1. Người bạn thân và có thể gọi là tri kỉ của bầu Thắng trong bóng đá, ông Đoàn Nguyên Đức nói sòng phẳng về bóng đá Việt Nam: Đầu tư cho bóng đá làm gì, phí tiền! Vì cuộc chơi chưa sòng phẳng, một ông chủ nhiều đội bóng thì không thể chơi.
Thực tế, bầu Đức đang tốn nhiều tiền cho bóng đá. Học viện HAGL của bầu Đức có hơn 200 người. Nếu tính luôn chuyện kinh phí cho đội HAGL thi đấu ở V.League thì bầu Đức nuôi quân nhiều nhất bóng đá Việt Nam, tức mỗi năm phải chi hàng chục tỷ đồng.
Không thích cuộc chơi ở V.League nhưng bầu Đức phải chơi. Đó là trách nhiệm với địa phương, là đam mê cuộc đời và vì Học viện bóng đá HAGL. Bởi cuộc đời bầu Đức có 2 thứ không bao giờ bán: Bệnh viện HAGL và Học viện bóng đá HAGL.
Có thể thấy rằng, ông chủ phố Núi coi trọng Học viện HAGL hơn cả CLB HAGL. Vì đội 1 bây giờ chơi ở V.League chỉ mang tính trách nhiệm, còn Học viện HAGL mới tạo ra những giá trị lớn lao, xứng đáng để bầu Đức đầu tư tiền bạc, công sức.
Học viện HAGL của bầu Đức nằm trong Top 10 địa điểm tham quan ở Gia Lai. Nơi đây cho ra đời một thế hệ cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam và hằng năm đang đào tạo nhiều tài năng bóng đá khác để cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Đây chính là niềm tự hào của bầu Đức.
2. Từ lăng kính của bầu Đức nhìn về chuyện Long An muốn trở lại V.League, hành trình này cần phải được nhìn nhận đa chiều.
Câu hỏi đặt ra: CLB Long An lên V.League sẽ chơi như thế nào?
Đây chính là điều quan trọng nhất với CLB Long An trong mục tiêu trở lại V.League. Long An đang là 1 trong những đội bóng giàu thành tích nhất ở V.League, từng 2 năm liên tích vô địch. Long An từng tạo ra tiền đề cho tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, là niềm tự hào của bóng đá miền Tây. Cả nước khi nhắc về Long An là nói về những khán đài đầy ắp khán giả, là "derby Gạch - Gỗ" của một thời oanh liệt, là nơi có bầu Thắng - ông chủ yêu bóng đá và cống hiến rất nhiều cho bóng đá nước nhà.
Thế nên, Long An trở lại V.League chơi như thế nào thì bầu Thắng và lãnh đạo tỉnh Long An cần phải xác định rõ ràng hành trình ngay từ lúc này.
Chẳng lẽ đội bóng một thời "xưng hùng xưng bá" ở V.League trở lại giải đấu cao nhất để đua trụ hạng? Chơi như thế thì CLB Long An chỉ là cái bóng cho chính mình trong quá khứ.
Em trai của ông Võ Quốc Thắng, bầu Nhiệm tâm sự: "Lên V.League phải chơi lớn, làm bóng đá bài bản nhất để người hâm mộ tự hào, chứ không thể nào đua trụ hạng".
Bầu Thắng cũng chắc chắn không bao giờ có tư tưởng chơi chỉ để đua trụ hạng ở V.League.
3. Nếu bầu Thắng đưa CLB Long An trở lại V.League thì quá đơn giản. Ông chủ Đồng Tâm chỉ cần chấp nhận bỏ nhiều tiền để mua cầu thủ giỏi thì lập tức lên hạng.
Thậm chí, bầu Thắng có thể chọn cách mua thêm vài "ông lão" nổi tiếng ở châu Á đưa về Long An. Sau đó, CLB Long An đánh bóng hình ảnh và làm thương hiệu một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, những cách làm nói trên chỉ mang tính thời điểm, không có giá trị bền vững trong bóng đá, cũng không để lại ý nghĩa gì trong sự phát triển của bóng đá Long An, bóng đá miền Tây và bóng đá Việt Nam.
Làm bóng đá tử tế, bài bản phải làm từ gốc rễ. Một đội bóng, hay rộng hơn một địa phương muốn phát triển bóng đá thì nhất định phải biết "trồng" ra những tài năng bóng đá.
Bóng đá Long An muốn trở lại V.League thì nhất định phải có một cơ ngơi đào tạo trẻ để cho ra đời những cầu thủ trưởng thành từ địa phương. Tức không làm bóng đá theo kiểu "xây nhà từ nóc".
Với bầu Thắng, có lẽ không cần phải bàn nhiều về sự am hiểu và tường tận của ông với bóng đá. Bầu Thắng từng qua Bồ Đào Nha, cũng như các nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông hiểu được câu chuyện thiết thực là làm bóng đá phải có đào tạo trẻ bài bản.
Và khi nói về câu chuyện đào tạo trẻ thì có ý nghĩa lớn lao trong bóng đá, bởi cho ra đời những tài năng để cống hiến cho quê nhà là niềm tự hào cho cả một địa phương, còn người hâm mộ thì ai cũng mong được cổ vũ cho những con quê nhà. Nhìn rộng hơn chính là câu chuyện bản sắc, truyền thống trong bóng đá.
Tựu trung, CLB Long An khát vọng trở lại V.League là một điều cần thiết. Nhưng hành trình xây dựng cho mục tiêu như thế nào là cực kỳ quan trọng. Đội Long An rõ ràng không phải của bầu Thắng, đội bóng phải là của người hâm mộ tỉnh nhà. Nên cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp cùng bầu Thắng làm bóng đá, trong đó chuyện cho ra đời một trung tâm đào tạo trẻ có ý nghĩa đặc biệt với bóng đá Long An. Vì chỉ khi "xây nhà từ móng" thì đội chủ sân Tân An lên V.League mới đúng nghĩa làm bóng đá chuyên nghiệp và hùng mạnh, cũng như xứng tầm với vị thế của một địa phương được ví như "anh cả" của bóng đá miền Tây.