Nhắc đến Học viện bóng đá HAGL, tôi nhớ lại câu chuyện hồi tháng 3 năm ngoái, HLV Park Hang Seo lên Gia Lai theo dõi trận đấu giữa HAGL và TPHCM. Ông Park nhân lúc rảnh ghé thăm cơ ngơi bóng đá của bầu Đức là Học viện bóng đá HAGL - JMG, trước kia được gọi là Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Ông Park rất thân thiện khi bắt tay từng cầu thủ nhí, xoa đầu và không quên gửi những lời khuyên cho các mầm non tương lai của bóng đá Việt Nam.
Cũng trong thời gian ông Park thăm Học viện bóng đá HAGL - JMG, Hàm Rồng là một trong những địa điểm thi đấu vòng loại giải U19. Ông Đoàn Nguyên Đức rất bận công việc nhưng vẫn dành thời gian đến cổ vũ các cầu thủ đàn em của lứa Công Phượng. Sau trận đấu, bầu Đức trò chuyện với các cầu thủ trẻ của HAGL: “Các cháu hôm nay thi đấu rất tốt. Nhớ phải cố gắng tập luyện thật tốt, cần gì thì bác lo. Năm nay, bác sẽ cho các cháu đi tập huấn ở châu Âu. Thời gian trước, bác gặp khó khăn nên các cháu bị thiệt thòi so với các anh (lứa Công Phượng) nhưng bây giờ sẽ khác. Các cháu chỉ cần chăm chỉ tập luyện, học tập thì bác sẽ cố gắng chăm lo thật tốt”.
Bầu Đức nói chuyện xong với các cầu thủ trẻ của HAGL, ông quyết định luôn chuyện tập huấn ở châu Âu. Bầu Đức nán lại bảo giám đốc điều hành CLB HAGL - ông Nguyễn Tấn Anh: Em lên kế hoạch và kinh phí đi tập huấn châu Âu cho các cháu đi nhé. Xong gửi cho anh.
Một ngày sau, bầu Đức tiếp tục có mặt ở Hàm Rồng. Từ căng tin của Học viện bóng đá HAGL, bầu Đức nhìn ra con đường dài đi vào Học viện, phía xa là những cậu bé mặc áo học sinh, đeo balo đi học về giữa ban trưa. Các cậu bé lên cất xong cặp sách, thay đồ để chuẩn đi tập bóng đá, bầu Đức liền gọi lại dặn dò: “Các cháu đá bóng phải nhớ không được cãi trọng tài. Bác ghét nhất là chuyện này. Cầu thủ dù đúng hay sai, có thể phân bua nhưng cấm cãi cự trọng tài. Vì các cháu đá bóng trên sân phải lễ phép. Trọng tài là người lớn tuổi hơn thì các cháu không được cãi cự. Làm như thế là thiếu văn hóa. Bác sẽ không chấp nhận điều này nếu các cháu để xảy ra trong tương lai.
Ngoài ra, bóng đá cần phải xác định rõ là không được đá xấu, đá láo. Đây là điều bắt buộc vì chơi như thế sẽ gây ra hình ảnh xấu trong mắt người hâm mộ. Năm ngoái, bác đã xử phạt một cầu thủ ở đội I HAGL vì có pha vào bóng nguy hiểm. Bác sẽ xử lý thật nặng, thậm chí là đuổi ngay nếu cháu nào hành xử thiếu chuẩn mực trên sân cỏ bằng cách đá xấu, đá láo”.
Chiều hôm đó, bầu Đức còn trực tiếp gặp động viên Tuấn Anh cần mạnh mẽ sau thời gian chấn thương. Bầu Đức gọi Tuấn Anh ra cùng xem U19 HAGL thi đấu và trò chuyện: “Con cố gắng lên nhé. Hôm qua con thi đấu tốt đấy. Bây giờ con mới trở lại sau chấn thương thì đừng gắng cày ải nhiều. Chú nghĩ con thi đấu ở mật độ vừa phải, quan trọng nhất là phải giữ gìn để không xảy ra chấn thương gì đáng tiếc”.
Chứng kiến bầu Đức nói chuyện với các cầu thủ nhí HAGL và Tuấn Anh thực sự tạo nên một sự ấn tượng quá lớn. Nhiều người vẫn hay đọc những phát biểu theo phóng cách nói thẳng, nói tuột đầy mạnh mẽ nhưng ít ai biết có một bầu Đức dạy dỗ cầu thủ giống như “người cha thứ hai”. Ông chắc chắn phải là một người rất yêu bóng đá, rất tình cảm và đề cao sự tử tế.
Người hâm mộ có thể kiểm chứng điều này qua phát biểu của cựu danh thủ Thái Lan Datsakorn Thonglao vào tháng 6 năm ngoái. Thonglao nói: “Về bầu Đức, bạn không thể so sánh ông ấy với bất kỳ ai. Ông ấy chăm sóc chúng tôi giống như một người bố chăm con mình. Ông ấy trông coi tất cả mọi thứ, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Ông ấy việc gì cũng muốn quan tâm tới. Đó thực sự là một người rất dễ thương và yêu bóng đá cuồng nhiệt. Chúng tôi là người Thái và càng được ông Đức yêu mến hơn”.
Chính tình yêu bóng đá rất lớn và chăm lo cho các cầu thủ như đứa con, bầu Đức trong thời điểm chuyện làm ăn bị khó khăn vẫn nhất định không buông bỏ bóng đá, dù bóng đá Việt Nam từng chứng kiến rất nhiều ông chủ bóng đá khác từng chia tay môn thể thao Vua vì chuyện kinh tế không tốt.
Trong thời điểm khó khăn, bầu Đức cũng từng từ chối để lại Học viện bóng đá HAGL cho người khác làm. Bầu Đức xác định Học viện bóng đá HAGL - JMG là một trong những tâm huyết lớn nhất trong cuộc đời nên luôn giữ lại, kể cả trong lúc gian nan nhất về chuyện làm ăn. Còn các cầu thủ giống như những đứa con và không cha mẹ nào bỏ rơi con. Đó chính là điều rất đặc biệt của bầu Đức với bóng đá: Yêu và cống hiến hết mình.
Cần nhắc, với Học viện bóng đá HAGL - JMG và đội HAGL thi đấu ở V.League, bầu Đức đang phải nuôi đến khoảng 200 con người. Kinh phí là cực lớn chứ không đơn thuần chỉ nuôi đội I đá V.League.
Thế mới thấy rằng, bầu Đức đã dốc tâm huyết, tình bạc và tình yêu để xây Học viện bóng đá và ông từng phải trải qua thử thách cực lớn để giữ lại “đứa con tinh thần”. Một trong những bài học rút ra từ câu chuyện của bầu Đức và Học viện bóng đá HAGL: Xây đã khó, giữ càng khó!.
Đó cũng là thông điệp dành cho bóng đá Việt Nam. Sự thành công dưới thời ông Park Hang Seo ghi nhận dấu ấn của bầu Đức rất lớn nhưng nếu không phát huy được thì cơ hội sẽ trôi đi, mọi thứ phải xây lại từ đầu. Hay câu chuyện của VPF sau 8 năm ra đời với sự chung tay rất lớn từ các ông bầu (trong đó có bầu Đức) nhưng mọi thứ trở đang rối ren với chính sự phản ứng từ bầu Đức. Nguyên nhân là VPF đang để cho một người giữ hai chức to nhất, đó lại là thành viên của VFF. Nên nhớ, VPF ra đời là một bước ngoặt lớn nhưng làm sao giữ cho đi đúng mục đích, góp phần tạo sức bậc cho bóng đá Việt Nam thì không dễ, cần phải có những người giỏi, tâm huyết chung tay. Đừng để trở thành “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” (lời của bầu Đức) với nhiều tranh cãi liên tục xảy ra.