Chuyện chiếc giày nhỏ
Tuyển Việt Nam gặp Nhật Bản ở tứ kết ASIAN Cup 2019 được xem là chủ đề mà dư luận đang quan tâm nhất. Có thể là một cái kết lịch sử là Việt Nam vượt qua Nhật Bản, hoặc kịch bản thứ hai là chúng ta thua Nhật, dừng bước tại tứ kết.
Kịch bản nào xảy ra thì có một thực tế cần được nhìn nhận, một trận thắng không thể nói bóng đá Việt Nam sánh ngang bóng đá Nhật, hay một trận thua có thể phủ nhận sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong hơn 1 năm qua.
Hàn Quốc có thể thắng tuyển Đức đến 2-0 ở World Cup 2018 nhưng không ai nhận xét đội bóng xứ kim chi đủ tầm đứng ngang đẳng cấp so với bóng đá Đức. Việt Nam đấu với Nhật Bản ở ASIAN Cup 2019 cũng thế.
Điểm cốt yếu chính là chiến lược phát triển bóng đá sau ASIAN Cup 2019. Điều này sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam không phí phạm đi ánh hào quang của thầy trò HLV Park Hang Seo đang làm được từ Thường Châu (Trung Quốc) đến UAE.
Tại sao về chiến lược phát triển bóng đá có vai trò quyết định quan trọng cho một nền bóng đá?
Gần nửa thế kỷ trước, Việt Nam từng được người Nhật ngưỡng mộ về bóng đá. Cựu danh thủ Tam Lang kể với giới bóng đá về chuyện được đại diện bóng đá Nhật Bản tặng cho mô hình chiếc giày nhỏ. Ngụ ý là bóng đá Nhật giống như “chiếc giày nhỏ” so với bóng đá Việt Nam - “chiếc giày lớn”.
Nhưng sau câu chuyện “chiếc giày nhỏ”, bóng đá Nhật vươn ra thế giới. Họ dự World Cup không còn là chuyện khó khăn. Bóng đá Nhật phát triển là một quá trình có chiến lược dâu dài. Người Nhật đầu tư cả về vấn đề văn hóa để thắp ước mơ chơi bóng cho các trẻ em. Đội trưởng Tsubasa - cuốn truyện gối đầu cho các danh thủ bóng đá thế giới là ví dụ.
Đúng hơn, Đội trưởng Tsubasa là một trong những viên gạch đầu tiên để bước đầu sự phát triển bóng đá Nhật. Bộ truyện này ra đời vào năm 1981, tức sau thời điểm tuyển Nhật thua Việt Nam với chuyện “chiếc giày nhỏ” của danh thủ Tam Lang.
Văn hóa là gốc rễ của mọi thứ, kể cả bóng đá, sau đó là đầu tư phát triển bóng đá trẻ, xây dựng hình ảnh giải vô địch quốc gia. “Chiếc già nhỏ” bóng đá Nhật Bản ngày nào thực sự đã đi vạn dặm so với bóng đá Việt Nam.
Đến giấc mơ “con”
Tại sao nói thắng tuyển Nhật Bản là giấc mơ “con” của bóng đá Việt Nam?
Một trận thắng chỉ có ý nghĩa ở một giải đấu, còn mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam thực sự thấp so với bóng đá Nhật. Tuyển Nhật có thể ra sân vào ngày 24/1 tới, với toàn bộ 11 cầu thủ đá chính đang thi đấu tại châu Âu.Một sự khác biệt quá lớn so với tuyển Việt Nam.
Hy Lạp từng vô địch châu Âu vào năm 2004. Nhưng bóng đá Hy Lạp bây giờ gần như “mất tích” so với phần còn lại của châu Âu, chẳng ai nói Hy Lạp đủ tầm đứng ngang với tuyển Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha. Câu chuyện Hàn Quốc thắng tuyển Đức ở phần trên cũng thế. Hàn Quốc không thể so với bóng đá Đức. Thế nên, một chức vô địch hay một chiến thắng trước đội bóng được xem là “ông lớn” chưa thể phản ánh hết về nội lực của một nền bóng đá.
Nhưng thắng hay thua Nhật Bản thì tuyển Việt Nam có quyền tự hào đã đi đến tứ kết ASIAN Cup 2019. Đó là một tiến dài của bóng đá Việt Nam. Thành công lớn nhất chính là niềm tin nơi người hâm mộ thấy được bóng đá nước nhà phát triển.
Mấy tháng trước, Học viện bóng đá Juventus ra đời ở Vũng Tàu. Đây là Học viện bóng đá thứ 2 ở Việt Nam, sau Học viện bóng đá HAGL. Một phần đến từ hiệu ứng sau kỳ tích của U23 Việt Nam và tâm huyết của những người muốn làm bóng đá từ gốc rễ, nhằm cống hiến cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Nếu chỉ nhìn ở đỉnh cao sự thành công bằng những chiếc huy chương, hay các trận thắng của tuyển Việt Nam, thì chỉ gọi là xây bóng đá từ nóc. Một viên gạch, hai viên gạch, rồi nhiều viên gạch mới có thể xây một ngôi nhà đẹp, bền vững.
Thành quả của bóng đá Việt Nam cũng thế. Hơn 10 năm trước phải có viên gạch “quý như vàng” mang tên Học viện Bóng đá HAGL đặt nền móng cho quá trình phát triển bóng đá trẻ. Ròng rã hơn 1 thập kỷ mới cho ra đời lứa Công Phượng “đủ lông, đủ cánh” cống hiến cho tuyển Việt Nam.
Phải trân trọng những đóng góp của bầu Đức, những người đang cố gắng phát triển bóng đá trẻ. Họ bỏ qua cái lợi ích trước mắt để gieo mầm cho bóng đá Việt Nam thu hoạch sau chục năm tới. Vì trồng người trong bóng đá rất kỳ công chứ không đơn giản ném tiền là có được thành quả.
Vậy nên, tuyển Việt Nam có thắng được Nhật Bản hay không? Đó chỉ là câu chuyện về một giấc mơ “con”. Quan trọng nhất là cần làm gì để không lãng phí sự thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo sau ASIAN Cup 2019, trước đó là AFF Cup 2018, ASIAD 18 và U23 châu Á.