Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Vì sao nhiều thí sinh thi vào lớp 10 ở TP.HCM đạt điểm thấp?

Kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM khiến một số học sinh ngỡ ngàng vì điểm thấp mặc dù học lực của các em ở mức khá, thậm chí là giỏi.

Ngay sau khi TP.HCM công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022, trên một số diễn đàn, nhiều người bàn luận câu chuyện học sinh khá, giỏi nhưng điểm thi ở mức thấp.

Một nữ sinh ở quận 10 cho biết em sốc vì tổng điểm 3 môn chưa đến 15 dù khi học ở trường, em đạt học lực khá, giỏi. Thí sinh này cũng tự nhận mình chăm chỉ ôn thi.

Không chỉ có em, nhiều học sinh cũng tâm sự điểm thi thấp bất ngờ khiến các em đang rơi vào lo lắng, ngóng trông điểm chuẩn khi mà điểm thi chỉ ở mức hạn chế.

Vì sao nhiều thí sinh thi vào lớp 10 ở TP.HCM đạt điểm thấp? Ảnh 1
Thống kê điểm số bài chấm thi môn thường của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Điểm thấp do đâu?

Dữ liệu điểm thi và phổ điểm 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mà Sở GD&ĐT TP.HCM công bố cho thấy có hơn 92.000 bài thi có điểm dưới trung bình. Số lượng bài thi dưới điểm trung bình nhiều nhất rơi vào môn Toán, với hơn 41.774 bài (chiếm 45,37%), kế đến là Tiếng Anh với 41.566 bài (44,27%). Trong khi đó, Ngữ văn có 9.755 bài (10,59%) dưới 5 điểm.

Ngoài ra, thống kê từ dữ liệu điểm thi cho thấy hơn 32.000 bài thi có tổng điểm 3 môn dưới 15 điểm (chiếm 1/3 tổng số thí sinh dự thi), trong đó, hơn 7.000 em đạt tổng điểm 3 môn từ 10 trở xuống.

Trong khi đó, toàn TP.HCM có gần 29.250 thí sinh tổng điểm 3 môn từ 20 điểm trở lên (chiếm khoảng 32%). 4.916 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Số lượng thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên chỉ có 72 em, từ 27 điểm trở lên có 509 em.

Trước thực tế nhiều học sinh đạt điểm thấp, lãnh đạo một trường THCS ở TP.HCM đánh giá nguyên nhân có thể nằm ở việc học sinh phải trải qua năm học ảnh hưởng vì dịch bệnh kéo dài. Các em học online tại nhà, dẫn đến còn non kiến thức, chưa có nhiều kỹ năng làm bài. Khi làm bài, nhiều em chưa thể hiện được hết khả năng của mình.

“Ngoài ra, trong quá trình học, đề thi học kỳ có thể không quá khó. Vì thế, các con nghĩ mình học như vậy là tạm ổn. Đến khi thi vào lớp 10, đề không khó song đòi hỏi sự cẩn thận, logic. Nhiều thí sinh bị ‘choáng’, không theo kịp”, vị này nói thêm.

Trong khi đó, thầy Đặng Hoàng Dư - giáo viên luyện thi ở quận Gò Vấp, TP.HCM - cho rằng nguyên nhân điểm thấp nằm ở hiện tượng thí sinh học sinh học lệch so với năm trước.

Bên cạnh đó, giáo viên luôn ôn thi theo hướng cũ, luyện tập những dạng đề cũ, dẫn đến trong quá trình học, các em chưa tiếp xúc nhiều với dạng đề mới lạ hoặc chưa nhìn nhận được sự thay đổi, đổi mới trong đề thi.

Thầy Dư cho biết thêm hiện nay, nhiều học sinh vẫn mang bệnh thành tích, cho rằng năm nay mình thi đạt, được điểm cao dẫn đến tâm lý chủ quan, không có sự chuẩn bị. Hơn nữa, học sinh chịu áp lực từ phía phụ huynh nên chưa phát huy tốt.

“Điều quan trọng, các em chưa có sự chuẩn bị chu đáo từ đầu đến cuối. Thí sinh cần hiểu bên cạnh việc học, tích lũy kiến thức từ đầu năm, các em phải kết hợp với việc ôn luyện. Học sinh không nên để đến lúc gần thi mới học hay ôn thi”, thầy Đặng Hoàng Dư nhận định.

Vì sao nhiều thí sinh thi vào lớp 10 ở TP.HCM đạt điểm thấp? Ảnh 2
Nhiều thí sinh ở TP.HCM phàn nàn việc đạt điểm thấp bất ngờ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022. (Ảnh: Zing)

Cần đổi mới phương pháp dạy học

Trước thực tế nhiều học sinh khá, giỏi khi đi thi vẫn đạt điểm thấp, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cho rằng cần phải thay đổi cách thức giảng dạy hiện nay tại các trường THCS.

Ông cho biết cách thức ra đề như kỳ thi vừa rồi không mới. Vài năm trở lại đây, Sở GD&ĐT đã đổi mới phương pháp đánh giá. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa thể bắt kịp, chưa đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ông Phú đặt ra yêu cầu giáo viên phải có trách nhiệm, đổi mới trong tư duy và phương pháp giảng dạy, kết hợp đổi mới nội dung dạy học.

Theo ông, nhà trường cần cố gắng làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh bằng cách vừa dạy kết hợp ôn luyện. Thầy cô cần chủ động bổ sung, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng một cách đầy đủ, tránh trường hợp học sinh chỉ học tốt các kiến thức trên sách giáo khoa mà không vận dụng được kiến thức đó cũng như hiểu biết thực tế.

“Thầy cô không thể đợi dạy và học hết một năm học rồi mới dành ra 2-3 tuần cuối để ôn thi. Đây là quá trình kết hợp giữa học tập và ôn luyện, sau đó bổ sung kiến thức đời sống”, ông Phú nói.

Xem thêm: Độc quyền: Vợ cũ “Vua cá Koi” tiết lộ lý do không ngờ dẫn tới ly hôn

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Zing News

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất