Nhiều thí sinh choáng khi thấy mức điểm chuẩn xét học bạ của các trường năm nay tăng vọt. Học viện Ngoại giao đang có mức điểm chuẩn học bạ cao nhất cả nước, 32,18 điểm đối với ngành Truyền thông quốc tế khối C00, các ngành còn lại đều lấy mức điểm chuẩn từ 30,08 trở lên.
Các trường Đại học Ngoại thương, Cần Thơ, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Thủy Lợi... cũng có điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 tăng cao so với năm trước. Có ngành, thí sinh gần như phải đạt điểm tuyệt đối mới trúng tuyển.
Hầu hết ngành của Đại học Cần Thơ có điểm chuẩn học bạ tăng 2-4 điểm so với năm trước, cá biệt có ngành tăng đến 5 điểm. Nếu như năm 2021, điểm chuẩn cao nhất là 29 và chỉ hai ngành ngoài sư phạm đạt mức này thì năm nay, 5 ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó ba ngành 29,25 điểm.
Tại Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nếu như năm 2021 với phương thức xét học bạ chỉ 2 ngành lấy 29 điểm thì năm nay 4 ngành có điểm chuẩn 29,75 và cả chục ngành điểm chuẩn trên 29.
Các ngành sư phạm của Đại học Sư phạm (Đại học Huế) năm nay có điểm chuẩn xét học bạ dao động từ 23 đến 27. Trong đó, một số ngành tăng điểm chuẩn rất nhiều so với năm trước như Sư phạm hóa học tăng từ 18 lên 26,5, Vật lý từ 18 tăng lên 25,5 điểm, Sư phạm sinh học tăng từ 18 lên 23...
Điểm chuẩn một số trường tăng mạnh trong 3 năm qua:
Nguyên nhân khiến điểm tăng vọt
Ông Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chỉ ra ba nguyên nhân khiến điểm chuẩn học bạ của trường năm nay tăng.
"Số lượng hồ sơ xét học bạ vào trường năm nay tăng 1,5 lần so với năm trước. Trường có thêm phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM nên phải chia bớt chỉ tiêu, và phần nào đó điểm trung bình học tập của thí sinh năm nay cao hơn các năm về trước", ông Thưởng nói.
Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, điểm chuẩn tăng là do điểm học bạ của thí sinh tăng mạnh. Không ít em có điểm trung bình lớp 10 chỉ 6,0 nhưng trung bình lớp 12 lại đạt gần 9,0.
"Hai năm học trực tuyến nên có thể thầy cô nương nhẹ dẫn đến điểm học bạ khá ảo. Từ học bạ của thí sinh cho thấy, điểm lớp 10, 11 không cao nhưng điểm năm lớp 12 rất cao. Khá nhiều thí sinh có điểm trung bình lớp 12 chênh lệch rất lớn so với hai lớp trước. Đây là điểm học bạ do các trường THPT xác nhận nên trường đại học cũng chỉ biết căn cứ vào đó xét tuyển", ông Sơn cho biết thêm.
Đại diện một trường đại học ở Hà Nội cho biết, những năm trước, với việc xét học bạ, các trường có thể chủ động gọi vượt, thậm chí vượt rất nhiều so với chỉ tiêu và việc xét tuyển chung chỉ thực hiện với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, toàn bộ các phương thức xét tuyển sớm và xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT đều xét tuyển chung đợt, thí sinh trúng tuyển sớm xét học bạ cũng phải đăng ký trên hệ thống. Điều này giúp Bộ GD&ĐT nắm được số lượng trường tuyển bao nhiêu thí sinh trong đợt này. Do đó, các trường không dám "manh động" tuyển vượt chỉ tiêu như các năm trước, dẫn đến điểm chuẩn tăng lên.
Trong khi đó, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nha Trang cho biết, 2021 là năm đầu tiên trường tuyển sinh bằng điểm học bạ, kết quả thí sinh trúng tuyển với điểm số rất cao. Tuy nhiên, kết quả học tập bậc đại học trong hai học kỳ đầu của những sinh viên trúng tuyển bằng điểm học bạ lại rất thấp.
"Điều này trái ngược với những sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác. Rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn giữa kết quả học tập bậc phổ thông và năng lực thực sự của thí sinh. Đó là lý do sau một năm tuyển sinh học bạ, trường quyết định không tuyển sinh bằng phương thức này nữa" - ông Phương nói. Vị này thẳng thắn đánh giá, kết quả học bạ THPT, nhất là kết quả lớp 12 có mức độ tin cậy không cao lắm. Mỗi trường, mỗi giáo viên, từng vùng miền có cách đánh giá, ghi nhận kết quả học tập khác nhau nên nếu sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển đại học sẽ tạo ra sự không công bằng.
Chuyên gia lo lắng
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lo ngại trước tình trạng điểm chuẩn xét học bạ của các trường đại học tăng đột biến, trên 30 điểm vẫn trượt.
Điểm chuẩn phương thức này quá cao đặt ra ba vấn đề: Một là kết quả học tập của học sinh chưa thực chất, hai là điểm chuẩn cao gây nhiễu loạn các phương thức xét khác và ba là tạo ra tâm lý bất ổn cho các thí sinh khác.
TS Khuyến nêu thực tế, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều, tình trạng quản lý lỏng lẻo, việc xét tuyển nguyên kết quả học bạ là phương thức chưa đủ độ tin cậy và tạo lòng tin với xã hội. "Nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển, nhưng kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được 'làm đẹp'?", ông băn khoăn.
TS Khuyến lấy ví dụ, ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá của Đại học Mỏ - Địa chất lấy 28 điểm (trung bình 9,3 điểm/môn), ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng - Đại học Công nghiệp Hà Nội có điểm chuẩn 29,38 (trung bình 9,79 điểm/môn). Điểm chuẩn của hai trường này được tính bằng điểm trung bình học tập 3 môn trong 3 năm học THPT. Như vậy, học sinh phải đạt điểm trung bình học rất cao, gần như tuyệt đối mới trúng tuyển vào trước. "Điều này là rất khó và chiếm tỷ lệ không nhiều ở bậc THPT", ông nói.
Ngoài việc đánh giá chưa thực chất, ông cũng cho rằng, chuyện 30 điểm học bạ vẫn chưa đỗ đại học gây rối loạn về phương thức tuyển sinh, thể hiện sự bất thường trong tuyển sinh. Tình trạng này tiếp diễn khiến chất lượng tuyển sinh trở nên tiêu cực, mất công bằng cho thí sinh.
Để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên đưa ra các tiêu chí phụ cùng các yếu tố khác như hạnh kiểm, thành tích nổi bật trong 3 năm THPT... Như vậy, trường có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực cần đạt của người học.
Xem thêm: Kỳ thi THPT 2022 và những câu chuyện "dở khóc dở cười"