AFF Cup và tham dự vòng loại World Cup 2022. Chuyện đưa những cầu thủ giành QBV (Hùng Dũng, Hoàng Đức), cầu thủ hay nhất Đông Nam Á (Quang Hải, năm 2018), cầu thủ xuất ngoại sang châu Âu (Văn Hậu, năm 2019) về đá sân chơi trẻ để lấy thành tích, đó là tư duy "gặt" thành tích bằng mọi giá của VFF. Câu chuyện này vẫn tiếp diễn với lứa Văn Khang, Quốc Việt, Văn Trường... vừa đá U20 châu Á 2020, trong đó Văn Khang đã lên tuyển Việt Nam.
Rào cản lớn hơn cho bóng đá Việt Nam là sân chơi chuyên nghiệp bị "băm nát" khiến cho các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên. Điển hình V.League 2023 đã hoãn 48 ngày, sắp tới hoãn hơn 1 tháng để U22 Việt Nam dự SEA Games 32. Câu chuyện này không thể xảy ra ở Thai League.
Sân chơi chuyên nghiệp nhường chỗ cho các đội trẻ. Các ngôi sao đội tuyển quốc gia vẫn đá ở U22 và U23. Cầu thủ xuất ngoại không được ưu tiên phát triển tài năng và không tập trung theo FIFA Days mà tìm cách gọi về đá giải khu vực. Cả ba phản ánh vấn đề luôn đặt nặng thành tích ở cấp độ trẻ, không đủ tầm nhìn phát triển sân chơi chuyên nghiệp thành một hệ thống nâng tầm ĐTQG. Đây là lý do bóng đá Việt Nam mạnh hơn Thái Lan cấp độ trẻ nhưng thường xuyên thua ở ĐTQG.