Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Bóng đá Việt Nam cần những ông chủ đam mê, làm thật và làm tử tế

Cả thế giới nhắc đến Messi là nói về một ngôi sao bóng đá xuất chúng với rất nhiều vinh quang. Nhưng anh không nghĩ thế về bản thân.

10 năm trước, Messi trả lời phỏng vấn tờ El Pais rằng: “Tôi quan tâm đến việc trở thành một con người tốt hơn là trở thành cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới. Suy cho cùng, khi sự nghiệp kết thúc, ta mang theo cái gì? Ý muốn của tôi là khi rời xa sự nghiệp, tôi được nhớ đến như một con người tốt”.

Câu trả lời của Messi phản ánh đầy đủ ý nghĩa sống của anh cùng bóng đá. Đằng sau khát vọng trở thành ngôi sao và thành công, chinh phục những cột mốc, kỷ lục thì Messi hướng đến mục đích cuối cùng: Tôi là một con người tốt.

Bóng đá Việt Nam cần những ông chủ đam mê, làm thật và làm tử tế Ảnh 1
Cả thế giới nhắc đến Messi là nói về một ngôi sao bóng đá xuất chúng với rất nhiều vinh quang. Nhưng anh không nghĩ thế về bản thân. Ảnh: Reuters

Thông điệp của Messi có ý nghĩa rất lớn nếu nhìn về bóng đá: Dù bản thân là ai thì xác định được ý nghĩa sống của bản thân rất quan trọng. Nhiều ngôi sao, nhà vô địch đã trượt dài sau khi chạm tay đến thành công và nổi tiếng. Họ không thể đi xa hơn, hoặc sự nghiệp kéo lùi, lụi tàn danh tiếng khi quên mất bản thân từng là ai.

Bóng đá Việt Nam từng ghi nhận nhiều cậu bé bước ra từ vùng quê nghèo, sau đó trở thành cầu thủ nổi tiếng và kiếm được rất nhiều tiền bạc. Nhưng không ít người đánh mất bản thân, thậm chí vướng vào tiêu cực để mất hết mọi thứ, dù họ từng phải nỗ lực và đánh đổi rất nhiều để có được thành công.

Chuyện xác lập được tư thế, biết mình là ai, có thể làm tốt những gì, có ý nghĩa quan trọng hơn chuyện vươn tới thành công rồi trượt dài, sau đó đánh mất mọi thứ. Bóng đá được hàng tỷ người yêu mến thì sự hà khắc, vùi dập cũng lớn như thế. Hôm nay là người hùng, ngày mai trở thành tội đồ. Ranh giới đó rất mong manh trong bóng đá. HLV Park Hang Seo (trợ lý cho HLV  Hiddink) từng cùng tuyển Hàn Quốc viết lên kỳ tích vào bán kết World Cup 2002, vài tháng sau thì ông Park bị sa thải khi dẫn U23 Hàn Quốc. Đó là minh chứng để thấy trong bóng đá không có khái niệm thành công mãi mãi.

Các ông chủ làm bóng đá cũng thế. Liệu ai làm bóng đá có tư tưởng như Messi: Tôi làm bóng đá không phải để nổi tiếng và đánh bóng này nọ, mà cần được người hâm mộ nhìn nhận là một doanh nhân đam mê thật và làm tử tế?

Không ít người vào làm bóng đá và vỡ mộng. Vì những chiếc cúp hay cuộc chơi V.League chỉ tạo ra sự hào nhoáng nếu không có sự bền vững, hoặc không làm bài bản và tử tế. Bóng đá cần có thành tích nhưng hành trình luôn quan trọng hơn đích đến. 

Bóng đá Việt Nam cần những ông chủ đam mê, làm thật và làm tử tế Ảnh 2
 Bầu Đức được yêu mến vì chọn con đường làm bóng đá bài bản, không chạy theo thành tích bằng mọi giá.

Bầu Đức là minh chứng. Người ta nể phục vì ông gắn bó lâu dài với bóng đá hơn 2 thập kỷ, làm đào tạo trẻ khi mở Học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam, xây dựng một phông văn hoá về chuẩn mực đạo đức cho cầu thủ. Ngược lại, không ai đo đếm HAGL đã có bao nhiêu danh hiệu để nói về sự cống hiến cho bóng đá của bầu Đức. Vì đếm cúp thì HAGL thua xa Bình Dương, Hà Nội FC.

Đúng hơn, bầu Đức phải là ông chủ tốt và đội HAGL tồn tại lâu dài. Còn một đội bóng có chức vô địch xong rồi đi lùi, sau cùng “chết chìm” thì danh hiệu và danh tiếng coi như đổ sông, đổ biển. Một suy nghĩ thông thường là người hâm mộ sẽ nói về thất bại, cái chết của một đội bóng nhiều hơn là danh hiệu, kể cả sự thành công về các phương diện khác. 

Bóng đá Việt Nam không cần những đội bóng được xây theo kiểu tam giác ngược với đỉnh to hơn đáy, cần nhiều đội bóng làm bài bản theo tam giác thường. Bóng đá cần những người làm thật, đam mê thật, có trách nhiệm và chăm lo tốt cho cuộc sống cầu thủ, không cần các ông chủ làm kiểu “ăn xổi”, rồi “quay xe”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất