1. 17 năm trước, bóng đá Việt Nam trở thành cái tên được cả Đông Nam Á nhìn về trong sự thán phục, trong đó bầu Đức là nhân tố số một để tạo nên những câu chuyện “kinh thiên động địa” cho bóng đá nước nhà.
Trong một buổi chiều ngồi xem CLB HAGL đá hạng Nhất, bầu Đức lắc đầu ngao ngán nhìn hàng công đá mãi không vào. Bầu Đức với ông Phạm Văn Tuấn (Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Gia Lai) nói chuyện, sau đó ông Tuấn bảo HAGL bây giờ có được Kiatisak thì lo gì chuyện ghi bàn. Bầu Đức liền do hỏi về Kiatisak để tiến hành một cuộc chiêu mộ mang tính lịch sử cho bóng đá Việt Nam.
Hồi đó, CLB HAGL chỉ đá hạng Nhất, V.League cũng không phải là điểm đến thu hút cho các ngôi sao khu vực, huống chi Kiatisak là huyền thoại bóng đá Thái Lan và từng sang Anh chơi bóng. Nhưng bầu Đức quyết chiêu mộ bằng mọi giá. Ông chủ CLB HAGL “đấu” với hai CLB của Malaysia và Singapore, quyết tâm đấu đến cùng để có chữ ký của “Zico Thái”.
Một trong những lý do lớn nhất khiến cho bầu Đức mua bằng được Kiatisak, đó là lòng tự tôn của một người yêu bóng đá Việt Nam. Bầu Đức phải thắng bằng mọi giá để cho thấy được sự kiêu hãnh của người Việt Nam ở khu vực.
Bầu Đức nói thẳng tại cuộc “đấu giá” Kiatisak: “Biệt thự thì tôi có sẵn, xe ô tô cũng có, tiền sẽ trả gấp đôi so với hai đội còn lại”.
Cuộc ra giá “khủng” đó đã giúp bầu Đức có được Kiatisak. Cả Đông Nam Á nhìn về Việt Nam để tìm hiểu xem CLB HAGL ở đâu? Bầu Đức là ai?
Bóng đá Việt Nam chính thức đổi đời, khi bầu Đức còn lấy thêm một loạt ngôi sao bóng đá Thái Lan. V.League trở thành nơi tụ hội những cầu thủ hay nhất khu vực, dù chỉ có vỏn vẹn vài năm lên chuyên nghiệp.
2. Và cũng tại sân Pleiku ở một buổi chiều, người hâm mộ bóng đá Gia Lai và Việt Nam được chứng kiến hình ảnh một người đàn ông chạy dọc sân trong niềm hạnh phúc tột cùng khi CLB HAGL hạ PSM Makassar 5-1 ở Cúp C1 châu Á (AFC Champions League). Bầu Đức sung sướng vì một đội bóng Việt Nam có thể thắng to ở sân chơi châu lục.
Những bước chạy đó nói lên đầy đủ về hình ảnh một bầu Đức yêu bóng đá tột cùng, khát khao nhìn thấy bóng đá nước nhà có thể làm nên những kỳ tích ở sân chơi châu lục.
Hồi đó, CLB HAGL đã có đầy đủ các danh hiệu quốc nội, bầu Đức muốn hướng đến sân chơi châu lục, muốn đưa bóng đá Việt Nam vươn lên một tầm cao. Nhưng giấc mộng đó sớm đổ vỡ khi HAGL Đại Liên Shide 0-2 và Krung Thai Bank 0-1. Dù HAGL tiếp tục nỗ lực để kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ 2 nhưng thời đó chỉ có suất đi tiếp cho đội đầu bảng.
Bầu Đức nhận ra một điều rằng, bóng đá Việt Nam muốn thay đổi thì cần phải có những cuộc cọ xát với các đội bóng hàng đầu thế giới. Ông chủ CLB HAGL xếp sắp đội nhà có thể sang Anh học hỏi CLB Arsenal của HLV Wenger, đội bóng đang trở thành nỗi ám ảnh của giải ngoại hạng Anh với lối chơi đẹp mắt vào những năm đầu 2000.
Thế nhưng, bầu Đức ngồi nói chuyện với HLV Wenger thì nhận được lời khuyên cần phải xây bóng đá có nền móng. Tức làm công tác đào tạo trẻ để cho ra đời những cầu thủ giỏi, còn trình độ cầu thủ Việt Nam ở hiện tại thì chưa thể bước ra châu lục.
Một cuộc trò chuyện sòng phẳng và bầu Đức tiến hành làm đúng như lời chỉ dẫn của ông Wenger để về mở Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Đó là một cột mốc lịch sử làm thay đổi nền bóng đá Việt Nam để mở ra những thành công lớn ở hiện tại.
Một ví dụ nhỏ để thấy được tầm ảnh hưởng lớn lao của Học viện bóng đá HAGL, truyền thông Trung Quốc nhìn lại thất bại của U22 trước thầy trò HLV Park Hang Seo đã nêu thẳng sự khác biệt chính là bầu Đức bắt tay với Arsenal để tạo nên sự thành công cho bóng đá Việt Nam
3. Tạo hiệu ứng cho V.League phát triển bằng những bản hợp đồng đình đám cả khu vực, sang tận Anh học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp để làm lại từ gốc rễ, bầu Đức đã trở thành người dẫn đường cho bóng đá nước nhà tiếp cận sự chuyên nghiệp. Chính bầu Đức lại mời HLV Park Hang Seo về tạo nên thành công cho bóng đá Việt Nam.
Phong thái và tư thế kiêu hãnh của một ông chủ yêu bóng đá luôn đặt sự tự tôn lên hàng đầu được thể hiện đầy đủ trong cuộc chiêu mộ HLV Park Hang Seo, bầu Đức chỉ cần nhìn bề dày kinh nghiệm và hỏi về triết lý với ông Park thì lập tức chốt luôn hợp đồng.
Bầu Đức hoàn tất mọi thứ cần thiết để ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo tại Hàn Quốc. Bầu Đức về báo lại VFF để cử người sang bàn về câu chữ trong hợp đồng và ký luôn tại xứ Kim chi. Phần còn lại của câu chuyện thì người hâm mộ cả nước đều tường tận, bầu Đức là người cất công đi mời và trả lương cho ông Park, còn chiến lược gia người Hàn Quốc gặt hái thành công nhờ tài năng xuất chúng.
Nhìn lại cả một hành trình trong 20 năm qua của bóng đá nước nhà, bầu Đức trong tư thế của một người làm chuyện lớn, tầm nhìn xa và mang lại quá nhiều sự kiêu hãnh cho bóng đá Việt Nam. Ông chủ CLB HAGL tạo ra hiệu ứng cho cả nền bóng đá, sau đó “du học” để xây dựng nền móng và cuối cùng mời một nhà cầm giỏi về để thu hoạch kết quả.
Một số người hâm mộ có thể dựa trên phát biểu bộc trực của bầu Đức để gọi ông là “nổ”. Nhưng bóng đá Việt Nam có mấy ai dám “nổ” theo đúng sự kiêu hãnh như bầu Đức, có ai đóng góp nhiều hơn ông chủ CLB HAGL trong 2 thập kỷ qua?
Câu trả lời duy nhất chỉ có bầu Đức!
“Cha đẻ” của bóng đá chân - thiện - mỹ qua lăng kính giáo dục
Ngoài khía câu chuyện tạo nên giá trị thành công cho bóng đá Việt Nam, bầu Đức là người mở ra một khái niệm về bóng đá đẹp và cống hiến, thứ bóng đá mà hàng triệu người hâm mộ Việt Nam ước mơ khi nhìn về các giải đấu hàng đầu thế giới.
Trong thời điểm bóng đá Việt Nam xuống cấp trầm trọng về niềm tin do sự xấu xí từ bên trong lẫn ngoài sân cỏ, bầu Đức cho ra đời lứa Công Phương làm thổn thức hàng triệu trái tim người hâm mộ. Nhìn sâu xa thì đó là khát vọng của fan bóng đá, bởi ai cũng yêu bóng đá đẹp và tử tế.
Bầu Đức đã thực hiện hóa được khát vọng đó cho người hâm mộ cả nước. Bầu Đức dày công nuôi dưỡng từ tiền bạc, công sức đến sự giáo dục. Ông chủ CLB HAGL xác định thiết thực là cầu thủ phải “tiên học lễ, hậu học bóng đá”.
Thứ bóng đá đẹp của HAGL mang đến một diện mạo mới, bắt buộc các đội bóng khác phải thay đổi cách làm, từ chuyện đào tạo đến tư tưởng cầu thủ được quán triệt. Mọi thứ được cải thiện rất rõ ràng trong mấy năm qua.
Đó chính là thứ giá trị quan trọng nhất để giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển, vì văn hóa bóng đá là gốc rễ trong chuyện đào tạo, còn tài năng phải xếp sau. Bởi một cầu thủ trẻ muốn phát triển toàn diện, đi một chặng dài thì cần có tài và đức.
Bầu Đức cũng chứng minh cho tất cả thấy qua câu chuyện tặng 400 triệu “cứu” Quế Ngọc Hải. Sự bao dung và cái tình của bầu Đức không chỉ giúp Ngọc Hải có cơ hội tiếp tục được chơi bóng, anh còn trở thành một con người khác hẳn trên sân cỏ. Sau đó, Ngọc Hải mang băng thủ quân tuyển Việt Nam để đóng góp vào thành công dưới thời HLV Park Hang Seo.
Rõ ràng, sự giáo dục trong bóng đá có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cầu thủ, xa hơn là cho cả một nền bóng đá. Bầu Đức chính là “cha đẻ” cho câu chuyện văn hóa đá bóng ở Việt Nam để hướng đến cái đẹp và những giá trị nhân văn.
Ngoài ra, bầu Đức còn là người tiên phong trong câu chuyện đưa cầu thủ Việt Nam ra thế giới. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã tạo nên tiền đề cho chuyện xuất ngoại.
Hiện tại, Công Phượng đang chơi bóng ở Bỉ, dù thể hiện như thế nào thì “đứa con cưng” của bầu Đức chính là đại diện ưu tú và niềm kiêu hãnh của bóng đá nước nhà, là “viên gạch” đặt nền móng cho sự hội nhập của cầu thủ Việt Nam ở châu Âu.