Logo Saostar - Special special

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Trong một cuộc phỏng vấn ở thời điểm cuối sự nghiệp của mình, khi được hỏi nếu không chơi quần vợt liệu anh sẽ làm gì, Bjorn Borg đã đáp lại cụt lủn: “Sex, ma túy và rock’n’roll” khiến tay phóng viên lúng túng vì Bjorn Borg nói… đúng quá. Đó là ba thứ khiến lớp thanh niên ở xã hội Âu-Mỹ say mê hồi thập kỷ 70, thời kỳ kinh tế tư bản đang phát triển hưng thịnh và những bất ổn xã hội được tạm gác qua một bên. Thế giới quần vợt rõ ràng đã gặp may khi Bjorn Borg chẳng chọn “ba món tân kỳ” ấy, bởi nếu không danh sách các ngôi sao quần vợt sẽ khuyết đi một vị trí dành cho tay vợt thuộc nhóm huyền thoại trong lịch sử phát triển môn thể thao này.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

 Một cách dễ dàng, người ta có thể tìm được trên mạng internet những clip so sánh lối đánh hoặc kỹ thuật điều khiển trái bóng của Bjorn Borg với các tay vợt nổi tiếng nhất thế giới, trong đó cú thuận tay của Borg giống “từng centimet” so với Federer, hoặc pha trả giao bóng điệu nghệ không thua gì Andre Agassi, thế nhưng đặc điểm khiến người hâm mộ ông nhớ nhất vẫn là tính cách mà Borg thể hiện trên sân trong suốt sự nghiệp của mình. Mái tóc vàng quấn băng đô và cặp mắt màu xanh biển của Borg một thời từng làm thổn thức trái tim biết bao thiếu nữ. Có điều chính cặp mắt ấy là lý do để người ta đặt cho Bjorn Borg biệt danh là “Người băng giá”. Vẻ lạnh lẽo trong ánh mắt Borg khiến người tiếp xúc với ông e ngại. John McEnroe, người bạn thân hiếm hoi và cũng là kình địch số 1 của Borg trên sân bóng đã có lần nói đùa rằng: “Chỉ cần chứng kiến anh ấy cười một lần trên sân, tôi sẵn sàng chịu thua anh ấy một jeu đấu”.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Ngược hẳn với tính cách của McEnroe, Borg không phàn nàn xỉ vả trọng tài hay giận dữ đập vợt sau một cú đánh hỏng. Ông tạo ra hình ảnh trên sân như một chiến binh lầm lì, chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất là hủy diệt đối thủ. Trong khi một số người chẳng biết làm cách nào để đối phó với sự nổi tiếng thì một số khác lại không thể đối phó với thất bại. Borg không thể chơi quần vợt nếu ông không giành chiến thắng. Tâm lý vững và ý chí thép của Bjorn Borg là những phẩm chất mà các tay vợt hàng đầu ngày nay, kể cả Nadal hay Federer còn phải học hỏi. Dẫu vậy, những phẩm chất ấy đã không giúp cho cuộc sống của Bjorn Borg thêm phần hạnh phúc và thăng hoa. Kể từ khi cầm vợt vào năm 1968 khi mới 12 tuổi, cuộc đời Bjorn Borg giống như một cỗ xe cứ tăng dần tốc độ lao về phía trước không ngừng nghỉ để đạt tới các cột mốc nhưng mãi mãi không đến đích cuối cùng. Khi trở thành tay vợt chuyên nghiệp và nằm trong guồng quay của cỗ máy thị trường khổng lồ, Borg cũng như những người khác, về bản chất là hàng hóa của thị trường ấy. Tính cách lãnh đạm trên sân cùng lối chơi hủy diệt của ông được thị trường tận dụng triệt để, từ những chai nước ngọt ướp lạnh có hình Borg với ánh mắt sắc như dao tới sản phẩm băng đô quấn đầu “theo kiểu Borg”, to bản, một màu. Đó là thời kỳ mở đầu khi quần vợt trở thành nền công nghiệp sinh lãi lớn và ngày càng xa dần vai trò của một thú giải trí lịch sự, như thuở nó mới được khai sinh.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Wimbledon 1976 là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Bjorn Borg. Borg bước vào giải đấu danh giá với một chút hoang mang e ngại thường thấy ở những tay vợt vô danh, nhưng rồi cứ nhẩn nha đi tới tận trận chung kết với tay vợt số 1 thời ấy là Ilie Năstase. Đó là mùa Hạ nóng nhất của thế kỷ 20, nhiệt độ trên sân lên tới 410C. Năstase tấn công ào ạt và Borg với lối chơi cuối sân, có vẻ như khá nhàn hạ khi hóa giải dễ dàng mọi đường bóng của đối thủ. Borg bất ngờ lên lưới ở thời điểm set point khi tỷ số là 5/4 đang nghiêng về ông. Bằng linh cảm của tay vợt dày dạn trận mạc, Năstase chợt hiểu người chiến thắng sẽ là Borg. Trong nỗi thất vọng cùng cực, Năstase đã vụt bóng thẳng vào người Borg và quay về vạch cuối sân. Quả bóng bay sạt qua tai Borg. Ông vẫn đứng trên lưới nhìn chằm chằm vào đối thủ đang ngỡ ngàng quay lại: “Cậu nhìn cái quái gì thế?”. Borg bình thản trả lời: “Anh chủ định đánh bóng vào người tôi và tôi không đánh giá cao điều đó”. Borg đoạt chức vô địch Wimbledon 1976 với tư cách là tay vợt trẻ nhất (20 tuổi 1 tháng) từng giành Grand Slam này tính cho tới thời điểm ấy. Trong hồi tưởng của mình, Ilie Năstase đã tổng kết về Borg bằng một câu nói thú vị: “Chúng ta chơi quần vợt, còn anh ta chơi thứ gì đó cao siêu hơn thế”.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Ilie Năstase đã chẳng tâng bốc hoặc nói quá lời. Trong suốt sự nghiệp chỉ kéo dài tới năm 25 tuổi, Borg đoạt 11 Grand Slam gồm 6 lần ở giải Pháp mở rộng và 5 lần liên tiếp tại Wimbledon (kỷ lục Wimbledon của ông vẫn chưa có tay vợt nào phá nổi). Ông là tay vợt có tỷ lệ giành chiến thắng cao nhất trong lịch sử các giải Grand Slam với 41% số lần vô địch và 89,81% số trận thắng - một con số đủ để mọi tay vợt từ trước tới nay phải ngả mũ. Các đối thủ của Borg ngạc nhiên về lối chơi có vẻ lầm lũi cô độc trên sân và e sợ khả năng đọc trận đấu cực tốt của ông. Chính khả năng ấy là nguồn cội đem tới mọi chiến thắng cho Bjorn Borg. Trong một lần tâm sự với McEnroe, ông thú nhận rằng dường như trong ông tồn tại hai con người: “Một người chỉ chuyên chú vào các đường bóng và tình huống trên sân, còn người kia thản nhiên theo dõi, không cổ vũ, không can thiệp”. Sự phân thân kỳ lạ này, nếu Borg không nói đùa, một mặt giúp giải thích cho tính cách lạnh lùng của Bjorn Borg khi thi đấu trên sân, mặt khác làm sáng tỏ một phần việc ông sở hữu những phẩm chất của một tay vợt thượng thặng. Vitas Gerulaitis, một người bạn của Borg nhớ lại: “Mỗi lần gặp Borg, tôi đều chuẩn bị sẵn độ 30 ý tưởng có thể giúp tôi chiến thắng và anh ấy lần lượt phá vỡ những ý tưởng đó, chẳng khác gì lấy đá chọi vào tượng đất nung”. Họ từng gặp nhau 16 lần trong sự nghiệp và Gerulaitis không thắng nổi Borg một trận nào.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Khi con người - chiến binh trong Borg trỗi dậy, quần vợt biến thành lẽ sống của ông. Ông tiết chế mọi cảm xúc và dồn hết tâm lực đi tìm sự hoàn hảo về kỹ thuật và lối chơi, như tay vợt nổi tiếng Jimmy Connors từng nhận xét: “Anh ta chơi bóng ngày một tinh quái và nguy hiểm hơn”. Sự hoàn hảo mà Borg kiếm tìm gồm cả những danh vị của thế giới quần vợt. Ngay sau trận chung kết Mỹ mở rộng năm 1981 với McEnroe, Borg đã lẳng lặng ra khỏi sân và đi thẳng tới sân bay mà không bao giờ nhìn lại. Ông không quan tâm việc mình là tay vợt số 2 thế giới. Với Borg, hoặc là số một, hoặc chẳng có gì. Chỉ tới lúc đột ngột chấm dứt sự nghiệp, Borg mới nhận ra rằng thứ mà ông kiếm tìm suốt bao năm kỳ thực không nằm trên sân quần vợt. Và rất có thể, biết đâu đó chính là thời điểm con người thứ hai của ông đã lên tiếng.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Vài tuần sau khi quen nhau, tháng 5/1980 Borg cưới Mariana Simionescu, một tay vợt chuyên nghiệp không mấy danh tiếng. Cuộc hôn nhân chóng vánh đem lại cho ông nhiều sóng gió hơn là hạnh phúc khi Mariana rốt cuộc không thể thích ứng với tính cách lạnh lùng của Bjorn Borg ngay cả khi đã bước ra khỏi sân đấu. Thế nhưng dù thành công trong việc ép nhịp tim xuống chỉ còn 33 lần/phút để tăng sức chịu đựng, trên thực tế Borg lại không phải là con người máu lạnh. Trận chung kết giải Mỹ mở rộng 1981, trong khi Borg đối mặt với McEnroe trên sân thì Mariana bỏ đi mua sắm. Và thế là Borg “thi triển” những cú topspin tuyệt chiêu của mình tồi đến mức khi ra nghỉ, McEnroe tiến lại gần Borg: “Cậu làm sao thế? Có phải tay trái bị đau không?”, còn Borg cáu kỉnh trả lời: “Cái gì, tôi đau cả tim ấy chứ”. Đó cũng là trận chung kết quan trọng cuối cùng trong sự nghiệp của Bjorn Borg dù ông vẫn còn chơi thêm một số trận nữa cho tới năm 1983. Borg bỏ đi ngay khi trận đấu kết thúc mà không thèm nhìn McEnroe nâng cúp vô địch. Chỉ vài ngày sau, Borg lần đầu tiên thổ lộ ý định giã từ sự nghiệp đỉnh cao.

Ý định của Bjorn Borg khiến thế giới quần vợt choáng váng. Nói chuyện với tờ Sports Illustrated, John McEnroe kể rằng thậm chí trong một thời gian dài ông có cảm giác như mình đang để tang cho Borg. Tay vợt huyền thoại nước Mỹ Arthur Ashe đánh giá Borg hoàn toàn đủ khả năng chinh phục giải Mỹ mở rộng và giành mọi Grand Slam: “…Nhưng vào thời kỳ mà Borg quyết định ra đi, thách thức mang tính lịch sử chẳng có nghĩa gì đối với anh ấy. Borg vĩ đại hơn mọi trò chơi. Anh ấy giống như Elvis, Liz Taylor hay vài người khác, đã không bao giờ cập bến tới thế giới thực”. Sự ồn ào và cơn sốc của mọi người dường như không ảnh hưởng tới Bjorn Borg. Ông chỉ giải thích ngắn gọn rằng ông không còn tìm thấy niềm vui nữa: “Và nếu có thì chúng phải ở trong tim”. Có lẽ đó là cách trả lời hay nhất của ông cho những băn khoăn hay đàm tiếu về con người băng giá mà ông thể hiện trên sân đấu. Người ta sẽ không thể giành chiến thắng với một trái tim yếu đuối và buồn rầu.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Năm 1991, ở tuổi 34, Borg quay lại với quần vợt tại giải Monte Carlo. Ông lập tức thu hút sự chú ý của mọi người khi ra sân với trang phục ông từng mặc thời hoàng kim và sử dụng cây vợt Donnay bằng gỗ, cứ như thể kim đồng hồ đã dừng lại vào thời điểm ông ra đi một thập kỷ trước đó. Borg đã tái xuất không thành công. Vẫn còn đó sự chính xác của những cú topspin từng làm nên tên tuổi Bjorn Borg, thế nhưng chúng không có được uy lực và độ xoáy đủ làm đối thủ của ông e ngại. Borg bị loại khỏi Monte Carlo với 2 séc thua trắng. Năm 1993, Bjorn Borg quyết định rút lui khỏi quần vợt một lần nữa. Dĩ nhiên, người ta hiểu rằng lần này là vĩnh viễn.

Trong lần trả lời phỏng vấn độc quyền của tuần báo Boston Globe vào năm 2013, Borg đã nói chuyện cởi mở về những ý tưởng và quyết định hai mươi năm về trước. Đó là những giấc mơ mà ông theo đuổi khi còn ngự trị ở đỉnh cao: “Anh biết không, đôi khi ta phải đối mặt với sự thật rằng có một số giấc mơ sẽ mãi dang dở, bởi chúng chỉ là ảo vọng. Trong cuộc sống còn có nhiều điều tốt đẹp khác. Dẫu sao, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được là một phần của thế giới quần vợt, hạnh phúc khi mọi người vẫn nhớ đến tôi như một tay vợt tuyệt vời”.

Dĩ nhiên mọi người vẫn nhớ tới ông. Bjorn Borg đã bước chân ra khỏi thế giới ấy để quay về với thế giới thực, thế giới mà như Arthur Ashe đã nói, rằng ông và một số ít người khác đã chẳng bao giờ cập bến.

Bjorn Borg và giấc mơ dang dở

Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp