Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

3 câu chuyện cảm động sau đêm lịch sử Luzhniki

Còn rất nhiều góc cạnh khác của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mà không nhiều người để ý. Ba câu chuyện dưới đây của ba nhân vật xuất hiện trong trận chung kết là ví dụ.

20 NĂM THẤT NGHIỆP & HÀNH TRÌNH THĂNG TIẾN CHÓNG MẶT

Nestor Pitana, trọng tài bắt chính trong trận chung kết World Cup 2018, gây ấn tượng bởi vẻ ngoài cao lớn và nghiêm nghị. Vị vua áo đen người Argentina được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn sau khi bắt trận khai mạc giữa Nga - Saudi Arabia và trận tứ kết Pháp - Uruguay. Pierluigi Colina, chủ tịch trọng tài của FIFA, gọi Pitana là “một tảng đá”, người không bao giờ bị lung lay bởi những tác động bên ngoài.

Trước khi bước lên đỉnh cao của nghề cầm còi, Pitana đã trải qua gần 20 năm không có nghề nghiệp ổn định. Ông vốn là một giáo viên làng ở Corpus Christi, thuộc vùng biên giới Argentina và Paraguay. Pitana cũng từng làm cầu thủ bóng rổ, nhân viên bảo vệ vũ trường, nhân viên cứu hộ ở Buenos Aires. Nhờ thân hình to cao và gương mặt góc cạnh, Pitana còn được mời làm diễn viên đóng vai… tù nhân trong bộ phim hành động “La Furia” ra mắt năm 1997.

Trọng tài Nestor Pitana trải qua gần 20 năm không có nghề nghiệp ổn định rồi nhanh chóng thăng tiến với đỉnh cao là bắt chính trong trận chung kết World Cup 2018.

Bước vào nghề cầm còi muộn hơn so với hầu hết các đồng nghiệp nhưng Pitana lại nhanh chóng thăng tiến. Ông luôn được phân công bắt những trận đấu căng thẳng nhất của Argentina, trong đó đương nhiên có trận “Siêu kinh điển” giữa River Plate và Boca Juniors.

Phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất của Pitana chính là sự kiên định. Ông chưa bao giờ dao động trước sự máu lửa và những lời lăng mạ từ CĐV. Trọng tài Argentina cũng là người rất thận trọng, điều mà tất cả chúng ta đã thấy ở trận chung kết World Cup 2018 khi ông mất đến hơn 1 phút để tham khảo công nghệ VAR tình huống chạm tay trong vòng cấm của Perisic.

Một quá khứ với đủ dạng nghề nghiệp từng làm giúp cho Pitana có một vốn sống dày dạn và độ hiểu biết tâm lý con người phong phú. Đó chính là những yếu tố quan trọng để ông luôn làm chủ được những tình huống phức tạp trong sân cỏ.

THỜI ẤU THƠ LUÔN TÌM KIẾM BÌNH AN

Quê hương của Mario Mandzukic, thành phố Slavovski Brod ở miền Đông Croatia, nổi tiếng bởi pháo đài Tvrdava Brod được xây dựng theo phong cách Baroque từ thế kỷ 18. Tiền đạo người Croatia, giống như đa số các đồng đội của mình, buộc phải rời quê hương thưở ấu thơ do cuộc nội chiến. Năm Mandzukic 6 tuổi, anh cùng với gia đình di tản sang thành phố Ditzingen của Đức, nơi cha của Manduzkic chơi bóng cho đội bóng địa phương TSF Ditzingen và Mario sớm nối tiếp con đường đó.

Không biết tiếng Đức, Mandzukic đã bật khóc khi được bố mẹ cho đi học. Nhưng rồi khả năng ngôn ngữ của Super Mario tiến bộ dần, tỷ lệ thuận với tài năng phát lộ trên sân bóng.

Khi Mandzukic và gia đình bắt đầu quen với cuộc sống trên đất Đức thì giấy phép cư trú của họ hết hạn. Họ đã làm mọi cách để ở lại nhưng không được. Cậu bé 10 tuổi Mandzukic lại chấp nhận một cuộc thiên di trở về quê hương. Ký ức đó để lại trong tiền đạo Croatia một nỗi bất an cho đến mãi sau này như anh thừa nhận: “Tôi luôn có cảm giác rằng tấm chăn đắp trên người sẽ bị kéo ra khi tôi đang ngủ”.

Với 1 người trải qua tuổi ấu thơ bất ổn như Mandzukic không khó hiểu khi anh luôn là 1 tiền đạo chạy không biết mệt trên sân.

Mandzukic đem tâm trạng bất an đó vào sân cỏ. Anh luôn cho thấy một sự bồn chồn khó hiểu khi không có bóng. Là một trung phong nhưng Mandzukic ít khi chờ đợi, anh luôn săn tìm quả bóng bằng tất cả lòng khát khao như để bù đắp một thời ấu thơ luôn tìm kiếm sự bình an.

Trong một khoảnh khắc ở trận chung kết, Lloris có lẽ đã bị tinh thần của Mandzukic làm cho “mê muội”. Thật khó tin rằng thủ thành giàu kinh nghiệm như Lloris lại mắc một sai lầm ngớ ngẩn đến thế trong bàn thua thứ hai của ĐT Pháp. Nhưng cũng phải nói rằng đó là một nỗ lực của Mandzukic, người không chỉ mang trong mình nỗi bất an từ thưở thiếu thời mà còn cả sự ân hận từ bàn phản lưới nhà đầu trận.

NỖI ÁM ẢNH LẠC LOÀI TRUI RÈN TÍNH CÁCH NGANG TÀNG

Dejan Lovren, kém Mandzukic 3 tuổi, cũng di cư sang Đức cùng gia đình trong cuộc nội chiến làm hơn 100.000 người thiệt mạng.

Lovren và gia đình sống ở làng Kraljeva Sutjeska, cạnh thành phố Zenica, một cao điểm trong cuộc nội chiến Nam Tư. Khi chiến tranh lan đến Zenica, ngôi làng nhỏ của Lovren cũng phải chịu chung cảnh tàn khốc. Hậu vệ của Liverpool nhớ lại: “Những điều khủng khiếp nhất xảy ra hàng ngày. Người anh em của chú tôi bị giết bằng dao ngay trước nhà tôi.”

Tuổi thơ của Lovren bị ám ảnh bởi tiếng còi báo động. Hậu vệ Liverpool vẫn nhớ cảnh mẹ anh đưa các con xuống hầm ngầm và chờ đến khi còi báo động kết thúc. Ác mộng chỉ tạm qua đi khi gia đình Lovren bỏ lại mọi thứ, quyết định di cư sang Đức.

Chuyến đi 500 dặm trong 17 giờ đưa cậu bé Lovren đến một vùng đất hoàn khác: thành phố Munich. Lovren kể lại: “Chúng tôi gặp may khi cả nhà có giấy tờ sang Đức vì ông tôi làm việc ở đây. Có một lần bạn học đồng hương của tôi khóc òa lên trong lớp vì cha cậu ấy đã chết ở Croatia, tôi tự nhủ rằng cha mình rất có thể cũng như vậy nếu như cả gia đình tôi không được sang Đức!”.

Nhưng cuộc sống không bao giờ dễ dàng với những người tị nạn. Cứ 6 tháng một lần, gia đình Lovren lại đối diện với nỗi lo bị trục xuất. Rồi đến một ngày, thông báo chiến tranh kết thúc và gia đinh Lovren phải về nước cũng tới.

“Tôi bị hẫng thật sự, tôi lớn lên ở Đức, giữa những người bạn Đức. Tôi bắt đầu chơi bóng ở đây, tôi vẫn còn giữ tấm ảnh với Lothar Matthaeus và Bixente Lizarazu. Thế rồi mọi thứ đột nhiên kết thúc. Tôi trở về Croatia khi đã 10 tuổi và phải tập thích nghi từ đầu. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nói tiếng Croatia pha giọng Đức!” - Lovren kể lại.

Lovren thành 1 cầu thủ không bao giờ gục ngã nhờ những năm tháng đấu tranh bền bỉ khi còn nhỏ.

Lovren lớn lên với nỗi ám ảnh lạc loài và mất mát. Anh bị xa lánh bởi chính những cậu bé đồng trang lứa ở Croatia, với câu hỏi “Tại sao nó lại nói giọng khác với chúng ta?”. Bên cạnh đó, từ một cuộc sống no đủ ở Munich nơi cha Lovren làm HLV một đội bóng thiếu nhi, gia đình anh phải chấp nhận một cuộc sống khó khăn hơn nhiều khi trở lại Croatia. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Lovren là lần mẹ anh bật khóc khi phải bán đôi giày trượt băng yêu thích của cậu con trai vì nhà hết tiền.

Những ký ức đó để lại trong lòng Lovren một sự tổn thương sâu sắc. Nó hình thành trong Lovren một thứ gì đó giống như là sự bất mãn và phản kháng thường trực. Sau này, anh được nhớ đến như một hậu vệ cứng rắn, ngạo nghễ, bướng bỉnh và không chịu khuất phục. Lovren từng bị loại khỏi đội hình Croatia tại EURO 2016 vì bất đồng với HLV Ante Cacic.

Năm 2018 là một năm đáng nhớ với hậu vệ này. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, anh thất bại trong hai trận chung kết lớn nhất của đời cầu thủ: chung kết Champions League và chung kết World Cup. Nhưng chúng ta không bao giờ thấy hậu vệ tự nhận mình là “xuất sắc bậc nhất thế giới” gục ngã, bởi những thứ có thể làm Lovren gục ngã đã ở lại phía sau.

Cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ mà không ai có thể đoán định được. Những câu chuyện của Pitana, Mandzukic và Lovren có thể để lại cho bạn một bài học nào đó. Bất chấp xuất phát điểm như thế nào và từng phải chịu nỗi đau ra sao, chúng ta hoàn toàn có thể vươn đến thành công từ chính những thứ mà chúng ta muốn quên đi nhất. Cuộc sống không phải chỉ toàn màu hồng, không có con đường nào đến vinh quang trải toàn nhung lụa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo BĐ&CS

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?