Năm 2008, tuyển Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup. Một cột mốc lịch sử được viết lên trong niềm tự hào của hàng triệu người hâm mộ nhưng dấu ấn các ông bầu vô cùng lớn lao.
Bầu Thắng là người “tặng” HLV Calisto cho VFF, hỗ trợ trả lương. Thời điểm đó, bầu Đức giúp đỡ tuyển Việt Nam tập huấn ở Hàm Rồng. Cả đội tuyển quốc gia lên Hàm Rồng của bầu Đức ăn tập cả tháng trời để chuẩn bị cho AFF Cup.
Rất rõ ràng, bầu Thắng và bầu Đức có sự đóng góp lớn cho thành công của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008.
10 năm sau, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 thì dấu ấn các ông bầu càng lớn, với chuyện bầu Đức mời ông Park đến Việt Nam và trả lương trong 2 năm. Bầu Đức cũng là người tiên phong xây dựng nền móng bóng đá trẻ với Học viện bóng đá HAGL vào năm 2007. Bầu Đức “dẹp loạn”, đấu tranh từ những mâu thuẫn xảy ra ở thượng tầng VFF, kể cả chuyện không đồng ý HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt tuyển Việt Nam.
Bức tranh chung về dấu ấn các ông bầu không phải là quân anh - quân tôi, vì cầu thủ của CLB lên ĐTQG là chuyện đương nhiên. Vấn đề là tầm ảnh hưởng cần phải đặt ở chuyện đóng góp về công sức để ĐTQG vững mạnh, hay tạo nên một hành trình đi đến thành công. Ví dụ chuyện của bầu Đức là nhìn về cái chung, vì tương lai của cả một nền bóng đá.
Thế nhưng, chúng ta cũng không thể mãi đợi chờ sự cống hiến của các ông bầu, vì làm như thế chẳng khác nào “lợi dụng” tình yêu của họ với bóng đá. Những người quản lý bóng đá Việt Nam phải cho thấy được tầm ảnh hưởng, từ chiến lược và định hướng phát triển để nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Câu chuyện năm 2008 là minh chứng. Sự thành công sau AFF Cup 2008 cuối cùng cũng chỉ có tính thời điểm, sau đó cả nền bóng đá tụt lại với rất nhiều vấn đề xảy ra. Vì cơ hội đến nhưng không thể nắm bắt, do không có một hướng đi đúng đắn để nâng tầm cả nền bóng đá.
5 năm sau AFF Cup 2008, bầu Đức cho ra đời lứa Công Phượng để vực lại tình yêu của người hâm mộ. Bóng đá gần như được thổi một luồng gió mới để chờ đợi những thành công mới. Sự thật thì phải mất đến 5 năm để có những quả ngọt khi hội tụ đủ các yếu tố, từ sự trưởng thành của các cầu thủ đến tìm được một HLV đủ tầm và tài giỏi dẫn dắt các cầu thủ lên đỉnh cao.
Nhưng trong giai đoạn thành công rực rỡ, câu chuyện những người quản lý bóng đá ở thượng tầng VFF và VPF lại xảy ra những tranh cãi. Bóng đá Việt Nam sống trong vòng xoáy của tranh cãi, từ chuyện tranh ghế hay gạt bỏ nhau với các tiêu chí như bằng cử nhân. Chính bầu Đức nói thẳng là bị chơi theo kiểu “qua cầu rút ván”.
Thế nên, hơn bao giờ hết thì bóng đá Việt Nam cần có những định hướng, kế hoạch bài bản để phát triển dựa trên nền tảng thành công của 2 năm qua, chứ không phải nhìn vào thành tích để đề ra những mục tiêu lớn hơn. Ví dụ như U23 Việt Nam cần có vé dự Olympic 2020, dù thực tế thì năng lực của chúng ta có giới hạn và bị loại từ vòng bảng.
VFF ở nhiệm kỳ này cũng có 1 điểm cần được chú ý, đó là vắng bóng các ông bầu như bầu Đức, bầu Thắng. Lẽ đó, tiếng phản biện có thể ít đi rất nhiều trong giai đoạn này, còn vai trò của VFF sẽ lớn hơn rất nhiều so với thời điểm trước.
Khó khăn lớn nhưng VFF có những thuận lợi rất lớn. Đó là nguồn lực từ xã hội đóng góp về tiền bạc cho bóng đá Việt Nam. Các doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với VFF với những khoản tiền lớn, hay hiệu ứng bóng đá đang được người hâm mộ hết sức quan tâm, còn các ông bầu vẫn miệt mài cống hiến…
Đúng hơn, tình yêu bóng đá của người hâm mộ cả nước đang rất lớn, sự chung tay của các doanh nghiệp rất nhiều, các ông bầu cũng chưa vơi đi tâm huyết cống hiến. Vậy phần còn lại chính là VFF phải có những kế hoạch, định hướng đúng đắn để nâng tầm bóng đá Việt Nam, chứ không thể mãi chờ đợi quả ngọt đến phần lớn từ tình yêu và sự cống hiến của các ông bầu.