Liên quan đến sự việc trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả gây xôn xao trong ngành giáo dục cũng như dư luận những tháng vừa qua thì mới đây, nhiều chuyên gia đã nêu lên ý kiến và cho rằng, cần công khai danh tính những người sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô.
Theo báo Thanh Niên, GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) cho biết, ở Mỹ, việc mua bán bằng cấp là tội hình sự. “Tôi ủng hộ việc công khai danh tính những người mua bằng của trường ĐH Đông Đô để chuyện này không thể xảy ra trong tương lai nữa”, GS Trương Nguyện Thành cho biết.
TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng khi đã biết chính xác số lượng người được cấp bằng mà không qua đào tạo ở trường ĐH Đông Đô, tiếp theo hoàn toàn có thể xác định danh tính. Việc đối chiếu, kiểm tra có thể dựa trên nhiều dữ liệu như phiếu thu tiền đầu vào, quyết định cấp bằng, danh sách in bằng...
Theo TS Vinh, nên công khai danh tính với những trường hợp biết cái sai ở trường nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua bằng. Thậm chí có thể liệt kê cả cơ quan, trường học mà những người này mua bằng để “chạy” vào. Với những trường hợp không biết chất lượng giảng dạy kém - những người bị lừa - thì không nên công khai. TS Vinh cho rằng công khai ở đây là để răn đe, nhưng trước đó phải được phân loại và phân tích kỹ lưỡng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có cùng quan điểm cho rằng, cần công khai danh tính những người mua bằng. Theo ông, ngoại ngữ là bắt buộc trong đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ, do đó nếu mua bằng mà không qua đào tạo đồng nghĩa chưa đạt chuẩn tiến sĩ.
Nếu những người này đã được cấp bằng tiến sĩ thì cần thu hồi bằng tiến sĩ ngay, thông tin đăng tải trên báo Tuổi Trẻ cho biết thêm. “Cần công khai để răn đe và nghiêm khắc trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vấn đề này đã kéo dài nhiều rồi”, ông Dũng chia sẻ.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, những người sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô như cơ quan điều tra nêu là nộp tiền không học, nhận bằng giả để sử dụng cho mục đích riêng, nên sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế từng có nhiều trường hợp công chức, viên chức bị phát hiện sử dụng bằng giả để lên lương, lên chức đã bị xử lý.
Ông cho rằng, với người có văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô cần phân biệt 2 đối tượng: những người mà cơ quan có thẩm quyền kết luận mua bằng thì phải công khai danh tính nhưng những người thi thật, học thật thì lỗi không thuộc về họ mà thuộc về trường ĐH Đông Đô và cơ quan quản lý.
Những người học thật, thi thật là nạn nhân, nên cần phải được bảo vệ quyền lợi. Theo ông, ngoài việc để trường ĐH Đông Đô hoạt động bình thường, các cơ quan quản lý phải có chế độ giám sát đặc biệt để trường khôi phục nề nếp hoạt động, đảm bảo chất lượng ĐH.
Mới đây, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường ĐH Đông Đô. Đáng chú ý, VKS tối cao cho rằng theo danh sách thu được tại trường ĐH Đông Đô, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó mới làm rõ 193 trường hợp không qua đào tạo.
Kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo mà chưa rõ danh sách cụ thể. Bởi vậy, VKS tối cao thấy cần xác định cụ thể người nhận bằng và trách nhiệm từng bị can với các trường hợp này.
Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả, cơ quan điều tra mới xác định 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên), do đó VKS tối cao yêu cầu xác định 35 trường hợp còn lại đã sử dụng bằng giả vào việc gì.
VKS tối cao đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả. Các đơn vị thực hiện và thông báo kết quả trước khi kết thúc điều tra bổ sung.