Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Arsene Wenger: Nhà quản lý hoàn hảo của một đế chế lỗi thời

Nếu phải mua một chiếc xe cũ, David Dein - nguyên chủ tịch của Arsenal chắc chắn sẽ chọn Arsene Wenger. “Chiếc xe ấy sẽ không bao giờ hỏng. Nó chỉ khởi động vào buổi sớm, đi thẳng tới trung tâm huấn luyện và đề máy lần hai trong ngày trở về nhà”, trích lời Dein.

Trong trí nhớ của ký giả Xavier Rivoire - người có vinh hạnh được Arsene Wenger mời tới nhà riêng dùng bữa, căn nhà của HLV giàu quyền lực nhất làng cầu thế giới là một khối tinh khiết, một đại dương của sự tĩnh lặng.

Mọi vật dụng trang trí trong nhà đều một tay do bà Annie, vợ của Wenger sắm sửa. Đồ dùng thường thấy nhất trong nhà là những chiếc cốc espresso đã cạn, các mẩu giấy ghi chằng chịt nét chữ nguệch ngoạc của ông lão đã bước vào tuổi lục tuần và giá sách chi chít các tác phẩm kinh điển trên khắp thế giới. Wenger đơn giản là không có thời gian cho những thú vui tưởng như rất bình thường khác. Ông có báo cáo chuyển nhượng để phân tích, có băng hình để mổ xẻ và có sách để đọc.

Wenger là “một giáo sư” đích thực như biệt danh người ta dành cho ông. Đời ông quan trọng nhất là nghề huấn luyện, nhưng bóng đá lại không phải tất cả với Wenger. Ông không chỉ huấn luyện cầu thủ, ông còn huấn luyện nhân sinh quan của mình và trở thành một nhà quản lý hoàn hảo, kẻ nắm bắt được chuyển động của vạn vật xoay quanh.

Khi đã hiểu về con người Wenger, sẽ chẳng ai ngạc nhiên trước đế chế vững mạnh của ông tại Bắc London bất chấp thực tại, thành công đã ở xa Arsenal trong nhiều năm qua.

TƯ DUY CỦA MỘT THỢ CƠ KHÍ ĐỨC

Đức là quốc gia đi đầu trong công nghệ luyện kim, và cũng là lá cờ tiên phong ở ngành sản xuất xe hơi. Sự thông thái tới hoàn mỹ và tính kỷ luật tuyệt đối của người Đức giúp họ chế tạo ra những chiếc xe sở hữu chỉ số an toàn cao nhất.

Mang quốc tịch Pháp, nhưng chảy trong huyết quản Wenger là dòng máu Đức. Sinh ra ở Strasbourg, thủ phủ của Alsace ở phía Nam nước Pháp, giáp biên giới Đức, Wenger đã tiếp thu tất cả những gì tinh túy nhất của chủng tộc từng sẵn sàng chà đạp lên các giá trị nhân đạo để lấy danh xưng “thông minh nhất thế giới”.

Gia đình ông sống ở làng Duttlenheim, một cái tên đầy chất Đức với chỉ 2.500 nhân khẩu, hoạt động kinh tế dựa nhiều vào công tác nông nghiệp còn đời sống tâm linh gắn chặt vào chân giá trị của Thiên chúa giáo. Cũng dễ hiểu, vì ngôi làng ấy từng chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt của quân đội Pháp - Đức trong thế chiến thứ hai.

Tàn dư cuối cùng mà chiến tranh bỏ lại Duttlenheim là những chiếc 4 bánh trơ lõi thép từng được quân Đức trưng dụng. Ông bà Alphonse và Louise, cha mẹ của Wenger đã tận dụng đống sắt vụn ấy mở cửa hàng sửa chữa xe hơi. Tối về, họ tranh thủ kiếm thêm bằng việc kinh doanh quán rượu.

Với đức tính mềm mỏng và tấm lòng rộng mở của một người theo xu hướng trở thành công dân toàn cầu, ngay từ trẻ, Arsene Wenger đã đón nhận tri thức để chúng ngấm dần và kết tinh thành phẩm chất của một vị giáo sư bóng đá.

Wenger dành phần lớn tuổi thơ trong quán rượu ấy, và hóa ra, cái quán rượu lụp xụp kia đã vô tình mở ra ngã rẽ trong cuộc đời Wenger. Ông là chuyên gia tâm lý, giỏi chịu đựng trước những lời gièm pha hay dè bỉu, vì từ lúc lên 5 tuổi, Wenger đã tiếp xúc với đủ loại người, chứng kiến con người có thể độc ác và nhẫn tâm với đồng loại ra sao khi xuất hiện bất đồng chính kiến. Ông lắng nghe người ta nói về bóng đá, bàn luận về đội hình xuất phát và cách dụng nhân của HLV từ đám đông ồn ào mượn hơi rượu để nói chuyện ngoài kia.

Thế nên, dù bắt đầu tập luyện bóng đá khá muộn (9 tuổi), bị đánh giá là quá chậm cho vị trí tiền vệ lúc 12 tuổi ở CLB địa phương AS Mutzig, Wenger vẫn kiên quyết đi theo con đường bóng đá mặc cho những rào cản từ gia đình và dị nghị từ hàng xóm - những người không xem bóng đá là nghề nghiệp tử tế.

Không đá bóng hay, nhưng Wenger phù hợp ở vai trò nhà quản lý thể thao. Ông muốn biết mọi thứ, từ chiến thuật tới tâm lý. Wenger tự tìm tới bên kia biên giới trong giai đoạn cực thịnh của bóng đá Đức (thập niên 1970) và tìm hiểu gốc rễ của một nền bóng đá cực thịnh. Trên đường đi, ông chỉ ăn sandwich và uống cafe chứ tuyệt nhiên không đụng tới giọt đồ uống có cồn nào vì muốn hình thành thái độ làm việc chuyên nghiệp.

Wenger cũng mở rộng tấm lòng, đón nhận những tranh cãi sau chiến tranh theo chiều hướng tích cực và thái độ mềm mỏng hơn để trở thành công dân toàn cầu. “Tôi sinh ra với sứ mệnh phải ghét nước Đức. Nhưng khi tới Đức, tôi thấy mưu cầu của con người ở đấy chỉ là hạnh phúc mà thôi. Thật ngu ngốc khi ghét nước Đức”, Wenger chia sẻ trên tạp chí FourFourTwo. Có như vậy thì dù ở đâu đi chăng nữa, Wenger cũng mới tồn tại được.

QUÝ NHÂN PHÙ TRỢ

4 năm sau, Wenger chuyển tới Mullhouse, CLB vừa nhận giấy phép lên chuyên nghiệp. Họ trả cho Wenger 50 euro/tuần. Mỗi lần lái xe từ Strasbourg tới đại bản doanh mất 1 tiếng nên Wenger tiện công đôi việc, đăng ký theo học khoa kinh tế học ở ĐH Tổng hợp Strasbourg. Tại đây, ông được nhận vào đội tuyển bóng đá sinh viên trường.

Năm 1976, Wenger tới Uruguay tham giải vô địch sinh viên thế giới. Mặc dù dính chấn thương và biết trước không đủ thể lực ra sân song Wenger vẫn một mực đòi theo đội. Bởi ông thừa hiểu, thành công trong lĩnh vực bóng đá chưa bao giờ phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm thi đấu. Đó có thể là những bài học ngoài đường pitch, những điều không sách vở nào dạy cho ta.

Công việc hàng ngày của Wenger ở giải năm đó là thu dọn dụng cụ tập luyện, góp ý vào hệ thống chiến thuật dưới góc độ của người quan sát và pha trò cười sau những buổi tập vất vả. Jean-Luc Arribart, đội trưởng trường ĐH Strasbourg kể lại: “Tới cuối giải năm ấy, tất cả đều nhận ra Wenger đã nắm giữ vai trò quan trọng trong thành phần huấn luyện. Ông ấy là một trợ lý không chính thống”.

Quay trở lại cuộc sống ở Mullhouse, Wenger gần như không thể chen chân vào đội hình. Ngay vào lúc Wenger sắp sửa rời đi, đội thay HLV trưởng, là Paul Frantz - thuyền trưởng của RC Strasbourg trong những năm 60 và tất nhiên, ông ta là đồng hương với Wenger.

Thế giới của Arsene Wenger trong veo và tinh khiết, nơi không để những tạp chất phù phiếm làm ô nhiễm. Với ông, bóng đá là một môn khoa học nghiêm túc và đầy say mê.

Những điểm chung giữa hai người nhanh chóng được hình thành. Họ cùng đi chung chuyến xe hàng ngày tới Mullhouse và hàn huyên về ti tỉ thứ trong bóng đá. Rồi Wenger được tin tưởng giao phó trọng trách “phát ngôn viên”, thay mặt Frantz truyền tải ý tưởng tới cầu thủ.

Song rốt cuộc, Wenger cũng rời đi. Phần vì mệt mỏi với việc phải di chuyển quá xa hàng ngày, phần vì người thầy, người bạn tâm giao Frantz đệ đơn từ chức sau khi giúp Mulhouse tránh xuống hạng.

Song sự kiện ấy chẳng những không đóng sập cánh cửa mà còn mở ra cơ hội khác cho Wenger. AS Vauban, một đội bóng mới nổi, giàu tham vọng ở Strasbourg mời Max Hild - HLV trưởng của Mutzig, CLB đầu tiên của Wenger. Hild gọi Wenger về đội và cả hai một lần nữa trải qua những ký ức tươi đẹp.

RC Strasbourg quyết định mời Hild về phụ trách đội hình B (chơi ở giải hạng Nhì Pháp). Mặt khác, đội một vừa giành quyền dự UEFA Cup nên Hild được yêu cầu di chuyển khắp châu Âu để nghiên cứu đối thủ. Sợ không thể cáng đáng quá nhiều công việc nên Hild đề xuất đưa Wenger về trám vào chỗ trống ông bỏ lại. 28 tuổi, Wenger kết thúc sự nghiệp cầu thủ chẳng mấy ấn tượng, nhưng bắt đầu sự nghiệp huấn luyện đầy huy hoàng sau này.

Phần việc đầu tiên Wenger chuẩn bị, là học tiếng Anh. Phải có tiếng Anh thì mới có thể tiếp cận với nguồn tài liệu khổng lồ về bóng đá trên toàn thế giới, Wenger đã nghĩ như thế. Vì vậy mùa hè đầu tiên ở RC Strasbourg, Wenger tới Cambridge (Anh) thay vì di chuyển cùng bạn bè tới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Cô phục vụ gọi ăn sáng cho Wenger ở khách sạn Cambridge tình cờ là giáo viên tiếng Anh tại tòa nhà gần đó. Suốt khóa học ngắn hạn 3 tuần, Wenger đã ngồi chung bàn với những em học sinh chỉ 12-13 tuổi. Trở về nhà, Wenger lùng mua tiểu thuyết tiếng Anh, kè kè cuốn từ điển bên cạnh và gạch chân ghi chú bất kỳ từ nào ông không hiểu.

Năm 1979, RC Strasbourg vô địch quốc gia. Ít lâu sau, Hild lên làm HLV trưởng đội một. Quyền lực về tay Wenger ngày một dày lên. Ông sẵn sàng lái 600 dặm chỉ để tìm ra những viên ngọc thô. Ông có cơ chế riêng do Hild xin BLĐ đội là được phép có mặt ở sân đấu 2 tiếng trước giờ bóng lăn, đứng dưới mưa ở khu vực tác nghiệp của phóng viên sau cầu môn và về nhà ngay trong đêm.

“Tôi 31 tuổi, là một HLV trẻ. Tôi làm đủ thứ, từ trợ lý HLV, tuyển trạch viên, chuyên gia tâm lý… Nền giáo dục bóng đá tuyệt vời nhất từng biết”, Wenger nói.

ẢNH HƯỞNG PHƯƠNG ĐÔNG

Wenger tiếp tục kinh qua AS Cannes, Nancy và Monaco. Ở đâu, ông cũng để lại ấn tượng tốt đẹp. Là người đàn ông bừa bộn, ăn mặc luộm thuộm sống trong căn hộ 3 phòng chỉ có TV và đầu đĩa là tài sản quý giá nhất. Ông là HLV đầu tiên chú trọng tới phác đồ điều trị vật lý và tâm lý cho cầu thủ cho trận đầu. Ông cũng là HLV duy nhất quan tâm tới thực đơn dinh dưỡng, điều chỉnh nhiệt độ nước sôi giúp quá trình chuyển hóa thức ăn diễn ra nhanh hơn, hạn chế thịt đỏ và khuyến khích cầu thủ ăn ức gà cùng cá.

Nhưng cho tới bây giờ, không nhiều người biết rõ đằng sau quyết định tới Nhật Bản, một nơi xa xôi và chứa đựng nhiều điều huyền bí với một người đàn ông phương Tây khi ông ta đang bắt đầu gặt hái đỉnh cao ở lục địa già.

Cuối năm 1994, Wenger bay sang UAE tham dự hội thảo phân tích kỹ thuật World Cup 1994 do FIFA tổ chức, quy tụ các HLV và chuyên gia bóng đá trên khắp thế giới. Trong đoàn đại biểu châu Á có một phái đoàn tới từ Nhật Bản, đất nước mới thành lập giải VĐQG chuyên nghiệp cách đó 12 tháng.

Ở Nhật, CLB bóng đá được bảo trợ bởi các công ty tư nhân hoặc tập đoàn đa quốc gia và đại diện của hãng xe Toyota - nhà tài trợ cho Nagoya Grampus tiếp cận Wenger. Năm đầu tiên J.League thành lập, Nagoya đứng bét bảng. May cho họ là không phải xuống hạng (chưa có giải hạng Nhì ngày ấy) nên chủ đầu tư Toyota đồng ý tài trợ tiếp.

Lời đề nghị chính thức được đưa ra. Wenger có đôi chút nghi ngờ nhưng sau cùng vẫn gật đầu đồng ý. Dường như, vụ việc Marseille tổ chức dàn xếp tỷ số để giành ngôi vô địch Ligue 1 làm chấn động làng cầu thế giới đã thôi thúc Wenger tìm về miền đất mới. Bởi chính Wenger và Monaco là nạn nhân của trò mua bán bẩn thỉu ấy khi họ liên tiếp bị Marseille vượt mặt. Mọi lời xin lỗi mà liên đoàn đưa ra, thậm chí cả án phạt giáng xuống hạng Nhì dành cho đội bóng thành phố Cảng cũng không làm Wenger nguôi ngoai.

Nagoya là thành phố công nghiệp trọng điểm ở Nhật, sở hữu bến cảng lớn nằm sát Thái Bình Dương. Gary Lineker từng chơi bóng ở đây trước khi Wenger cập bến. Mục tiêu Toyota đặt ra chỉ đơn giản là Wenger hãy giúp CLB thua ít hơn.

Wenger đã thẩm thấu những giá trị Á Đông để rèn luyện tính kiên nhẫn, luôn biết lắng nghe và buông xả tuyệt đối vì công việc và lý tưởng.

Hợp đồng đầu tiên của Wenger tới theo đúng phong cách của HLV này: Chăm chỉ theo dõi băng hình, đủ các giải bóng đá khắp hành tinh. Một đêm ở khách sạn, Wenger xem giải VĐQG Brazil và dành sự quan tâm tới một gương mặt, là Alexandre Torres, con trai của huyền thoại Carlos Alberto từng vô địch World Cup 1970.

Cứ thế, ông từng bước xây dựng kỷ nguyên của mình tại xứ sở Hoa anh đào, mà đầu tiên là tuyển chọn tìm thông dịch viên. Chính từ đây, cuộc sống ở Nhật Bản đã giúp Wenger phát hiện ra những bài học mang ý nghĩa cuộc sống vượt khỏi thế giới bóng đá nhỏ hẹp, từ đó hình thành những vũ khí độc nhất giúp ông tồn tại ở thế giới đầy rẫy cạm bẫy ấy.

Trong một buổi nói chuyện với nhóm các doanh nhân thành đạt hồi 2013, Wenger thổ lộ ông luôn ao ước có một cầu thủ Nhật Bản trong đội hình. Ngày ở Wenger Nagoya, tất cả đều có ý thức duy trì cân nặng.

Trước buổi tập, từng người đứng lên bàn cân và chủ động xin về nếu cân nặng vượt quá mức quy định. Nếu Wenger bảo cả đội chạy 10 vòng quanh sân khởi động, họ sẽ chạy gấp 10 lần mà chưa cần nghe Wenger nói hết câu. Ở châu Âu là câu chuyện khác. HLV phải nài nỉ cầu thủ khởi động.

Phiên tập được Wenger rút xuống còn 90 phút. Lần đầu tiên trong đời, ông chủ động cắt còi và cất quả bóng khỏi tầm mắt của cầu thủ vì họ tập hăng quá, nhiệt quá. Chăm chỉ, tự giác và quyết tâm cao độ là bài học đầu tiên người Nhật dạy Wenger.

Bước ngoặt khác cũng tới trong năm đầu tiên cầm quân. Nagoya thua tới 7/8 trận đầu mùa, đẩy Wenger vào trạng thái sẵn sàng đón nhận trát sa thải khi bị gọi vào phòng chủ tịch. Nhưng ông không khỏi bất ngờ trước phán quyết của chủ tịch: Đuổi việc phiên dịch viên làm việc cho Wenger.

Ông không biết tiếng Nhật, thứ ngôn ngữ vô cùng khó nhằn. Bảng chữ cái kanji có tới hơn 2.000 ký tự, khiến người Nhật mất tới 14 năm để thuộc hết mặt chữ và cách ghép chữ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể đọc báo nếu chỉ biết tới vậy. Huống chi là Wenger tới từ hệ thống ngôn ngữ La tinh. Thời xưa, thời báo Nhật Bản là ấn phẩm duy nhất Wenger đọc, vì nó viết bằng tiếng Anh.

Do đó, trong các buổi họp báo, cánh phóng viên bản địa có chửi Wenger là vô dụng, ông cũng không hiểu và vui vẻ tiếp họ vào buổi sáng hôm sau. Nagoya muốn sa thải phiên dịch của Wenger vì anh này đã cố tình bỏ qua những chỉ trích nhằm vào Wenger (do lo ngại làm HLV này tự ái) trong quá trình phiên dịch.

Nhưng cũng nhờ câu nói ấy mà Wenger được dịp mở to mắt, hiểu hơn về sức mạnh của truyền thông và tìm ra cách ứng phó. Thật ra, cách dễ nhất để xử lý những câu hỏi hay phán xét của dư luận là… ngó lơ chúng. Vì Wenger không hiểu tiếng Nhật nên không hề biết rằng ngoài kia, người ta đang bĩu môi chê bai ông.

Bóng đá đang phát triển nhanh chóng và đội bóng của Arsene Wenger đang tụt hậu. Nhưng lạ kỳ thay, chính sự tụt hậu đó lại hoàn thiện phẩm chất lỗi lạc ở vị Giáo Sư bóng đá.

Bỗng dưng, cuộc đời bớt nặng gánh, gạt thêm một nỗi lo và chuyên tâm vào nhiệm vụ. Tốt nhất là làm tốt công việc của mình và mặc kệ những ai không giúp công việc mình tốt lên. Mà bạn biết rồi đấy, phần quan trọng trong công tác huấn luyện tại Premier League là đối mặt với giới săn tin.

Bài học thứ ba của Wenger ở Nhật, là lắng nghe. Cấu tạo phức tạp của ngữ pháp Nhật buộc Wenger phải lắng nghe, theo nghĩa đen hoàn toàn, nếu muốn hiểu ý của người đối diện. Nếu người Anh nói “Tôi uống nước” thì người Nhật diễn giải “Tôi nước uống”. Động từ luôn đứng cuối cùng nên bạn sẽ không bao giờ hiểu nhu cầu của người nói nếu không học tính kiên nhẫn, nghe hết câu.

Đây có lẽ là vũ khí lợi hại nhất của Wenger. Ông không bao giờ ngắt lời, cũng không chêm ngang mà sẽ nghe tới cuối. Giới chủ kính trọng Wenger, cầu thủ nghe lời Wenger, đồng nghiệp nể phục Wenger vì Wenger luôn tiếp thu, lắng nghe từng ý kiến dù là nhỏ nhất. Một thái độ tôn trọng cơ bản mà rất ít người duy trì được.

Arsenal không mạnh hơn Man City, Chelsea hay Man Utd. Danh hiệu đã là khái niệm xa xỉ với Pháo thủ lẫn Wenger. Càng khó cho Wenger khi đặt ông lên bàn cân với Pep Guardiola trong cuộc đấu đêm nay.

Nhưng Arsenal càng tụt hậu trên mặt trận chuyên môn thì vị thế của Wenger càng cao bởi ông sống bằng tình yêu nghề, sự tận tụy trong công việc, bằng kinh nghiệm, bằng kỹ nghệ xử lý tình huống đạt tới đỉnh cao và đặc biệt, là vốn hiểu biết khổng lồ về thế giới.

BÓNG ĐÁ KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ

Wenger từng dành 1 tháng ở Hungary để tìm hiểu về thực thể nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông theo dõi các cuộc tranh luận chính trị và thường xuyên đóng góp ý kiến vào các diễn đàn.

Ông là nhà hoạt động thiện nguyện tích cực, với những tuyên bố gai góc về quyền con người cũng như các bất công trong xã hội: “Mọi người chấp nhận hiện thực 50 người nắm trong tay 40% tài sản toàn thế giới và gọi đó là xã hội công bằng ư? Thế còn 2 tỷ người chỉ có 2 USD để trang trải cuộc sống mỗi ngày thì sao?”.

Tủ sách của Wenger trải dài trên nhiều chủ đề: Lịch sử, văn học, địa lý, chính trị - viết bằng hai ngôn ngữ là Anh và Pháp. Có những công trình khoa học về Đức giáo hoàng Julius Ceasar, có cả những cuốn kinh điển của Jerremy Paxman.

Một người bận rộn như Wenger tại sao vẫn dùng quỹ thời gian ít ỏi còn lại cho những mối bận tâm đầy tính bác học? Đúng là bóng đá đã cho Wenger rất nhiều thứ, nhưng không phải tất cả. Bóng đá đã có lúc đưa Wenger xuống vực thẳm. Vụ Bernard Tapie, cựu chủ tịch của Marseille đứng ra dàn xếp tỷ số, thông đồng bán độ với nhiều cầu thủ trong đội hình Monaco thời Wenger tại vị là ví dụ.

Hay là kỷ niệm bị Monaco sa thải vì vài trận đấu không tốt ít lâu sau khi CLB Công quốc thẳng thừng từ chối đề nghị của Bayern và tha thiết giữ Wenger ở lại. “Nếu ngày mai không còn bóng đá, tôi sẽ làm gì? Thức dậy và tự hỏi phút tiếp theo là gì ư? Sống là có mục tiêu, không chỉ một mà là nhiều”. Wenger luôn làm bản thân bận rộn vì lẽ ấy.

Wenger cũng từng thổ lộ, CĐV là tuýp người dễ phản bội nhất. Họ sẽ ca ngợi bạn khi thắng và vùi dập bạn khi thua. Sau trận hòa 1-1 năm 1998 với Middlesbrough, Wenger trả lời BBC trước phản ứng gay gắt từ các khán đài : “Thật khó bắt ai đó ăn xúc xích sau quãng thời gian dài họ toàn ăn trứng cá muối”.

Nói về Wenger, vì thế, không nên và không thể nói về một chiến lược gia đơn thuần. “Wenger còn hơn một HLV bóng đá”, Thierry Henry trả lời Guardian.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo BĐ&CS

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi