1. Con số 2 nghìn tỷ là số tiền của bầu Đức đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp trong 20 năm làm bóng đá. Một phép tính nhỏ thì HAGL tốn 100 tỷ mỗi năm cho bóng đá. Vì sao bầu Đức tốn nhiều tiền như thế?
Hiện tại, Học viện HAGL của bầu Đức đang có hơn 200 thành viên. Đây là con số cực kỳ ấn tượng để thấy HAGL đầu tư lớn cho bóng đá trẻ như thế nào.
Cụ thể, HAGL làm bóng đá trẻ có thể nói là bài bản nhất Việt Nam. Học viện HAGL có đầu vào với lứa cầu thủ thi tuyển đậu Học viện, còn những cầu thủ được đánh giá tìm năng nhưng thi trượt sẽ được nhận vào lớp năng khiếu HAGL. Điển hình là Minh Vương, A Hoàng... trưởng thành từ lứa năng khiếu.
Với số tiền quá lớn mỗi năm đang đầu tư cho bóng đá, từ Học viện đến năng khiếu và nuôi đội I, HAGL không chịu chơi lớn để lấy thành tích. Đây có thể nói là điều đáng tiếc. Nhưng quan điểm của bầu Đức rất rõ ràng trong nhiều năm qua: HAGL chơi V.League chỉ đá vui.
2. Phải chăng HAGL chơi V.League chỉ đá vui là một nghịch lý lớn? Vì ai làm bóng đá cũng đều mong có thành tích, tức giành chức vô địch.
Nếu bầu Đức chơi lớn để vô địch thì ông có thể làm như sau. Bớt tiền đầu tư cho bóng đá trẻ, thậm chí "dẹp" luôn lớp năng khiếu, qua đó dành tiền để mua những cầu thủ chất lượng, thậm chí ngôi sao thuộc diện hết thời trên thế giới để đưa về HAGL, vừa có được danh tiếng, hiệu ứng truyền thông, vừa có được thành tích. Điều đó trong tầm tay của bầu Đức nếu muốn chơi lớn.
Tuy nhiên, HAGL giảm bớt đi khía cạnh phát triển bóng đá trẻ thì bóng đá Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng. Vì ít người biết rằng quân của HAGL bây giờ phủ dày ở các sân chơi chuyên nghiệp, Bầu Đức cho những Vũng Tàu, Phố Hiến, Công an Nhân dân, CLB TPHCM, Hải Phòng... mượn quân. Lý do các đội bóng mượn quân của HAGL là điều dễ hiểu, bởi họ chưa làm tốt đào tạo trẻ.
Câu chuyện chưa phát triển bóng đá trẻ thì không chỉ riêng các đội bóng nêu trên, đến Hà Nội FC không được đá cúp châu Á năm 2020 cũng vì thiếu lứa U15. Hà Nội FC cũng được cho quân rất nhiều, trong đó có PVF thường xuyên cho quân. Điển hình là những Quang Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Đức Huy... cũng được "lò" Gia Lâm cho CLB Hà Nội. Lứa cầu thủ chuyển giao cho Hà Tĩnh cũng trưởng thành từ "lò" Gia Lâm, sau đó cho Hà Nội FC.
Gần nhất, người hâm mộ có thể đọc thấy một thông tin cầu thủ trẻ của Hà Nội đi chạy xe ôm, chờ giấy thanh lý. Đây cũng là cầu thủ từng được PVF cho Hà Nội FC.
Có thể thấy, bóng đá Việt Nam đang thiếu nhiều đội bóng làm tốt đào tạo trẻ. Đây là nghịch lý lớn khi phần lớn chỉ chăm phần ngọn, bỏ qua phần gốc.
3. Trở lại với câu chuyện bầu Đức có nên chơi lớn, thay vì để HAGL đá vui.
Vấn đề này được ông chủ CLB HAGL lý giải rất rõ ràng: Tiền không phải lá mít để "đốt" vào cuộc chơi theo ông thiếu sự công bằng, còn tồn tại nhiều vấn đề như "5 đánh 1".
Nếu HAGL chơi lớn để thỏa mãn tham vọng vô địch V.League, liệu họ có đủ sức vô địch và bầu Đức phải đầu tư thêm bao nhiều tiền? Con số này không hề nhỏ, thậm chí bầu Đức đổ thêm nhiều tiền, cắt bớt phần đào tạo trẻ thì HAGL cũng chưa chắc vô địch!
Tấm gương điển hình nhất là CLB Sài Gòn Xuân Thành của bầu Thụy. Đội bóng này từng được ví như "thiên hà ngôi sao" cùng rất đông cầu thủ ngoại, Việt kiều vẫn không thể vô địch. Thời đó, bầu Thụy uất ức đến mức đòi bỏ bóng đá sau khi Hà Nội cầm chân ở vòng cuối, còn Đà Nẵng vô địch trước sự bất lực từ đội bóng của bầu Thụy. Ông bầu này gọi câu chuyện kể trên là "một ông chủ hai đội bóng".
Với định kiến "một ông chủ hai đội bóng", đội của bầu Thụy đầu tư rất nhiều nên không thể vô địch. Bây giờ bầu Đức ví cuộc chơi là "5 đánh 1", liệu HAGL có vô địch V.League?
Cần nhắc, bầu Thụy đã bỏ bóng đá. Bầu Quyết cũng nghỉ chơi vì tốn mỗi năm lên 120 tỷ nhưng khẳng định một mình Thanh Hóa không thể vô địch.
Đội bóng duy nhất có thể xứng vương ở V.League sau thời bầu Thụy là Bình Dương. Nhưng đội bóng đất Thủ mua cầu thủ có thể nói là "mua sạch" cầu thủ giỏi có thể mua, cũng như sở hữu một loạt cầu thủ "xịn" nhất về ngoại binh. Bình Dương đá 3 Tây, 2 cầu thủ Việt kiều, 1 nhập tịch, tức họ có thể chơi đến 6 ngoại binh cùng 5 tuyển thủ Việt Nam là Trọng Hoàng, Anh Đức, Công Vinh, Đình Luật, Lê Tấn Tài. Ngoài ra, Bình Dương còn có một dàn cầu thủ dự bị cũng thuộc diện sao số và tuyển thủ như Hoàng Văn Bình, Xuân Luân, Âu Văn Toàn, Tăng Tuấn, Tấn Trường...
Bình Dương thời điểm vô địch V.League trong 2 năm liên tiếp được ví là "Chelsea Việt Nam", biệt danh đó đủ nói lên họ đầu tư lớn đến mức nào để có thể "đấu" lại CLB Hà Nội của bầu Hiển.
Dù vậy, Bình Dương bây giờ lại bỏ cách làm bóng đá "tiêu tiền mua sao", họ tập trung phát triển bóng đá trẻ để cho ra đời lứa Tiến Linh, giống như học theo CLB HAGL của bầu Đức. Sự thay đổi của Bình Dương cho thấy rằng cuộc chơi ở V.League không còn là tham vọng cho những đội bóng nhiều tiền, bởi có "đốt" tiền để vô địch thì cuối cùng cũng chỉ không có nhiều ý nghĩa.
Với những tấm gương lớn như Sài Gòn Xuân Thành, CLB Thanh Hóa và Bình Dương, có thể thấy rằng bầu Đức không đầu tư mạnh cho V.League là một bước đi khôn ngoan, có tầm nhìn xa và thấu hiểu được cuộc chơi của bóng đá Việt Nam.
Vậy nên, HAGL của bầu Đức cứ đá vui, còn tiền hãy dành cho đầu tư bóng đá trẻ. Vì đâu chỉ bầu Đức đá vui, bây giờ còn có những Bình Dương, Long An cùng nhiều đội bóng khác cũng đang đá cho... có tụ ở sân chơi chuyên nghiệp, làm gì có đội nào tham vọng vô địch theo kiểu chơi tất tay như Sài Gòn Xuân Thành, Bình Dương, Thanh Hóa ngày xưa!