Bóng đá - môn thể thao vua mà người người nhà nhà đều yêu thích, người ta có thể ăn ngủ sống chết cùng bóng đá. Không chỉ vậy, bóng đá còn là niềm tin, động lực giúp không ít vận động viên vượt qua bệnh nặng để trở lại sân cỏ như Arjen Robben hay Eric Abidal, Jonas Gutierrez, Sergio Aragoneses… Đó là với thế giới, còn tại làng thể thao Việt Nam, chúng ta cũng không thể quên câu chuyện cảm động của chân sút Nghiêm Xuân Tú - tuyển Than Quảng Ninh đã chiến đấu với căn bệnh ung thư để tiếp tục theo đuổi đam mê mãnh liệt dành cho bóng đá.
Hẹn gặp Nghiêm Xuân Tú vào chiều cuối tuần khi anh tranh thủ về Hà Nội thăm gia đình. Khác với sự mạnh mẽ trên sân cỏ, Nghiêm Xuân Tú ở bên ngoài lại có chút gì đó rụt rè, khá hiền lành và chất phác.
Anh hào hứng kể về bóng đá, về cuộc sống gia đình cũng như khoảng thời gian chiến đấu với bệnh thư cách đây 7 năm. Chính bóng đá đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để Nghiêm Xuân Tú vượt qua “án tử thần”.
Chân sút Nghiêm Xuân Tú.
Bóng đá tiếp thêm động lực vượt qua bệnh ung thư!
“Bóng đá là niềm đam mê bất tận của tôi, bóng đá đã thay đổi cuộc sống của tôi” - câu nói quen thuộc ăn sâu vào tâm trí của chàng cầu thủ sinh năm 1988.
7 năm qua đi, Nghiêm Xuân Tú của hiện tại khá bằng lòng với cuộc sống, căn bệnh ung thư cũng đã chữa khỏi. Nhưng những ngày tháng kinh hoàng đứng giữa sự sống và cái chết có lẽ Nghiêm Xuân Tú không bao giờ quên.
Xuân Tú kể năm 2010, ở độ tuổi 22 khi mọi thứ vẫn đang rộng mở phía trước, anh phải đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác - mọi thứ tưởng chừng như sụp đổ ngay trước mắt.
“Ngày đó, đá bóng về tôi thấy đi tiểu ra máu, cảm giác sức khỏe không được tốt. Và gia đình khuyên đi khám nhưng kiểm tra không bị 1 cái gì cả. Sau đó, bác sĩ lại bảo tôi nên kiểm tra tổng thể 1 lần, cuối cùng phát hiện u trong đại tràng, cần phải cắt bỏ đi.
Cứ nghĩ bệnh chỉ đơn giản vậy nhưng sau khi mổ xong, gia đình lại thông báo thêm sức khỏe tôi không được tốt như mong đợi. Tôi cần phải điều trị thêm 1 năm, mỗi tháng phải vào bệnh viện 5 ngày để truyền thuốc cho dứt điểm bệnh, còn 25 ngày khác thì ở nhà tẩm bổ sức khỏe. Khi ấy, tôi mới vỡ lẽ ra mình mắc bệnh ung thư…” - Xuân Tú nhớ lại.
Đứng trước “án tử hình” của số phận, Xuân Tú như rơi vào tuyệt vọng, chán chường. Có lúc anh muốn mình ra đi thật nhanh: “Thú thật, thời gian đầu, tôi chỉ muốn mình chết đi cho xong để gia đình đỡ vất vả, cũng chẳng còn tâm trí để nghĩ đến chuyện quay trở lại với bóng đá”.
Tuyệt vọng, mất niềm tin là vậy nhưng thay vì chấp nhận số phận, Xuân Tú lại vượt qua nó khá dễ dàng. Tất cả nhờ vào tình yêu bóng đá.
Ở tuổi 22, đam mê bóng đá vẫn cứ chảy mãnh liệt trong máu và trái tim Xuân Tú. Ngay cả những ngày nằm trên giường bệnh, sức khỏe yếu dần đi nhưng chàng trai rẻ vẫn “nổi loạn” trốn viện để đi đá bóng.
“Các bác sĩ cũng nói tôi may mắn khi phát hiện ra sớm nên quá trình điều trị đỡ phức tạp hơn giai đoạn nguy hiểm.
Chưa kể, tôi phát hiện bệnh khá trẻ thấy thế giới có rất nhiều tấm gương để mình noi theo. Bây giờ sự việc như vậy rồi, mình có suy sụp, chán nản thì chỉ tồi tệ hơn. Thay vì chán nản hãy vui vẻ lên. Tôi vẫn sống và đá bóng, mọi hoạt động thường ngày không có gì thay đổi, chỉ trừ lúc đi vào bệnh viện truyền hóa chất” - Xuân Tú nói.
Bản thân nam cầu thủ nhiều khi nghĩ lại không hiểu sao lúc đó anh lại có thể vô tư đến vậy. Vừa điều trị bệnh, truyền hóa chất vào người nhưng Xuân Tú vẫn “trốn” nhà đi đá bóng: “Truyền hóa chất vào trong người diệt tế bào ung thư nhưng đi kèm với đó diệt luôn cả hồng cầu, sức khỏe yếu dần đi. Mệt lắm, người không còn sức sống gì, gầy lắm… nhưng tôi vẫn đi đá bóng. Nhớ lúc mới mổ song được 10 ngày, chưa cắt chỉ, tôi đã trốn đi đá bóng rồi về phải cấp cứu. Ngay cả, buổi cuối cùng trong đợt hóa trị, bác sĩ dặn đến làm nốt… 1 năm dài đằng như vậy, hôm đó tôi sợ quá, trốn luôn xách giày đi đá bóng…”.
1 năm trời đằng đẵng cứ 5 ngày vào viện, 25 ngày ở nhà tĩnh dưỡng sức khỏe… khoảng thời gian không bao giờ Tú có thể quên. Và cuối cùng, vị thần may mắn đã mỉm cười với Xuân Tú. Tế bào ung thư cũng đã được diệt, ánh sáng - niềm tin lại tiếp tục mỉm cười với chàng trai trẻ khi anh có thể tiếp tục giấc mơ bóng đá.
Bóng đá đầu tiên phải nuôi được gia đình, thứ hai mới đến tình yêu và lòng trung thành!
Chiến đấu với căn bệnh ung thư trong 1 năm xong, Xuân Tú trở lại với cuộc sống thường ngày và tình yêu bóng đá. Nhưng đời không như là mơ, đâu phải cuộc sống lúc nào cũng dễ dàng nhất là với 1 người còn trẻ, bằng cấp không có, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu.
Đây cũng là khoảng thời gian khá vất vả với Xuân Tú khi anh đi xin thử việc ở rất nhiều đội bóng nhưng đều bị từ chối. Bóng đá - niềm tin, tình yêu lớn của Xuân Tú khi đó nên anh quyết không từ bỏ. Cuối cùng, anh quyết định tham gia đá bóng phong trào.
“Các doanh nghiệp biết tôi có chút khả năng chơi bóng nên mời đi đá thuê. Khi ấy, tôi không xin được việc, bằng cấp không có nên coi như chỗ để mình có thêm thu nhập và vừa để bản thân khỏe, có sức để tiếp tục chữa bệnh”. Cũng kể từ đây, cái tên Tú “ngựa” ra đời gắn liền với những bước chạy thần tốc mà trước đó, anh đã mất đến 1 năm trời nằm trên giường bệnh.
Đi đá bóng phủi được vài năm thì Xuân Tú may mắn được các nghệ sĩ như MC Thành Trung, Hồ Hoài Anh, Tuấn Hưng ngỏ ít muốn giúp có công việc ổn định để thêm thời gian đi đá bóng. Vừa về thử việc làm BTV của Bóng đá TV được một thời gian thì Tú “ngựa” lại có bước chuyển mình đầy bất ngờ.
Tầm tháng 5 năm 2013, Xuân Tú ghi 2 bàn trong màu áo FC Cường Quốc tham gia giải bóng đá phong trào Ngoại hạng Hà Nội. Sau trận đấu đầu tiên, Xuân Tú nhận được điện thoại của HLV Mai Đức Chung mời vào Thanh Hóa thử việc. Thay vì nhận lời luôn thì anh lại suy nghĩ, đắn đo liệu có nên “gói ghém” hành lý tiếp tục đi xin thử việc nữa hay không.
“Khoảng thời gian sau khi trị bệnh xong tôi cũng có đi rất nhiều đội vào Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp thử việc những đội hạng dưới còn không được. Nhưng giờ có đội ở hạng cao hơn mời thử việc nên nhất quyết không đi đâu bởi thử nhiều quá rồi, mỗi lần đi xa rất tốn kém, mất thời gian.
Mãi sau đó, bố động viên rất nhiều nên tôi mới vào thử việc. May mắn sau 4 ngày thì tôi đã được ký hợp đồng.
Và trong trận đấu đầu tiên, trận đinh của vòng giữa hai đội Thanh Hóa - Nghệ An, phút 60 được bác Chung tung vào sân, đá mấy phút thì ghi bàn thắng quyết định cho trận đấu. Từ đó, người ta biết đến mình nhiều hơn.
Đó là may mắn của tôi. Nhiều cầu thủ đá mãi không có điểm nhấn, dấu ấn gì thì cũng chẳng được ai để ý. Với tôi trận đấu đó, bàn thắng ấy là quan trọng nhất. Vì nếu không có bàn thắng đó thì làm sao khán giả, giới chuyên môn biết đến mình” - Xuân Tú tự hào kể lại bàn thắng quyết định của mình.
Từ giải phong trào, Tú “ngựa” bỗng may mắn lên V.League trong trận đầu tiên. Hiện, chân sút sinh năm 1988 không đá ở Thanh Hóa nữa mà đầu quân cho Than Quảng Ninh. Dù vậy, anh không quên những ngày tháng đá bóng phủi và đó cũng là nơi se duyên với ca sĩ Thanh Thủy - người vợ hiền hậu, đảm đang.
Tú kể, 2 người tình cờ quen nhau sau một trận giao hữu của 2 đội bóng nghệ sĩ nhưng bà xã lại là cổ động viên của đội khách. Sau trận đấu, anh có làm quen Thanh Thuỷ và dần dần cả hai nảy sinh tình cảm với nhau. Mặc dù Tú thi đấu ở Thanh Hóa, 1 tuần hai người chỉ gặp nhau 1 ngày nhưng tình cảm vẫn rất mặn nồng. Thanh Thủy là người rất hiểu, thông cảm cho công việc của Xuân Tú. Thậm chí, sau này anh cũng thẳng thắn chia sẻ về bệnh tình của mình nhưng Thủy càng yêu và thương Tú hơn.
Đến ngày 6/10/2013, Xuân Tú và Thanh Thủy đã quyết định tiến tới hôn nhân sau 1 năm tìm hiểu. Và 30/5/2014, hạnh phúc chào đón cậu con trai đầu lòng.
Kể từ khi lập gia đình, cuộc sống của Tú “ngựa” cũng thay đổi rất nhiều. Nếu ngày xưa anh đam mê bóng đá có thể sống chết vì nó. Còn giờ đây, tiền vệ cho rằng đời cầu thủ rất ngắn nên khi bóng đá là nghiệp thì cần phải tận dụng có tài chính để lo cho gia đình.
“Suy cho cùng, người ta cứ nói bóng đá là đam mê là tình yêu nhưng tôi lại nghĩ rằng: bóng đá đầu tiên phải nuôi được bản thân, gia đình mình đã. Thứ 2 mới sét đến tình yêu, lòng chung thành với đội bóng. Đó là thực tế!
Đời cầu thủ ngắn lắm, nhất là với những cầu thủ bước chân vào con đường chuyên nghiệp muộn như tôi thì càng ngắn hơn. Vì người ta 19 - 20 đã đá bóng, còn tôi 25 tuổi mới bắt đầu đặt chân lên đây. Con đường bóng đá chuyên nghiệp của cầu thủ Việt nam cùng lắm đến 31-32, cầu thủ phải biết giữ gìn sinh hoạt tốt có thể chơi lâu hơn. Còn tôi xuất phát muộn thì càng khó”.
Nói đến đây, đôi mắt của Tú “ngựa” lại ánh lên nhiều tâm sự, nỗi lo lắng. Anh cho biết, mình xuất phát điểm chậm hơn so với đồng đội nên càng cần nỗ lực bản thân nhiều hơn. Có được vị trí như ngày hôm nay, Xuân Tú càng phải suy nghĩ bóng đá và giữ gìn nó.
Trước khi khép lại cuộc trò chuyện, Xuân Tú không quên tiết lộ nếu sau này không đá bóng nữa, anh sẽ đổi sang thử sức kinh doanh một lĩnh vực gì đó cùng bà xã. Chứ Xuân Tú không muốn đi theo nghề huấn luyện viên như nhiều đồng đội khác.