Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

30 tỷ đồng cho Ánh Viên và 'cơn bão giá'

Có một điều vượt xa tưởng tượng của người hâm mộ là số tiền đầu tư cho Ánh Viên trong 7 năm có thể thấp hơn thu nhập của tiền vệ tuyển Việt Nam.

Đó là mức phí được đồn đoán trong thời gian qua dành cho tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức. Tiền vệ giành QBV Việt Nam 2023 được cho nhận phí lót tay vào khoảng 30 tỷ đồng/3 năm ở đội hạng Nhất, trong khi CLB Viettel không thể giữ chân Hoàng Đức dù có thông tin muốn chi 8 tỷ đồng/năm.

Bóng đá Việt Nam thực sự đang đứng trong "cơn bão giá" về mức phí dành cho các cầu thủ. Một loạt ngôi sao xuống đá giải hạng Nhất và nhận mức lót tay cao ngất ngưởng. Nhìn rộng hơn, chuyện cầu thủ bây giờ nhận tổng số tiền lót tay, tiền lương, tiền thưởng trên 1 triệu USD đã xuất hiện ở nhiều đội bóng. Điển hình có Tuấn Hải, Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm, Quang Hải, Nguyễn Filip... Một loạt cầu thủ có phí lót tay 5 tỷ/năm cũng xuất hiện ở nhiều CLB.

Mức phí chuyển nhượng của các cầu thủ Việt Nam đang tăng một cách đột biến, trong khi thành tích của bóng đá Việt Nam sa sút không phanh. Một số dẫn chứng như sau:

U20 Việt Nam phải vắng mặt tại VCK U20 châu Á sau 17 năm. Các đội trẻ và đội tuyển Việt Nam đều thua Indonesia từ sân chơi khu vực đến châu lục. Tuyển Việt Nam lần đầu bị loại từ vòng bảng Asian Cup...

Ở sân chơi chuyên nghiệp, nghịch cảnh diễn ra là nhiều đội bóng suýt rơi vào cảnh "chết chìm" trước khi được giải cứu ở giải hạng Nhất 2024/2025. Về số đội bỏ cuộc chơi, 7 CLB chuyên nghiệp đã không thể dự giải hạng Nhất và V.League trong 3 năm qua.

Cựu giám đốc kỹ thuật CLB Bình Định - Jernej Kamensek đưa ra một ví dụ đáng suy ngẫm, đó là trường hợp Công Phượng được trả 24 tỷ/3 năm thì đủ để một CLB trẻ ở châu Âu có thể huấn luyện 100 cầu thủ trẻ/năm. Có thể nhìn sang Hoàng Đức, Văn Lâm, Quang Hải, Tuấn Hải cũng thế. 

30 tỷ đồng cho Ánh Viên và 'cơn bão giá' Ảnh 1
Có một điều vượt xa tưởng tượng của người hâm mộ là số tiền đầu tư cho Ánh Viên trong 7 năm có thể thấp hơn thu nhập của tiền vệ tuyển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thị Ánh Viên

Có một ví dụ để nhìn về quan điểm đầu tư tiền cho thể thao của Jernej Kamensek, đó là tiền đầu tư cho Ánh Viên đi tập huấn ở nước ngoài từng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. "Tiểu tiên cá" được đầu tư hơn 30 tỷ trong 7 năm sang Mỹ tập huấn từ năm 2012 đến 2019. Số tiền này có thể thấp hơn tổng mức phí cho Hoàng Đức trong 3 năm ở đội hạng Nhất. Không ít ý kiến từng tiếc nuối khi Ánh Viên không có thành tích Olympic với quan điểm được đầu tư hơn 30 tỷ, dù cô trở thành huyền thoại Đông Nam Á với 25 HCV SEA Games, 2 HCĐ Asiad, 1 HCV Olympic trẻ... 

Bóng đá luôn có chỗ đứng riêng trong thể thao nên câu chuyện tiền bạc chắc chắn khác biệt, đó là xu thế chung của thế giới. Nhưng vấn đề của bóng đá Việt Nam là chưa thể lấy bóng đá nuôi bóng đá. Và khi nói về giá trị tốt đẹp theo đúng nghĩa tinh thần thể thao, Ánh Viên đã có một chỗ đứng riêng biệt. Ánh Viên đã tạo ra hiệu ứng cho cả xã hội về môn bơi. Chỉ bàn về chuyện Ánh Viên phổ cập môn bơi cho các em nhỏ để đẩy mạnh việc phòng chống đuối nước, ý nghĩa đã không thể nào đong đếm.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng đầu tư hơn 30 tỷ để có một huyền thoại Ánh Viên, nhìn ở nhiều góc độ đều tốt cho thể thao Việt Nam hơn chuyện trả cho một cầu thủ vài chục tỷ trong 3 năm. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất