Madam Pang thay đổi bóng đá Thái Lan
U23 Thái Lan đến U23 châu Á 2022 với nhiều cầu thủ trở về từ châu Âu. “Voi chiến” chỉ giữ lại 10 cầu thủ dự SEA Games 31 dù danh sách sơ bộ lên đến 30 người.
Ba cầu thủ chơi rất tốt ở SEA Games 31 là Jonathan Khemdee, Patrik Gustavsson và Ben Davies được giữ lại. Thái Lan gọi thêm những Thanawat Suengchitthawon, Nicholas Mickelson, Chayapipat Supunpasuch, Yannick Nussbaum, Channarong Promsrikaew, Achitpol Keereerom, Marcel Sieghart. Ba tuyển thủ Kritsada Kaman, Ekanit Panya và Suphanat Mueanta cũng góp mặt ở U23 Thái Lan.
Không khó để thấy U23 Thái Lan có một phiên bản hoàn toàn khác so với SEA Games 31. Khi nhiều cầu thủ giỏi nhất được gọi dự U23 châu Á 2022, trước đó họ không thể đá SEA Games 31 vì CLB chủ quản không đồng ý “nhả quân” cho U23 Thái Lan.
Ở U23 châu Á 2022, Madam Pang tiếp tục làm trưởng đoàn U23 Thái Lan. Nữ tỷ phú của gia tộc sở hữu tài sản 117 tỷ USD chính là người có tiếng nói quan trọng trong việc nâng cấp U23 Thái Lan. Madam Pang đã thuyết phục được nhiều cầu thủ ở châu Âu về thi đấu. Bà đặt ra mục tiêu “Voi chiến” sẽ thắng Malaysia và Việt Nam để giành vé vào tứ kết.
Tham vọng của Madam Pang rất lớn khi muốn tạo ra một U23 Thái Lan phiên bản mới. Đó là những cầu thủ giỏi nhất trong nước kết hợp với dàn sao Thái kiều thi đấu tại châu Âu. Một hướng đi theo đúng xu thế bóng đá hiện đại, bởi những đội bóng mạnh nhất thế giới như Pháp, Đức, Tây Ban Nha… vẫn sở hữu những tuyển thủ mang hai dòng máu.
Thành công hay thất bại, câu chuyện của bóng đá Thái Lan cần thời gian trả lời. Nhưng “voi chiến” thực sự đang thay đổi lớn sau khi thất bại với tham vọng giành vé dự World Cup 2022. Họ đang tính xa hơn cho mục tiêu dự World Cup, còn những sân chơi SEA Games và U23 châu Á giống như việc xây nền với những cầu thủ mang 2 dòng máu.
Dấu ấn của Madam Pang có lẽ không cần phải bàn cãi khi có 16 năm gắn bó với bóng đá. Những cột mốc của bóng đá Thái Lan luôn gắn liền với nữ tỷ phú, một người được ví như "người đàn bà thép" của xứ chùa vàng. Tình yêu bóng đá của Madam được ví là bằng cả trái tim, khi nhiều lần bà bật khóc với các đội tuyển Thái Lan trong vinh quang lẫn thất bại.
Cuối năm ngoái, Madam Pang lấy lại vị thế cho tuyển Thái Lan với chức vô địch AFF Cup 2020. Bây giờ nữ tỷ phú tiếp tục tạo ra dấu ấn trong hành trình "thay máu" cho lứa trẻ của bóng đá Thái Lan. Đây là sự khác biệt của một doanh nhân yêu bóng đá và khát khao nâng đỡ nền bóng đá phát triển.
Tầm quan trọng của bầu Đức với bóng đá Việt Nam
Nhìn dấu ấn của Madam Pang với bóng đá Thái Lan, có lẽ nhiều người sẽ giật mình khi biết rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ hiện tại chỉ còn hai doanh nhân gắn bó là ông Trần Anh Tú và ông Lê Văn Thành. Nhưng một người được gọi là "ông Tú futsal", còn một người được biết với tên gọi quen thuộc là "ông Thành bóng chuyền".
Ở nhiệm kỳ trước, VFF có ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm phó chủ tịch tài chính, ông Lê Hùng Dũng làm chủ tịch VFF. Ở VPF, ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) làm Chủ tịch. Tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của bầu Đức và bầu Thắng thì người hâm mộ bóng đá cả nước đã đều biết tường tận.
Lee Dong-jun - người đại diện của HLV Park Hang Seo nói với Saostar về bầu Đức:"Không chỉ HLV Park Hang Seo mà bản thân tôi rất tôn trọng và yêu quý ông Đoàn Nguyên Đức. Vì ông ấy là một người đặc biệt với ông Park, rất đặc biệt.
Tôi rất tôn trọng con đường bóng đá mà ông Đức đang làm, đó là cách làm thay đổi bóng đá Việt Nam, một tư tưởng mới. Sự cố gắng và cống hiến của ông Đoàn Nguyên Đức cho bóng đá Việt Nam khiến tôi rất tôn trọng...
Với tôi, ông Đức là một người tiên phong của bóng đá Việt Nam. Ông Đức tạo ra xu hướng mới mà những đội bóng Việt Nam đi theo ông Đức. Đó là quan điểm của tôi.
Tôi mong rằng là có thêm nhiều ông Đoàn Nguyên Đức nữa, nhiều người làm được như ông Đoàn Nguyên Đức".
Lee Dong-jun nhắn nhủ thêm rằng: "Rất cảm ơn và rất tôn trọng những gì ông Đoàn Nguyên Đức đã làm".
Nói về bầu Đức, sự khác biệt đầu tiên là uy tín, tư thế doanh nhân và khát vọng nâng tầm bóng đá Việt Nam. Bầu Đức từng tuyên bố vào năm 2015 rằng:"Tôi sẵn sàng lo cho tuyển Việt Nam đến khi nào thành công"!
Trong thời điểm HLV Miura dẫn dắt, tuyển Việt Nam đá xấu xí, thiếu thuyết phục về thành tích. Không có lãnh đạo VFF nào lên tiếng, chỉ có bầu Đức "cầm cờ" sa thải ông Miura. HLV Hữu Thắng lên thay nhưng thất bại. Nhiều ý kiến đã nhắm vào bầu Đức như cái cớ để biện minh, đổ lỗi. Thậm chí, không ít người mỉa mai khát vọng của bầu Đức về tuyên bố vô địch SEA Games 2017 nhưng không thành công. Phần lớn quên rằng, bầu Đức đã bỏ công sức, tiền bạc và thời gian để nâng đỡ bóng đá Việt Nam. Còn chuyện thành công hay không phải cần thời gian. Bóng đá có thất bại, có sự trưởng thành thì mới thành công.
Bầu Đức đã bỏ ngoài tai những định kiến để kiên trì với hành trình phải lo cho tuyển Việt Nam đến ngày thành công. Bầu Đức cất công sang Hàn Quốc để mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam. Đây là dấu ấn quan trọng để thấy sự khác biệt của doanh nhân yêu bóng đá. Bầu Đức không bỏ cuộc và quyết tâm phải thành công. Thêm một điều đáng suy ngẫm, chỉ cần thấy đúng người có thể giúp đội tuyển thành công thì không cần quy trình này nọ, bầu Đức lấy ông Park cho bóng đá Việt Nam theo kiểu "tay phải ký, tay trái đưa tiền". Buổi "chốt" hợp đồng ngay tại Hàn Quốc, khi vấn đề quan trọng nhất là tiền lương được bầu Đức nhận chi trả cho ông Park trong 2 năm.
Tất nhiên, bầu Đức không chỉ đóng góp mỗi chuyện giúp bóng đá Việt Nam có HLV Park Hang Seo, ông còn xây Học viện bóng đá HAGL để tiên phong trong đào tạo trẻ, tạo ra phông văn hóa mới cho cầu thủ, mua Kiatisuk nâng tầm V.League, dám phản biện những cái sai... Chỉ có một sự tiếc nuối là bầu Đức đã rời "ngôi nhà" VFF, nếu còn gắn bó thì bầu Đức có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho bóng đá Việt Nam.
"Nếu không có ông Đoàn Nguyên Đức thì nhiều khả năng bóng đá Việt Nam không thể giành được thành tích cao như thế", Lee Dong-jung nhận xét về tầm quan trọng của bầu Đức.