Sự việc CLB TPHCM nộp đơn lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam xuất phát từ chuyện tiền vệ Nguyễn Hải Huy "bẻ kèo" sau khi đã ký hợp đồng ghi nhớ, nhận 700 triệu đồng. Theo đó, Hải Huy đã nhận lời thi đấu cho CLB Hải Phòng ở mùa bóng 2022.
Nói với Saostar, lãnh đạo CLB TPHCM cho biết cuộc chơi đã có luật, và hai bên thoả thuận không thành công thì cách xử lý tốt nhất là để Liên đoàn bóng đá Việt Nam xử lý. Mọi thứ cần diễn ra theo đúng bản chất của bóng đá chuyên nghiệp, thay vì phải ồn ào nói qua lại với nhau.
Về bản chất của vụ việc nói trên, Hải Huy đã ký hợp đồng và nhận 700 triệu đồng của CLB TPHCM vào tháng 4/2021. Tức Hải Huy đã thuộc về CLB TPHCM kể từ mùa bóng 2022. Tiền vệ này không thể tự ý "bẻ kèo" để ký với CLB Hải Phòng. Do đó, Hải Huy đến Hải Phòng FC thì anh phải trả lại tiền cọc 700 triệu đồng và đền tiền theo điều khoản thoả thuận của hai bên khi ký hợp đồng ghi nhớ.
Theo thông tin của Saostar, CLB Hải Phòng đang chờ Hải Huy giải quyết xong rắc rối với CLB TPHCM mới có thể công bố hợp đồng. Do đó, Hải Huy dễ "mất cả chì lẫn chài" nếu số tiền đền cho CLB TPHCM lên đến 5 tỷ như điều khoản thoả thuận trong hợp đồng ghi nhớ.
Với Hải Huy, một nghịch cảnh bi hài là anh bị CLB Quảng Ninh nợ tiền nhưng không thể đòi. Thậm chí, Hải Huy muốn có giấy thanh lý để đầu quân cho đội bóng khác thì điều kiện là không được đòi nợ đội bóng đất Mỏ.
Hải Huy đã nói một điều chua chát sau khi rời CLB Quảng Ninh rằng: "Thực ra cầu thủ thì làm gì biết luật đâu. Đến lúc ký xong mà người ta bảo phá sản, mình mất tiền thì coi như phải chấp nhận thôi. Mình rơi vào thế như vậy rồi".
"Cầu thủ thì làm gì biết luật đâu"! Một câu nói phản ánh đầy đủ về vấn đề của Hải Huy: Thiếu sự hiểu biết về luật nên chưa chuyên nghiệp.
Đặt trong một trường hợp cụ thể là thủ môn Đặng Văn Lâm vừa thắng kiện đội bóng Thái Lan sau khi sự việc được FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) phán xử. Đó là bài học lớn cho tất cả cầu thủ Việt Nam, trong đó có Hải Huy và nhiều cầu thủ Quảng Ninh rơi vào cảnh bị "quỵt tiền".
V.League được tiếng chuyên nghiệp ở tuổi 20 nhưng sự thật là cầu thủ chỉ biết đá bóng, rất ít người hiểu rõ về quyền lợi chính đáng của họ với các CLB, ngược lại là hành xử ra sao để tránh bị kiện về hợp đồng. Và các CLB Việt Nam cũng không khá hơn các cầu thủ, bởi không ít đội bóng bị ngoại binh kiện lên FIFA.
Có thể nói phần lớn đang phải "bẻ chữ" chuyên nghiệp để đánh vần theo kiểu vừa đi vừa dò đường. Và trong một cuộc chơi được tiếng chuyên nghiệp nhưng còn phải "bẻ chữ" thì bóng đá Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều câu chuyện bi hài khác.