Liên đoàn bóng đá châu Á đã công bố danh sách 10 giải đấu đang phát triển tốt nhất châu lục, trong đó có giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League). Đó là tín hiệu mừng khi nhìn lại 10 năm thăng trầm của bóng đá Việt Nam.
Bi kịch từ “hàng trắng”
Nghe có vẻ khó hiểu khi bóng đá liên quan gì đến ma túy nhưng từng một thời thì bóng đá Việt Nam phải trải qua cơn bĩ cực đến mức người hâm mộ ngao ngán.
Năm 2010, làng bóng đá Việt đã chấn động với thông tin tiền đạo Molina Gaston Eduador bất ngờ qua đời vì sử dụng ma túy quá liều. Molina được phát hiện qua đời trong tư thế nằm sấp dưới sàn, mũi chảy máu và gần đó có chất bột màu trắng.
Hai năm trước cái chết của Molina, một nhóm thanh niên bị phát hiện chơi thuốc lắc ở khách sạn Mai Vinh (TP.HCM), trong đó có 5 cầu thủ Lê Hoàng Anh Thi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Xuân Tú và Lê Sỹ (CLB Hà Nội T&T) cũng bị nghi sử dụng ma túy.
Nhiều câu chuyện khác liên quan đến ma túy của cầu thủ Việt Nam, ngoại binh từng trở thành nỗi ám ảnh cho bóng đá Việt Nam.
Chuyện ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng
CLB Hà Nội lên chơi V.League từ mùa bóng 2009. Đội bóng Thủ đô đã có danh hiệu thứ 4 ở V.League, tức trung bình hơn 2 mùa bóng thì họ có 1 lần vô địch. Đáng nói, trong 10 năm qua thì những đội bóng được xem liên quan đến ông chủ CLB Hà Nội đã giành đến 7 chức vô địch (Hà Nội: 4 lần, Đà Nẵng: 2 lần, Quảng Nam: 1 lần).
Câu chuyện kể trên của bóng đá Việt Nam từng trở thành cao trào với việc CLB Sài Gòn Xuân Thành phản ứng ở V.League 2012. Năm đó, Hà Nội và Sài Gòn Xuân Thành hòa nhau ở lượt cuối, qua đó Đà Nẵng bứt lên vô địch.
6 năm sau phản ứng của CLB Sài Gòn Xuân Thành, câu chuyện trên vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí gia tăng về số đội. Gần nhất, HLV Nguyễn Văn Sỹ là người phản ứng sau thông tin bầu Hiển hứa thưởng 3 tỷ cho Cần Thơ: “Việc một ông bầu treo thưởng cho CLB khác trụ hạng thì chúng ta đều thấy, bóng đá như vậy là không còn gì nữa. Vậy thì tổ chức một giải đấu trong nhà đi”.
Bóng đá Việt Nam rõ ràng trong 10 năm qua chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ bầu Hiển. Một câu chuyện cũ nhưng phản ánh rất nhiều đến bộ mặt hiện tại của bóng đá Việt Nam.
Trọng tài, khán giả và thật giả
Công tác trọng tài được xem là căn bệnh lâu năm ở V.League. Mỗi mùa bóng đều xảy ra tranh cãi lùm xùm, thậm chí một số trọng tài bị treo còi vì chuyên môn kém, tiếng còi “méo” và có thời điểm tự đưa ra luật theo kiểu “trên trời”.
Khán giả ở V.League cũng là vấn đề lớn. Đầu tiên, sân chơi V.League cho thấy sự giảm sức hút lớn khi nhiều sân vận động vắng trống hoác. Gần nhất, người hâm mộ được thấy khán đài lấp đầy là thời điểm bầu Đức nhấc lứa Công Phượng lên V.League. Trận mở màn V.League 2015 của HAGL chịu cảnh “vỡ sân”. Trận đấu then chốt cuộc đua trụ hạng giữa Đồng Nai và HAGL được lấp đầy bốn mặt khán đài.
Ngoài ra, văn hóa cổ vũ ở V.League tạo nên những nghịch cảnh trớ trêu. Chuyện đốt pháo sáng thường xuyên bị Ban kỷ luật VFF ra án phạt nhưng gần như không giảm. CĐV vẫn miệt mài đốt như một thú vui khi đi cổ vũ bóng đá.
Đặc biệt, chuyện thật giả ở V.League vẫn là dấu hỏi. Ông Võ Thành Nhiệm (nguyên Chủ tịch CLB Long An) từng nói bóng đá Việt Nam bây giờ không chỉ đá 3 đi 3 về mà “6-0”, tức không còn đơn giản là chuyện anh có ba điểm rồi đến lượt tôi có ba điểm mà có thể nhường cả 6 điểm nếu đối thủ đang rơi vào cảnh khó khăn.
Sau tất cả, thông tin V.League vào trong 10 giải đấu được đánh giá phát triển thì phải vui thôi. Mừng cho bóng đá Việt Nam được thừa nhận sau nhiều vấn nạn, sai số và bất cập trong 10 năm qua.