Theo đó, Tiến Linh đang nhận đến hơn 53% phiếu bầu, bỏ xa cầu thủ đúng thứ hai là Sardar Azmoun của Iran với 18,53% phiếu bầu.
Tiến Linh cũng đang "ăn đứt" Son Heung Min, ngôi sao đã ghi 2 bàn thắng trong 2 lượt trận liên tiếp cho Hàn Quốc nhưng chỉ nhận được 4,29% phiếu bầu. Wu Lei - cầu thủ có màn trình diễn ấn tượng với cú đúp giúp Trung Quốc thắng Việt Nam 3-2 chỉ có 3,58% phiếu.
Lý do là Tiến Linh nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người hâm mộ Việt Nam qua sự bầu chọn trên mạng xã hội ở trang AFC.
Tuy nhiên, những lá phiếu bầu chọn qua mạng xã hội dành cho Tiến Linh bỏ xa Wu Lei, Son Heung Min đã phản ánh giá trị "ảo" của fan hâm mộ Việt Nam trên mạng xã hội. Vì bản chất tuyển Việt Nam đã thua cả hai trận đấu trước Trung Quốc và Oman. Thầy trò HLV Park Hang Seo xếp bét bảng B sau 4 trận toàn thua. Vậy fans bầu cho Tiến Linh là cầu thủ hay nhất sau 2 trận đấu ở tháng 10, phải chăng là một sự hài hước theo đúng nghĩa bất chấp tất cả để "sống ảo"?
Sự thật thì những Wu Lei, Son Heung Min có đẳng cấp rất xa Tiến Linh. Về sự xuất sắc sau 2 trận đấu vừa qua, ngôi sao Hàn Quốc có 2 bàn thắng mang đến 4 điểm cho đội nhà. Wu Lei cho thấy được đẳng cấp để giúp Trung Quốc thắng Việt Nam khi góp công lớn trong cả 3 bàn thắng. Tiến Linh chơi cố gắng và có 2 bàn thắng nhưng không thể là cầu thủ thi đấu hay nhất qua 2 trận đấu.
Từ một cuộc bầu chọn qua mạng kể trên cũng phản ánh về nỗi lo cho HLV Park Hang Seo, đó là áp lực từ hàng triệu HLV online. Tuyển Việt Nam yếu kém toàn diện so với các đối thủ ở bảng B nhưng không ít ý kiến muốn đá tấn công và chiến thắng.
Tuyển Việt Nam và ông Park cũng khổ vì chính giá trị "ảo". Nhiều fans có thói quen mạt sát trọng tài trên mạng xã hội, qua đó tạo ra sự ác cảm lớn cho họ. Hậu quả là ĐTQG thường thua thiệt trong những quyết định theo kiểu "50-50" từ trọng tài.
Yêu cầu thủ, yêu đội tuyển thì tất cả đều yêu mến và ủng hộ hết lòng, nhưng tình yêu đó phải đúng cách, nhìn đúng giá trị thật chứ không phải bất chấp để "ảo tưởng" như cách chọn Tiến Linh là cầu thủ hay nhất sau 2 vòng đấu. Làm như thế thì không ít CĐV châu Á nhìn về bóng đá Việt Nam cũng cảm thấy... kỳ kỳ. Và yêu sai cách thì đến lúc thất bại sẽ trở thành "con dao hai lưỡi" theo kiểu phê phán đủ cách kiểu về chiến thuật và dùng người, "tấn công" cầu thủ trên mạng xã hội.