Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Bầu Đức, 'học sinh cá biệt' có công hay tội với bóng đá Việt Nam?

Gần 20 năm cống hiến cho bóng đá Việt Nam, bầu Đức được ví như người đưa đò thầm lặng, tận tụy cống hiến dù trải qua nhiều thăng trầm...

Bầu Đức - người đang được hàng triệu người hâm mộ gọi tên vì những cống hiến lớn lao cho bóng đá Việt Nam sau khi thầy trò HLV Park Hang Seo giành ngôi vô địch AFF Cup 2018. Nhưng đằng sau niềm vui vinh quang của tuyển Việt Nam thì bầu Đức không ít lần thấu chịu sự cay đắng với tình yêu cùng trái bóng tròn.

Ông bầu phố Núi nói với tôi rằng: “Em thấy anh có công hay tội với bóng đá Việt Nam?”. Một câu hỏi có lẽ khiến cho nhiều người phải suy ngẫm…

“Học sinh cá biệt” của bóng đá Việt Nam

Sở dĩ gọi bầu Đức là “học sinh cá biệt” vì câu chuyện bằng cấp hồi tháng 3 năm nay trở thành một trong những vụ lùm xùm đình đám nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Bầu Đức từ tư thế người hùng thầm lặng góp công cho bóng đá nước nhà với chiến công lịch sử U23 châu Á, nhưng quy định ứng viên VFF khóa VIII cần có bằng cử nhân khiến cho ông chủ CLB HAGL bị gạt từ “vòng giữ xe”.

Chỉ sau một tháng được hàng triệu người ca ngợi, bầu Đức nói với người viết: “Tôi xấu hổ vì không có bằng Đại học”. Nghe rất chua chát và cay đắng nên bầu Đức quyết định nghỉ VFF, không tham gia ứng cử chức phó Chủ tịch tài chính.

Nhưng cũng nhờ câu chuyện bằng cấp của VFF, nhiều người mới thấy được đẳng cấp cũng như tình yêu bóng đá của bầu Đức lớn như thế nào. Câu chuyện này cần bắt đầu từ tuổi thơ của ông chủ CLB HAGL trong những ngày đá bóng bó rơm ở sân làng.

Bầu Đức sinh ra ở Bình Định trong một gia đình có 10 anh em. Tuổi thơ bầu Đức chơi bóng cùng các anh em và những đứa trẻ ở xã An Phú, thành phố Pleiku do gia đình đi lập nghiệp. Hồi đó, bầu Đức chơi bóng trong hoàn cảnh thiếu thốn khi trái bóng được bó bằng rơm.

Tình yêu bóng đá bắt đầu từ quả bóng bó rơm đã ấp ủ một giấc mơ cho bầu Đức sau này cố gắng phát triển bóng đá Việt Nam. Bầu Đức mong những em nhỏ có niềm đam mê chơi bóng được ăn tập tử tế, học văn hóa, phát huy tài năng để cống hiến cho bóng đá nước nhà.

Bầu Đức - “học sinh cá biệt” của VFF đã có những lần xuất ngoại đi vào lịch sử, qua đó tạo tiền đề cho bóng đá nước nhà nâng tầm cũng như có một vị thế đáng nể ở khu vực.

Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng kể là bầu Đức có một cái nhìn rất sâu và rộng. Bầu Đức chiêu mộ Kiatisak gây chấn động bóng đá Đông Nam Á. Tất cả phải nhìn về Việt Nam để tìm hiểu bầu Đức là ai, HAGL ở đâu, sao có thể chiêu mộ một huyền thoại bóng đá khu vực.

Sau tiếng vang mang tên Kiatisak, bầu Đức bắt đầu hành trình “du học” với việc gặp HLV Wenger để đàm đạo và cho ra đời Học viện Bóng đá HAGL Arsenal - JMG. Một bước ngoặt lịch sử và bầu Đức nói: “Tôi tự hào nhất là Học viện bóng đá trở thành cú hích để đặt nền móng cho quá trình phát triển bóng đá trẻ Việt Nam”.

10 năm sau sự ra đời Học viện, bầu Đức có 3 lần đi Hàn Quốc mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam. Bầu Đức bay trực tiếp sang Hàn Quốc chốt hợp đồng và tự trả tiền lương cho HLV Park. Ông chủ CLB HAGL lý giải rằng: “Tôi không còn làm ở VFF nhưng có trách nhiệm cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Tôi đóng góp được bao nhiêu thì cố gắng đóng góp”.

Một câu chuyện đáng nể là bầu Đức có giai đoạn làm ăn khó khăn ở ranh giới sinh tử, đến mức ông chủ CLB HAGL từng buồn bã nói là có 50 tỷ thôi nhưng kiếm không ra. Khó khăn chồng chất như thế nhưng bầu Đức vẫn quyết định mỗi tháng trả cho HLV Park lên đến gần 700 triệu đồng/tháng (20 nghìn USD lương “cứng” và 35% thuế thu nhập cá nhân).

Lịch sử bóng đá Việt Nam thực sự chưa có ai làm được như bầu Đức. Tất cả có thể gói gọn là bầu Đức có đẳng cấp, tầm nhìn xa và có một tình yêu tột bậc với bóng đá. Gần 20 năm, bầu Đức phải mất cả nghìn tỷ đồng để làm bóng đá nhưng đến lúc vinh quang chỉ nói ngắn gọn: “Tôi chỉ muốn làm người đưa đò thầm lặng, còn niềm vui là của cả đất nước chứ đâu riêng tôi”.

Nước mắt cay đắng và lằn ranh yêu ghét

Malaysia năm 2017 - một kỳ SEA Game thành công lớn của thể thao Việt Nam nhưng bóng đá nam trở thành câu chuyện buồn. U22 Việt Nam chia tay vòng bảng với thất bại 1-4 trước Thái Lan. Bầu Đức đau buồn nhưng không biết ngỏ lời cùng ai. Vì rất nhiều ý kiến “ném đá” bầu Đức, quy kết trách nhiệm thuộc về ông chủ CLB HAGL.

Sự thất bại của bóng đá Việt Nam trong hành trình “săn vàng” SEA Game trở thành câu chuyện riêng dành cho bầu Đức. 10 năm bỏ ra mấy trăm trăm tỷ đồng để cho ra đời lứa Công Phượng. Cả một nền bóng đá tự hào khi chiến thắng, còn thất bại dồn về phía bầu Đức. Một nghịch lý phũ phàng nhưng bầu Đức âm thầm chịu đựng, viết đơn xin nghỉ VFF.

Lằn ranh yêu ghét của bóng đá thật nghiệt ngã, nếu không có đam mê, bản lĩnh cùng quyết tâm cống hiến thì bầu Đức có lẽ không đứng vững trước sức ép theo kiểu bóng đá Việt Nam.

Đúng hơn, một tờ giấy trắng tinh khi có một vết mực thì nhiều người chỉ chăm chăm nhìn vào vết mực, còn quên mất đi phần trắng sạch. Vết mực trên tờ giấy trắng đó có thể ví như thất bại của lứa Công Phượng ở SEA Game năm 2017. Nhưng tất cả quên rằng là họ rất trẻ, tương lai còn dài, còn bầu Đức có rất nhiều đóng góp cho bóng đá nước nhà. Sao có thể chỉ nhìn vào một thất bại rồi quy kết, “ném đá” bầu Đức không thương tiếc?

Nhưng bóng đá cũng như cuộc đời, có nhiều thứ vốn dĩ không công bằng theo kiểu “thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo”. Nhiều người có thể phủi sạch đi sự cống hiến gần 20 năm của một ông bầu mà quên mất rằng, bầu Đức mới chính là người đau buồn nhất. Vì ai có thể đau hơn bầu Đức khi 10 năm chăm lo cho các cầu thủ như đứa con thơ, đội nắng ngồi xem tụi nhỏ tập luyện, bỏ công việc để tháp tùng đi thi đấu, tốn cả “núi tiền”…

“Hơn 11 năm xây Học viện bóng đá là 11 năm tôi đội 11 mũ cối vì bị ném đá. Tôi chấp nhận tất cả vì có những người không tin tôi sẽ làm được”, bầu Đức chua chát nói về lằn ranh yêu ghét của bóng đá.

Từ những câu chuyện kể trên để thấy bầu Đức rất bản lĩnh, tâm huyết cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Nếu không có đam mê tột cùng, có khát vọng đưa bóng đá Việt Nam đến thành công thì bầu Đức có lẽ đã dừng lại sau SEA Game năm 2017. Vì trong nỗi đau thì không có lời động viên, chỉ có sự mổ xẻ, chê trách, “ném đá”, thậm chí một số người hả hê khi chứng kiến bầu Đức không thể thực hiện được giấc mơ giúp bóng đá nước nhà có HCV SEA Game.

Có công hay tội với bóng đá Việt Nam?

Hơn 1 năm trước, bầu Đức bị quy trách nhiệm khiến bóng đá Việt Nam thất bại ở SEA Game. Bây giờ, hàng triệu người khen ngợi bầu Đức có công thầm lặng giúp thầy trò HLV Park Hang Seo giành chức vô địch AFF Cup 2018. Vậy bầu Đức có công hay tội với bóng đá Việt Nam?

Chính bầu Đức cũng từng tâm sự với tôi rằng: “Em thấy anh có công hay tội với bóng đá Việt Nam?”.

Công hay tội. Người hâm mộ Việt Nam có lẽ đủ có góc nhìn để đưa ra câu trả lời cho bầu Đức. Nhưng tôi chỉ muốn kể một câu chuyện mà ít người biết về tình yêu của bầu Đức dành cho bóng đá nước nhà.

Trong thời điểm công việc rất bận, bầu Đức có lịch làm việc gần như kín cả ngày. Ông chủ CLB HAGL di chuyển rất nhiều. Ví dụ tối ngày 15 ở Đà Nẵng cổ vũ tuyển Việt Nam cùng bầu Thắng. Sáng 16, bầu Đức đã mặt ở Quảng Nam để ra sân bay đón HLV Park. Chiều ngày 16, bầu Đức phải bay gấp về TP.HCM để làm việc. Hôm nay (17/12), bầu Đức đã bay đi nước ngoài.

Cuộc đời bầu Đức làm việc giống như “cánh chim không mỏi”. Bầu Đức tâm sự với tôi là nhờ trời cho được sức khỏe tốt nhưng có những hôm thì ông chủ CLB HAGL chỉ có thể ngả lưng ngủ trên ghế. Nhưng thực sự đáng trân trọng khi bầu Đức chưa bao giờ thiếu sự quan tâm với bóng đá Việt Nam, luôn lo lắng và suy nghĩ khi từng thức trắng nhiều đêm trong bối cảnh VFF lùm xùm.

Lịch sử bóng đá Việt Nam rõ ràng chuyển mình cùng bầu Đức trong gần 2 thập kỷ qua. Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng đúc kết: “Tầm ảnh hưởng và đóng góp của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam quá lớn. Nhờ có bầu Đức thì Đông Nam Á, châu Á mới biết đến bóng đá Việt Nam”.

Cuộc đời làm bóng đá và cống hiến hết mình cho bóng đá Việt Nam của bầu Đức có thể nói: Bầu Đức không có bằng Đại học, ví như “học sinh cá biệt” của VFF nhưng ông chủ CLB HAGL tâm huyết làm bóng đá tử tế, không tiếc công sức, tiền bạc để “trồng người”, qua đó mang đến niềm vui tột cùng cho hàng triệu người hâm mộ.

Vậy nên, từ những thành công của bóng đá Việt Nam thì bầu Đức không cần tán dương hay vinh danh, vì tên tuổi bầu Đức chỉ cần ngồi ở quán cà phê cũng được nhắc đến như người hùng thầm lặng. Không có bằng Đại học, không đeo những tấm huy chương như các cầu thủ, bầu Đức có thứ “quý hơn vàng” khi ngay đến người bạn Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) cũng công kênh hô vang Việt Nam vô địch: Đó là sự bằng lòng và tình yêu của người hâm mộ cả nước.

Bầu Đức được bầu Thắng công kênh mừng Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố