Giật mình bỏ học hàng năm
PGS Trần Văn Tớp, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, 700-800 sinh viên bị nhà trường buộc thôi học mỗi năm do kết quả học tập kém. Phần lớn học những năm đầu, đang trong chương trình đào tạo cơ bản của trường.
Năm 2016, lãnh đạo ĐH Nông Lâm TP.HCM phải ký một lúc 946 quyết định buộc thôi học. Đây là những sinh viên không chịu học hành, bị cảnh cáo 3 lần liên tục.
Hiện nay, bình quân mỗi năm ĐH Nông Lâm TP.HCM có khoảng 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến bị buộc thôi học (cả tự nguyện và bắt buộc), chiếm tỷ lệ khoảng 4%-5% tổng số sinh viên đào tạo.
Đầu tháng 10/2017, ĐH luật TP.HCM cũng đưa ra danh sách 112 em bị buộc thôi học và cảnh cáo 66 trường hợp khác, do học lực quá kém cỏi hoặc không tham gia các học phần.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017, buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em.
Còn nhớ, Tháng 4/2016, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.
Số liệu thống kê trong học kỳ I năm học 2016-2017 của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng khiến nhiều người bất ngờ: 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, trong đó rất nhiều em bị cảnh cáo đến lần 2. Nhà trường phải ký quyết định buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.
Tương tự, hiện nay, số lượng bị xử lý học vụ của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng khoảng 300 sinh viên/năm, tập trung sinh viên năm nhất.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết vừa qua trường có hơn 200 SV bị buộc thôi học.
Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên bị đuổi học tại các trường lớn ở Hà Nội, Sài Gòn.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra do báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, trước kia lác đác, bỏ học hiếm lắm nhưng 2 năm vừa rồi, mỗi năm khoảng 10%. Chưa bao giờ nhiều sinh viên bỏ học như thế chỉ sau khi hết năm thứ nhất.
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho hay, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học vì nhiều lý do khác nhau.
Do định hướng nghề kém
Nhiều sinh viên phản ánh chương trình học năm thứ nhất, thứ hai ở đại học phần lớn là môn đại cương và cơ bản. Phương pháp giảng dạy thiên về lý thuyết, khô khan, không hấp dẫn.
Họ ca than rằng, ngay năm đầu đã phải học những môn khoa học cơ bản và đại cương rất chán và “khó nhằn”. Thậm chí, nhiều sinh viên học xong không nhớ gì, lên giảng đường chỉ để điểm danh và… ngủ.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trong số hàng trăm sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học mỗi năm của trường, khoảng 60% là các em năm thứ nhất.
“Không nhiều sinh viên biết mình có gì, muốn gì và cần học gì. Các em chỉ nghe nói, biết sơ sơ và chọn ngành, trường để có chỗ học. Hết một học kỳ, các em thấy mình chọn nhầm, khi đó mới tìm hiểu về ngành nghề và quan tâm đến xu hướng việc làm trong tương lai”, ông Sơn nói.
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tìm hiểu ngành nghề trước khi thi đại học có tăng hơn trước nhờ công tác tư vấn và sự phổ biến của Internet. Tuy nhiên, các bạn trẻ không được cập nhật kịp thời những dự báo về nhu cầu nhân lực của xã hội, cũng như đòi hỏi về năng lực, tố chất của từng ngành nghề.
Ông Sơn cho rằng hiện nay, phần lớn học sinh chọn ngành học theo hiểu biết của mình về vị trí việc làm, mà không tìm hiểu năng lực bản thân có phù hợp. Các em thấy nông dân khổ cực thì né nhóm ngành nông nghiệp mà không biết lĩnh vực này có nhu cầu tuyển dụng khá lớn, không phải làm việc “chân lấm tay bùn”.
“Học sinh cứ nhìn hình ảnh ở văn phòng, nghe nói việc làm có thu nhập cao và chọn lựa ngành nghề theo xu hướng đó. Các em không chọn theo sở thích, đam mê, năng khiếu của mình, không tìm hiểu xu hướng trong tương lai và nếu có thì vẫn hời hợt, cảm tính chứ chưa cẩn thận và khoa học”, ông Sơn lý giải nguyên nhân sinh viên thường “vỡ mộng”, đặc biệt ở năm thứ nhất.
Trong nhiều lý do sinh viên bỏ học, Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho hay, quan trọng là các em chọn sai ngành nghề, dẫn đến không chịu học. “Nếu thống kê, có thể thấy đa số SV năm thứ nhất nghỉ nhiều nhất. Các em chọn không đúng ngành , mất động lực học tập. Hoặc nhiều SV chỉ cần vào một trường ĐH cho yên tâm, làm “nơi trú chân”, sau đó ôn thi lại ngành mình muốn thi”, ông Vũ nói.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí - Chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng cho rằng, gốc của vấn đề là định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Gần như học sinh cấp 3 không định hướng chính xác nghề nghiệp, họ không biết mình đam mê cái gì, có khả năng với ngành nghề nào”, ông Thịnh nói.
Cũng theo TS Thịnh, hiện nay, học sinh chọn ngành theo sự chỉ định của bố mẹ, theo bạn bè hoặc truyền thống gia đình mà bỏ qua việc xem xét khả năng của bản thân. Vào đại học, sinh viên bỡ ngỡ với cách học, phải thay đổi tư duy, phương pháp kiểm tra đánh giá. Do đó, nhiều em bị sốc, chán nán, không muốn học.