Ngày 4/3, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố kết quả bảng xếp hạng các trường đại học theo 51 nhóm ngành đào tạo thuộc 5 lĩnh vực tại 1500 cơ sở giáo dục đại học thuộc 85 khu vực với khoảng 14000 chương trình đào tạo ở các trường đại học.
Trong bảng xếp hạng các trường Đại học (ĐH) do QS cập nhật thì Việt Nam có 4 trường góp mặt trong danh sách này, đó là ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Đáng chú ý hơn chính là việc trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong lần đầu tiên có tên ở bảng xếp hạng này nhưng đã có một ngành lọt top 101 - 150, thứ hạng cao nhất của Việt Nam.
Trong đó, ĐHQG Hà Nội có 5 nhóm ngành được xếp hạng, bao gồm ngành Toán học (hạng 401 - 450), nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Hàng không và Chế tạo (hạng 451 - 500), 2 ngành Vật lý - Thiên văn học và ngành Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý cùng nằm trong nhóm từ 501 - 550. Riêng ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin giảm từ hạng 501 - 550 xuống 601 – 650.
Cùng với đó, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 4 nhóm ngành được xếp hạng gồm Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Kỹ thuật Điện-Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Toán học. Ngành Nông - Lâm nghiệp của ĐH Cần Thơ xuất sắc lọt vào top 351 - 400. Dù có giảm 100 bậc nhưng đây là năm thứ 2 liên tiếp mà trường này góp tên trên bảng xếp hạng.
Đặc biệt nhất chính là trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khi cơ sở này có ngành Kỹ thuật - Dầu khí được xếp hạng 101 - 105, thứ hạng cao nhất trong tất cả các ngành học ở Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên mà Việt Nam được xướng tên trong bảng xếp hạng ở lĩnh vực này.
Năm 2020, ĐHQG TP.HCM góp mặt với 1 đại diện là Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (551 – 600) nhưng năm nay hoàn toàn vắng bóng.
Bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới theo lĩnh vực của tổ chức QS được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: Uy tín trong giới hàn lâm (Academic Reputation); Uy tín với nhà tuyển dụng (Employer Reputation); Tỉ lệ trích dẫn trung bình trên một bài báo (Citations per paper); Chỉ số H-index đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của đội ngũ giảng viên.