Theo thông tin mới nhất, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) gửi văn bản sang VTV để nói về chuyện hợp tác cùng nhau mua bản quyền truyền hình World Cup 2018. Đây được xem là động thái tích cực cho việc tháo gỡ “ca khó” mà VTV than liên tục trong mấy ngày qua về bản quyền World Cup.
Chung tay mua bản quyền World Cup 2018 cũng là cách mà các nước Đông Nam Á thực hiện. Thái Lan có 3 nhà đài TrueVisions, Amarin TV và Channel 5 cùng mua để phát sóng. Singapore có 3 hãng truyền thông lớn là Mediacorp, Singtel và StarHub chung tay mua.
Năm 2006, VTV cũng từng chủ động bắt tay với HTV để mua bản quyền truyền hình World Cup tại Đức. Lúc đó, VTV chịu 2/3 kinh phí, còn HTV chịu 1/3 kinh phí. Tuy nhiên, sau World Cup 2006 thì VTV không còn bắt tay làm như ngày xưa.
Sau hai kỳ World Cup liên tiếp không được mời gọi chơi chung, HTV bây giờ chủ động liên hệ VTV để cùng mua bản quyền truyền hình World Cup 2018. Tiếc rằng, họ chỉ liên hệ khi giải đấu còn 1 tuần nữa xảy ra, trong khi VTV khẳng định sẽ không mua bản quyền World Cup bằng mọi giá.
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao Việt Nam không làm được như Thái Lan, Singapore là các nhà đài cùng nhau mua bản quyền World Cup?
Nếu các nhà đài Việt Nam chọn cách làm như Thái Lan, Singapore ngay từ đầu thì tin rằng bản quyền World Cup 2018 đã không trở thành chủ đề nóng cho dư luận trong mấy ngày qua.
Phải chăng VTV muốn độc quyền? Và VTV muốn độc quyền thì tại sao than thở sẽ lỗ đến 90% nếu muốn bản quyền World Cup 2018? Thậm chí, VTV còn tiết lộ những kỳ Euro và World Cup thường lỗ 40-50%.
Nghe thật kinh khủng về khoản lỗ của VTV. Lỗ như thế mà sau World Cup 2006 thì họ không còn rủ HTV cùng chung tay để mua bản quyền World Cup. Hơi kỳ kỳ và khó hiểu?!
Một vấn đề khác là Việt Nam cũng có những nhà đài có thể chung tay mua bản quyền World Cup với VTV nhưng tại sao họ lại không làm. Ví dụ K+ độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh, VTVCab mua bản quyền Champions League. Hẳn nhiều người thắc mắc sao đến World Cup 2018 thì cả hai đài này không bắt tay với VTV để mua bản quyền truyền hình.
Thực ra, K+ và VTVCab giống như “hai đứa con” của VTV. Ví dụ, VTV kết hợp Canal Plus để cho ra đời K+ với 51% vốn. Tới đây, nhiều người có thể rõ là K+ và VTVCab đâu cần phải tham gia làm gì, họ chỉ cần “người mẹ” VTV mua được thì sẽ được tiếp sóng World Cup 2018.
Nói thẳng, người hâm mộ Việt Nam không hề xem chùa World Cup 2018, VTV là đài quốc gia, tức được nuôi bằng tiền thuế của người dân. Chẳng có gì gọi là phục vụ miễn phí ở đây cả. Ngay cả VTV có được bản quyền truyền hình mà chia sẻ cho K+ hay VTVCab thì những người xem hai đài này phải bỏ tiền để xem.
Chung quy, “miếng bánh” World Cup luôn là phi vụ béo bở, còn VTV được cho là đơn độc đàm phán nhưng Công ty Infront Sports & Media (ISM) đưa ra là quá cao. Tức chấp nhận giá cao thì VTV khó sinh được lãi lớn như World Cup 2014.
Giá như VTV rủ thêm các nhà đài khác như HTV để cùng chia “bánh” World Cup 2018 thì tin rằng 14 triệu USD không phải là “ca khó”. Vấn đề là thiếu sự chung tay nên xảy chuyện rối rắm như bây giờ.