Từ giấc mơ mang tên Đội trưởng Tsubasa
Hơn 36 năm trước, bộ truyện tranh “Giấc mơ sân cỏ: Đội trưởng Tsubasa” ra đời khiến cho cả nước Nhật phát sốt và đặt nền bóng cho sự phát triển bóng đá của xứ sở hoa Anh Đào từ tư tưởng.
Bộ truyện không chỉ ảnh hưởng lớn các trẻ em Nhật mà còn ảnh hưởng trên toàn thế giới. Điển hình như Fernando Torres, Zinedine Zidane… cũng nuôi dưỡng tình yêu bóng đá từ cảm hứng mang tên “Đội trưởng Tsubasa”.
Cụ thể, Tsubasa cùng U.16 Nhật Bản vô địch giải U.16 thế giới và bắt đầu cuộc phiêu lưu đến CLB Sao Paulo (Brazil), sau đó Tsubasa giúp U.20 Nhật Bản vô địch thế giới rồi chơi bóng ở Barcelona…
Bóng đá Nhật Bản rõ ràng bị tác động rất lớn từ Đội trưởng Tsubasa. Nguyên nhân là hàng triệu trẻ em Nhật Bản sống cùng giấc mơ với hình tượng Đội trưởng Tsubasa.
Nhiều năm qua, người Nhật đã có những Tsubasa thực sự ở ngoài đời. Đó là các ngôi sao chơi bóng ở trời Âu như Nakata, Honda, Kagawa… Người Nhật cũng liên tiếp góp mặt ở sân chơi World Cup, là hình mẫu của bóng đá châu Á.
Đến thất bại của bầu Đức
Không phải chờ đợi đến lứa Công Phượng thì bóng đá Việt Nam mới có cầu thủ xuất ngoại, trước đó có Huỳnh Đức và Công Vinh. Nhưng chưa bao giờ người hâm mộ kỳ vọng lớn lao bằng việc bầu Đức “gả” một lúc 3 ngôi sao Học viện là Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng đi nước ngoài.
Bầu Đức ấp ủ giấc mơ lớn với việc xây Học viện HAGL - Arsenal - JMG. Ông bầu CLB HAGL hy vọng bóng đá Việt Nam có thể vươn tầm khu vực, vượt người Thái và tiến ra biển lớn ở sân chơi châu lục, thậm chí là dự World Cup.
Cũng giống như Tsubasa, “những đứa con cưng” của bầu Đức là Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh nuôi hoài bão từ nhỏ cùng trái bóng. Họ đến Học viện HAGL - Arsenal - JMG trong hy vọng một ngày trở thành ngôi sao lớn.
Nếu như Tsubasa gây tiếng vang lớn ở U16 thì Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh gây sốt ở sân chơi U19. Họ được xem là thế hệ mới của bóng đá Việt Nam, có cả một bộ truyện tranh về “các idol” của bầu Đức sau cơn sốt ở U19 Đông Nam Á.
Tiếc rằng, Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh đi nước ngoài là một sự thất bại. Tuấn Anh và Công Phượng trở về Việt Nam sau 1 năm “du học”, còn Xuân Trường bám trụ ở Hàn Quốc trong 2 năm nhưng chỉ dự bị và sắp trở lại V.League để cứu rỗi sự nghiệp.
Không ai đánh thuế giấc mơ của bầu Đức nhưng rõ ràng những tài năng của HAGL chưa thể hoàn thành sứ mệnh đi “du học”. Họ chỉ có thể gây tiếng vang về hình ảnh, còn xét về chuyên môn và bóng đá thuần túy là thất bại.
Bầu Đức có lẽ không đánh giá đúng tài năng của “những đứa con cưng”. Sự vội vã và ảo tưởng cũng là nguyên nhân khiến cho những Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh không thể tiến lên một bước mới trong hành trình “du học”.
Tất nhiên, bóng đá không thể nói trước điều gì và không thể thành công ngay lập tức, khi những Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh gánh sứ mệnh lớn lao như thế.
“Không thành công cũng thành nhân”. Hy vọng sau bài học kể trên thì bầu Đức và bóng đá Việt Nam có thể chờ đợi một Đội trưởng Tsubasa “Việt” xuất hiện trong tương lai gần. Đó cũng có thể là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh khi họ còn trẻ và cơ hội xuất ngoại lần thứ hai là trong tầm tay.
5 cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu:
Lê Huỳnh Đức: CLB Lifan (Trung Quốc) vào năm 2001.
Lê Công Vinh: CLB Leixoes (Bồ Đào Nha) vào năm 2009 và Sapporo (Nhật Bản) vào năm 2013.
Nguyễn Tuấn Anh: Yokohama (Nhật Bản).
Nguyễn Công Phượng: CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản).
Lương Xuân Trường: CLB Incheon United (Hàn Quốc).