Khi nói chuyện với Giám đốc điều hành CLB HAGL - ông Huỳnh Mau, tôi gọi phòng truyền thống CLB HAGL là “Bảo tàng thơ ngây” của ông Đoàn Nguyên Đức.
Bảo tàng thơ ngây được hiểu là gì? Museum of Innocence (Bảo tàng Ngây thơ) nằm ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhà văn đạt giải Nobel năm 2006 - ông Orhan Pamuk đã dành một triệu USD tiền thưởng từ giải Nobel để xây dựng nên Bảo tàng thơ ngây. Bảo tàng thơ ngây ra đời sau 4 năm ông Orhan Pamuk cho ra đời cuốn tiểu thuyết cùng tên Museum of Innocence (Bảo tàng Ngây thơ).
Tiểu thuyết Bảo tàng thơ ngây của Orhan Pamuk đi thẳng vào chuyện tình yêu giữa chàng trai giàu có Kemal và cô gái nghèo Fusun. Chàng Kemal vì yêu Fusun nên dành trọn đời để xây dựng bảo tàng tình yêu. Kemal xây dựng tình yêu nhưng có cái kết không như ý nguyện. Công cuộc xây dựng tình yêu của Kemal có vị hạnh phúc, có nỗi buồn đau…
Đằng sau câu chuyện tình yêu của Kemal và Fusun thì Orhan Pamuk muốn gửi đi thông điệp về một chọn lựa nhân danh tình yêu và can đảm trả giá - điều đó là tình yêu đích thực. Bảo tàng thơ ngây là minh chứng cho điều ấy khi lưu lại dấu vết tình yêu theo năm tháng.
Thế “Bảo tàng thơ ngây” của bầu Đức có gì? Đó là nơi ghi lại hành trình bầu Đức đến với bóng đá theo cách mạnh mẽ, táo bạo và rực lửa tình yêu. Cũng có thể gọi là nhân chứng cho tình yêu của bầu Đức và bóng đá, hay nơi lưu giữ từng cột mốc lịch sử của CLB HAGL.
Với “Bảo tàng thơ ngây” đặt ở Học viện Bóng đá HAGL, ai có một lần ghé thăm chắc chắn sẽ có những cảm nhận và cách nghĩ riêng về bầu Đức làm bóng đá. Một sự khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại của bóng đá Việt Nam khi CLB HAGL tạo ra văn hóa bóng đá ở phố Núi, một nơi để nhiều người đến thăm quan vào Top 10 tỉnh Gia Lai trong năm 2017.
Ở phòng truyền thống CLB HAGL (nằm trong Học viện Bóng đá HAGL) có những chiếc Cúp của CLB HAGL, danh hiệu của lứa Công Phượng, hình ảnh về các lứa cầu thủ HAGL theo năm tháng, những chiếc áo thi đấu, tên từng nhà tài trợ để khắc ghi những người đồng hành cùng đội bóng phố Núi, sổ lưu niệm dành cho người hâm mộ đến thăm Học viện Bóng đá HAGL…
Đặc biệt, nơi đó có những tấm ảnh về bầu Đức từ ngày đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp. Từ tấm hình bầu Đức chiêu mộ danh thủ Kiatisak đến lứa Công Phượng - lứa đầu tiên của Học viện Bóng đá HAGL. Có những khoảnh khắc ghi lại cảnh ông bầu phố Núi ăn mừng đội nhà vô địch.
Nhìn những tấm hình ở phòng truyền thống CLB HAGL mới nhận thấy được bầu Đức đã gắn bó với bóng đá một hành trình dài như thế nào. Bao nhiêu ông bầu đến với bóng đá rồi chia tay, duy nhất bầu Đức vẫn gắn bó đến ngày hôm nay. Đó là 17 năm ròng rã bầu Đức trải qua hạnh phúc lẫn nỗi buồn, nếm đủ hỉ, nộ, ái ố của một nền bóng đá từ ngày đầu mới lên chuyên nghiệp.
Trong 17 năm đó, bầu Đức đã cho ra đời Học viện Bóng đá HAGL - đứa con tinh thần lớn nhất mà một ông bầu ở Việt Nam dám nghĩ, dám làm, nó có ý nghĩa lớn gấp nhiều so với việc bầu Đức ngay năm đầu tiên đã mua được Kiatisak về đá hạng Nhất. Đó là tiền đề làm thay đổi cả bóng đá Việt Nam về tư duy làm bóng đá lẫn con đường chinh phục tình yêu của người hâm mộ.
Bầu Đức cho ra đời Học viện Bóng đá HAGL cũng giống như một chọn lựa nhân danh tình yêu với bóng đá và can đảm trả giá cho điều này. Vì 11 năm trước thì bóng đá Việt Nam chỉ quen xây nhà từ nóc, chỉ quen “đốt tiền” kiếm danh hiệu, đâu có ai dám đầu tư cho bóng đá trẻ. Nhưng bầu Đức không chỉ đầu tư bóng đá trẻ mà cho ra đời một Học viện Bóng đá, ra những quy định “lịch sử” như cầu thủ phải biết tiếng Anh, tốt nghiệp Đại học và học văn hóa trước khi chơi bóng.
Ở Học viện Bóng đá HAGL có lớp học, phòng đọc sách, hồ bơi, phòng Gym, sân tập có mái che, nhà ăn, phòng dành cho phụ huynh lên thăm con, nơi sản xuất nước để cầu thủ uống… Đó là một sự đầu tư rất lớn của bầu Đức - một người phải tâm huyết, tình yêu đích thực với bóng đá mới làm được.
Thế nên, tôi mới nói bầu Đức đến với bóng đá theo cách mạnh mẽ, táo bạo, rực lửa tình yêu. Và tôi gọi phòng truyền thống CLB HAGL là “Bảo tàng thơ ngây” của bầu Đức. Đó là cách gọi ví von để cho thấy bầu Đức giống như người tình lãng mạn và khắc khổ cùng bóng đá trong suốt 17 năm qua. Và “Bảo tàng thơ ngây” đang lưu lại từng kỷ niệm, kỷ vật, hình ảnh… của bầu Đức và CLB HAGL.
“Bảo tàng thơ ngây” của bầu Đức cũng chính là bức tranh thu nhỏ để người hâm mộ có thể hiểu về lịch sử, những người gắn bó qua từng năm tháng với CLB HAGL trong 17 năm qua.
Tôi muốn đặt ra một câu hỏi thay lời kết về “Bảo tàng thơ ngây” của bầu Đức: Lịch sử, các cột mốc, cầu thủ, danh hiệu, áo đấu ghi tên nhà tài trợ, hình ảnh, đồ vật, tên người đến thăm Học viện (ghi trong sổ) được lưu lại một cách tỉ mỉ, trân trọng trong một “Bảo tàng” có ý nghĩa như thế nào với đội bóng và người hâm mộ yêu đội bóng?
Nếu chỉ nghĩ “Bảo tàng” là sự trân trọng dành cho quá khứ và bước đi lịch sử là chưa đủ, đó còn là một bước tiến dài về tương lai. Bởi “Bảo tàng” sẽ là nơi dành cho những CĐV mới hiểu biết rõ về CLB mà họ yêu - nó góp phần tạo ra tính truyền thống và bản sắc riêng cho đội bóng.
Một số hình ảnh (bao gồm ảnh tư liệu) ở phòng truyền thống CLB HAGL được Saostar chụp lại :