Từ chuyện HLV Park Hang Seo nhắc nhở Quang Hải
Rời sân khấu để trở lại chỗ ngồi, Quang Hải ôm theo hai bó hoa đặt xuống đất, anh ngồi kế bên cạnh HLV Park Hang Seo và nở nụ cười rất vui. Nhưng lập tức bị HLV Park chỉnh tại chỗ về chuyện đối nhân xử thế sao cho đúng nghĩa một cầu thủ không chỉ giỏi đá bóng, mà còn phải biết lễ phép.
Ông thầy Hàn Quốc chỉ tay cho Quang Hải phải đi qua chào các lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Quang Hải đứng dậy đi chào mọi người. Câu chuyện không dừng lại khi HLV Park Hang Seo tiếp tục nhắc Quang Hải phải đi tặng hoa cho bố mẹ, những người nuôi dưỡng anh nên người, bởi họ đang có mặt ở buổi lễ và ngồi ở phía sau lưng. Hải “con” lập tức đứng dậy ôm hai bó hoa đến chỗ bố mẹ.
Một câu chuyện bền lề trong buổi lễ vinh danh của bóng đá Đông Nam Á nhưng để thấy rằng, HLV Park Hang Seo đã dạy các cầu thủ từ những câu chuyện mang tính giáo dục rất có ý nghĩa. Ngay cả lúc đang tận hưởng niềm vui và thành quả thì HLV Park Hang Seo vẫn nhìn mọi vấn đề dưới góc độ giáo dục.
Rất rõ ràng, văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề, trong bóng đá cũng thế. Cầu thủ đá bóng giỏi nhưng thiếu đi sự giáo dục thì khó được yêu mến. Một cầu thủ giỏi và biết lễ phép, tôn trọng khán giả, biết trước sau thì chắc chắn được yêu. Kể cả cầu thủ chưa giỏi nhưng được giáo dục đúng cách thì họ vẫn được người hâm mộ yêu mến.
Tối qua, Quang Hải không chỉ thu về câu chuyện danh hiệu, anh còn có thêm một bài học quan trọng từ sự chỉ bảo của HLV Park Hang Seo. Điều này sẽ rất quan trọng để cho Quang Hải trưởng thành trong cuộc sống, chứ không chỉ gói gọn chuyện đá bóng giỏi.
Câu chuyện tối qua càng cho thấy được vì sao ông thầy Hàn Quốc thành công cùng bóng đá Việt Nam. Vì ông Park không chỉ là HLV mà sắm vai người thầy dạy các học trò nhiều điều ngoài chuyện bóng đá.
Đến “ngôi trường độc nhất vô nhị” của bầu Đức
Bầu Đức từng nói thẳng khi mở Học viện bóng đá HAGL -Arsenal - JMG thì giáo dục phải đặt lên đầu tiên. Cầu thủ phải được học tập mỗi ngày để trở thành công dân tốt cho xã hội và cống hiến cho đất nước.
Cụ thể, các cầu thủ trẻ HAGL sẽ cắp sách đến trường vào buổi sáng để đến trường như các học sinh. Họ học xong mới tập bóng đá. Những cầu thủ lớn thì được ăn học ngay tại Học viện bóng đá HAGL, với các lớp học được mở trong Học viện với đội ngũ giáo viên giỏi. Họ được học như các học sinh bình thường và ban đêm được dạy thêm tiếng Anh.
Đúng hơn, các cầu thủ HAGL nếu nhìn từ góc độ giáo dục thì được bầu Đức chăm lo “tận răng”, còn hội tụ nhiều điều kiện phát triển về tri thức hơn nhiều em nhỏ khác trong cuộc sống. Bởi họ được bầu Đức đặt cho tiêu chí phải học tập, tốt nghiệp Đại học và biết ngoại ngữ.
Trên thế giới, không có nơi nào đào tạo cầu thủ như cách bầu Đức đã làm trong hơn 1 thập kỷ qua, nếu xét dưới góc độ giáo dục. Bầu Đức xác định “trồng người” trước khi nghĩ đến chuyện cho ra đời cầu thủ đá bóng giỏi. Ông bầu phố Núi quan niệm một cầu thủ nếu không may mắn để trở thành cầu thủ giỏi thì họ sẽ là một công dân tốt để đóng góp cho xã hội.
Đó cũng là lý do khi Xuân Trường chưa đầy 20 tuổi đã có thể nói tiếng Anh trôi chảy, một điều không phải học sinh cấp Ba nào cũng có thể làm được. Những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh… đều là những cầu thủ được giỏi trẻ ngưỡng mộ về học vấn. Thậm chí, Tuấn Anh được ví như cầu thủ “mọt sách” với việc đọc mỗi ngày, còn ngoại ngữ thì đủ trình làm… phiên dịch cho các HLV ngoại.
Vậy nên, Học viện bóng đá HAGL của bầu Đức được ví như ngôi trường của bóng đá Việt Nam. Nó sẽ là nền móng để cho bóng đá phát triển, vì gốc rễ của thể thao chuyên nghiệp nói chung và bóng đá nói riêng đều xuất phát từ học đường, trong đó sự giáo dục có một vai trò cực kỳ quan trọng. Và khi nói đến giáo dục thì chắc chắn chúng ta đều hiểu không chỉ gói gọn ở bóng đá…