Từ chuyện bóng đá Malaysia được “cứu”
Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa khen ngợi bóng đá Malaysia đã làm tốt quá trình giải cứu các đội bóng trong giai đoạn hoãn vì Covid-19.
Cụ thể, LĐBĐ Malaysia (FAM), công ty tổ chức các giải chuyên nghiệp Malaysia (MFL) giải cứu các đội bóng bằng “phương án win-win”. Những người làm bóng đá Malaysia cho thấy cách xử lý rất hay là họp trực tuyến với những nhà tài trợ chính của ba giải đấu: M-League, FA Cup và Cúp Quốc gia. Họ thuyết phục được các nhà tài trợ đồng hành cùng bóng đá Malaysia trong bối cảnh khó khăn để có cam kết hỗ trợ như ban đầu, không có gì thay đổi trong hoàn cảnh các giải đấu hoãn.
FAM, MFL không bàn đến chuyện làm cách gì để bóng lăn theo kiểu phải đá tập trung, hay không có đội xuống hạng, hoặc đá 1 lượt như VPF. Họ xác định phải tuân thủ mọi chỉ thị của nhà nước và Bộ Y tế, bóng đá chỉ trở lại khi được cho phép. Đúng hơn, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát thì FAM, MFL mới bàn đến chuyện bóng lăn.
CEO của công ty tổ chức các giải chuyên nghiệp Malaysia (MFL) - ông Ghani Haasan chia sẻ về chuyện thiết lập đường dây nóng với Bộ y tế để nắm tình hình dịch nhằm đưa ra những giải pháp kịp thời cho bóng đá Malaysia. Chuyện bóng lăn trở lại hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước và Bộ Y tế.
Thế nên, FAM, MFL không ngồi lại với các đội bóng bàn chuyện bóng lăn, họ chỉ ngồi lại với nhà tài trợ tìm tiếng nói chung tốt nhất cho các giải đấu. Sau đó, FAM, MFL cũng đưa kêu gọi các cầu thủ đồng hành cùng các đội bóng trong khó khăn bằng cách giảm lương. Những CLB giàu thì giảm 35% lương, còn các đội bóng khác giảm 50% lương. Một lưu ý hết sức quan trọng là FAM, MFL đã nghiên cứu kỹ chuyện kinh tế của gia đình cầu thủ mới đưa ra phương án giảm lương.
Đến chuyện VPF “giải cứu” V.League
Câu chuyện giải cứu các CLB Malaysia cho thấy vai trò và năng lực của những người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM), công ty tổ chức các giải chuyên nghiệp Malaysia (MFL) là vô cùng quan trọng để xử lý những khó khăn, cũng như giải pháp hợp lý.
Lúc này, bóng đá Việt Nam cũng đang chịu cảnh hoãn như Malaysia nhưng giải pháp, ý tưởng đưa ra bị phá sản. Nguyên nhân là VPF đưa ý tưởng bàn chuyện bóng lăn, trong khi mấu chốt quan trọng là chuyện bóng lăn chẳng khác nào “đếm cua trong lỗ” vì chẳng ai có thể chốt được bao giờ kết thúc dịch Covid-19 (một lãnh đạo CLB phản ứng VPF giống như “đếm cua trong lỗ”). Thế nên, VPF bàn chuyện bóng lăn không nhận được sự đồng thuận từ nhiều đội bóng, chưa kể phương án đá tập trung tạo nên tranh cãi về quyền lợi của các đội bóng không đồng đều.
Tiếc rằng, VPF và các đội họp… không ra chiến thuật. Phương án đá tập trung khi chưa đến ngày họp bàn đã biết thất bại nhưng nội dung vẫn nói về chuyện ai đồng ý hay từ chối. Lẽ ra, VPF cần tận dụng cuộc họp online để tính đến chuyện thoát gỡ những khó khăn về tài chính cho các đội, ví dụ một giải pháp chung là các cầu thủ hãy giảm lương để chia sẻ khó khăn cùng CLB.
Đó cũng là lý do những đội bóng như TPHCM, Nam Định FC phải sớm tự tìm giải pháp bằng mong muốn các cầu thủ giảm lương. TPHCM được các cầu thủ chấp nhận giảm 30% lương trong tháng 4, còn Nam Định FC là 25% (riêng những cầu thủ có mức lương thấp sẽ không bị giảm).
Chính vì chuyện VPF bàn chuyện bóng lăn nên bầu Đức không đồng ý tham gia. Ông chủ CLB HAGL góp ý thẳng thắn: “Giá như cuộc họp của VPF bàn về chuyện hỗ trợ, giúp đỡ các CLB giảm tải khó khăn trong mùa dịch sẽ thực tế hơn và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ hai tay. Khi cả nước lo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì mỗi VPF bàn chuyện đá bóng là vô cảm và vô trách nhiệm”.
VPF cũng bị chính người trong cuộc phê bình là công văn về dịch Covid-19 gửi đến sau công văn bàn chuyện đá tập trung. Vì chuyện dịch Covid-19 với các đội bóng rõ ràng phải được tính đến đầu tiên, chứ không thể bàn chuyện đá bóng rồi mới nói đến chuyện phòng ngừa dịch của các đội bóng.
Trong bối cảnh khó khăn với các giải đấu tạm hoãn không xác định được thời điểm trở lại, vai trò của VPF thực sự quan trọng để giúp các CLB vượt khó. Đó cũng là trách nhiệm của VPF, vì các đội bóng chỉ có thể “gồng” trong một thời gian nhất định.
Mong VPF có giải pháp thiết thực giúp cho các đội bóng vượt khó. Nếu khó thì VPF có thể học hỏi bóng đá Malaysia để áp dụng cho V.League, vì AFC đã ngợi khen LĐBĐ Malaysia (FAM), công ty tổ chức các giải chuyên nghiệp Malaysia (MFL), xem như hình mẫu trong thời điểm này.