Rất nhiều lần, tôi vẫn ngủ mơ về ngày nhỏ. Đó là thời chúng tôi còn là những cậu nhóc mang chân trần miệt mài ngoài sân bóng bất kể nắng mưa. Đám trẻ năm đó đều có chung niềm khát khao, chẳng biết gì ngoài đá bóng, và ước mơ về một ngày nào đó được khoác trên mình màu áo đỏ, xếp hàng đặt tay lên ngực hát Quốc ca, in dấu giày ở những cầu trường danh giá như mấy anh, mấy chú…
Con đường bóng đá có thể là ánh hào quang để nhiều cậu bé đổi đời, nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt, và “phũ”…
Quãng thời gian ăn tập ở Gia Lai, chú Ba Đức đầu tư cho chúng tôi đầy đủ, các thầy luôn dặn dò phải cố gắng học tập chứ không chỉ biết tập bóng đá. Nhưng sự thật rằng, tôi và nhiều đồng đội cũng chẳng biết đi học để làm gì, nghĩ rằng chỉ cần tập trung đá bóng hay là đủ. Thế nên, năm bảy năm trời đi đá bóng, mỗi ngày sau buổi tập thì lên lớp tôi chọn ngồi ở chỗ cuối lớp ngủ không, chứ không chịu học hành như một cơ hội để tích lũy thêm nhiều kiến thức ngoài bóng đá.
Ngày đó, báo đài luôn đưa tin về những ngôi sao thành công chơi ở V.League, hay lên đội tuyển Quốc gia, rồi đi thi đấu nước ngoài. Nhưng mấy ai biết đến trong đám nhóc năm đó cũng rất nhiều người không theo được nghiệp cầu thủ, rồi cuộc sống chật vật vì lỡ dành cả thuở thiếu thời để đi đá bóng mà quên mất việc cố gắng học lấy cái chữ phòng thân.
Đến hôm nay, tôi nhận thấy ngày đó đã bỏ lỡ chuyện học tập, dù có cơ hội lên lớp để học sau thời gian tập luyện bóng đá. Tôi nghĩ bản thân mình là một bài học nói riêng để nhắn nhủ đến các em nhỏ đang theo đổi giấc mơ bóng đá, hãy học tập thật tốt thay vì suy nghĩ chỉ cần cố gắng chơi bóng thật hay.
Cụ thể, tôi đang làm việc ở Học viện bóng đá Juventus (Vũng Tàu) cùng thầy Đinh Hồng Vinh. Tôi muốn nhắn nhủ các em rằng:
Đồng hành cùng các em, tôi thấy hình ảnh của mình năm nào. Các cậu là 75 chàng trai dũng cảm, dám lựa chọn sự khác biệt bằng cách rời khỏi vòng bao bọc của gia đình từ khi còn rất trẻ để dấn thân xây dựng mơ ước. Tuy nhiên đừng quên rằng cuộc đời không như mơ, vì các cậu chưa ai chắc chắn sẽ về đích như mong đợi. Bóng đá không chỉ là đam mê, khổ luyện, mà còn là mồ hôi, nước mắt, máu và cần cả sự may mắn để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Với những nhà đào tạo chuyên nghiệp, chỉ cần xác xuất 10% trong số 75 cậu sau này đủ sức khoác áo ĐTQG đã là thành công lớn. Vậy 90% còn lại, các cậu sẽ làm gì nếu không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, hoặc chỉ đủ sức chơi ở những giải đấu nhỏ?
Tôi kể với các cậu câu chuyện ngắn về mình: Như tôi, giải nghệ năm 16 tuổi (và chắc chắn trong số các cậu nhiều người cũng sẽ như thế), nếu lại thêm chủ quan không chịu học hành phấn đấu trầy trật đến hôm nay thì gia đình cũng không đủ điều kiện mua bò cho tôi chăn đâu, chứ đừng nói tới việc thành đạt, sung túc.
Vậy nên, các cậu đừng thắc mắc tại sao chúng tôi - mấy ông thầy khó tính suốt ngày nói đến nhàm chán: Ngoài chuyện chăm chỉ tập luyện chơi bóng, hãy cố gắng học tập thật tốt. Học để theo kịp văn minh, để biết thế nào là nhân văn và để dẫn lối các cậu lựa chọn cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Kể cả trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hay không thể tiếp tục với trái bóng thì chuyện học là vô cùng quan trọng.