1. “Giấc Mộng Đêm Hè” (Midsummer Night's Dream) của văn hào vĩ đại Shakespeare là chủ đề về tình yêu. Văn hào người Anh gửi đi thông điệp: Tình yêu không theo luật lệ nào ngoài thứ luật của chính nó.
Tình yêu thường không xảy ra theo cách bình thường mà được tạo ra bởi nghịch cảnh, đôi khi không thể biết trước được, có những lúc tưởng chừng vô lý. Thế nên, không ít người quan niệm rằng, tình yêu dễ làm cho con người mù quáng, không theo bất kỳ trật tự hay điều gì có thể ngăn cản nếu đó là tình yêu thực sự.
Một đoạn nhận xét “Giấc Mộng Đêm Hè” viết: Hermia yêu Lysander nên không nghe lời cha, không tuân theo luật lệ của kinh thành Athens, Helena càng yêu Demetrius lại càng bị anh chàng này ghét bỏ, xa lánh.
Tình yêu có thể là mù quáng, là hình ảnh của thiên thần nhỏ Cupid khiến cho Titania yêu Bottom, anh chàng có cái đầu lừa. Giọt sương nhỏ vào mắt các kẻ đang yêu khiến cho họ không nhìn ra sự thật. Họ đã hành động không theo lý trí và như vậy. “Trái tim” và “bộ óc” không thể hiểu nổi nhau khiến cho cuộc đời thường diễn ra một cách buồn cười, không biết làm sao đoán trước.
2. Với những người yêu bóng đá Việt Nam bây giờ cũng có thể gọi là tình yêu mù quáng khi đến dõi theo sân chơi V.League. Vì không phải đội bóng nào trân trọng tình yêu của khán giả.
Tôi từng bất ngờ khi đọc thấy dòng băng rôn của CLB Đồng Nai - đội bóng rớt hạng ở V.League 2015. Họ treo trước sân vận động dòng chữ xin lỗi nhưng xin lỗi lãnh đạo đầu tiên, sau đó mới nói đến người hâm mộ.
Câu chuyện của Đông Nai hóa ra là điều bình thường ở sân chơi V.League, bởi một số đội không ý thức được chuyện trân trọng khán giả theo cách đúng nghĩa. Đó là phải đá cống hiến, đá vì người hâm mộ, đá thật. Liệu có bao nhiêu khán giả tin tưởng V.League đã đá sạch, đá thật?
CĐV SLNA đã có những câu thơ hài hước rằng: “Hoan hô đội bóng tỉnh ta/Đi làm kinh tế ở xa mới về”. Chính CĐV SLNA cũng từng treo băng rôn ở sân Tân An để chỉ trích bầu Hiển là chủ của 4 đội bóng + 1.
CĐV Hải Phòng từng kéo ra đến tận trụ sở VFF để yêu cầu xem xét lại trận đấu bị nghi có mùi giữa Cần Thơ và Hải Phòng vào năm 2015. Hôm đó, tôi được tận mắt chứng kiến CĐV đất Cảng yêu bóng đá đầy cuồng nhiệt khi hơn 40 người bỏ việc theo chân đội nhà vào Tây Đô. Sau đó, họ chạy sang khán đài A la hét đội nhà trong sự giận dữ.
Đó là một nghịch lý ghê gớm khi CĐV không tin vào giải đấu, không tin vào chính đội nhà. Thế nhưng, sau tất cả thì CĐV vẫn yêu, tha thứ để đến sân cổ vũ cho đội nhà. Có thể gọi là tình yêu mù quáng, đúng hơn tình yêu không có quy luật, vì người hâm mộ Việt Nam nổi tiếng yêu bóng đá.
3. Mới đây, một câu chuyện được xem là rất đẹp ở sân chơi V.League. CĐV Nam Định góp tiền ủng hộ cầu thủ. Trước đó, CĐV Nam Định đã góp tiền để thưởng thêm cho các trận thắng trên sân khách của thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ.
CLB Nam Định đang đứng trước vực thẳm khi có nguy cơ rớt hạng. Họ chỉ còn một cách duy nhất để trụ lại V.League là giành suất đá play-off. Trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tới” mới thấy được tình yêu của người hâm mộ thành Nam dành cho bóng đá đẹp như thế nào.
CĐV HAGL luôn đồng hành cùng đội bóng sau mỗi thất bại. Họ yêu đội bóng của bầu Đức trên mọi miền đất nước. Đó là một ví dụ cho thấy sự khác biệt về HAGL khi đá sạch, đá cống hiến và đá tử tế.
Rõ ràng, V.League có những câu chuyện rất đẹp về tình yêu bóng đá, dù xen kẽ là không ít tiếng chửi về công tác trọng tài, chuyện một ông bầu liên quan đến nhiều đội bóng, hay các trận đấu được chính người trong cuộc gọi là “3 đi 3 về”, hay “6-0”. Đó là những điều khiến cho tình yêu của người hâm mộ bị tổn thương.
Tình yêu bóng đá ở Việt Nam có gì đó khá giống với tình yêu trong “Giấc mông đêm hè”, chẳng có quy luật, chẳng có ranh giới, đôi lúc có thể gọi là mù quáng, nhưng tình yêu luôn rất đẹp. Người hâm mộ Việt Nam không bao giờ từ bỏ tình yêu bóng đá, chỉ có một số người làm cho họ bị tổn thương theo nhiều cách khác nhau.
Liệu có bao giờ một số người làm bóng đá Việt Nam tự thấy chưa xứng đáng với tình yêu người hâm mộ? Đúng hơn, bóng đá không bao giờ chết vì có tình yêu khán giả, nhưng thật giả lẫn lộn, điều tiếng hay chuyện một người chi phối quá nhiều sẽ là điều có lỗi lớn với người hâm mộ.