Làm sách giáo khoa cho miền Nam: Tiếp thu “khung” 12 năm
Ông Bảo từng là thanh niên miền Trung tập kết ra Bắc học sư phạm ở khu học xá Nam Ninh, rồi sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Năm 1960, ông nhận được quyết định đi B - gồm hơn 150 giáo viên và cán bộ quản lý.
“Chúng tôi được cử đi các chiến trường Bình Trị Thiên, Khu V, Khu VI và Nam Bộ. Cán bộ giáo dục và giáo viên vào Nam Bộ đông nhất với 100 người, có mật danh là “ông cụ”. Trước khi đi, đoàn tập trung học 3 tháng học leo núi, vượt suối, mang vác, vào rừng. Làm giáo dục trong chiến tranh ai cũng phải mang vác, biết cầm súng”- ông Bảo kể.
Lúc này, Mỹ đã chuyển từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, việc thành lập trường đại học sư phạm chưa thực hiện được ngay. Đoàn cán bộ miền Bắc làm việc ở Ủy ban giáo dục Trung ương cục. Họ công tác tại Tiểu ban giáo dục miền Nam (tiểu ban R), lặn lội ở các vùng Củ Chi, Vùng “tam giác sắt”, đồng bằng, vùng giải phóng xây dựng phong trào giáo dục cách mạng.
“Toàn các cơ quan có các lớp từ 1 đến lớp 12, dạy chủ yếu hai môn Tiếng Việt và Toán. Mỗi tuần học ba buổi, mỗi buổi hai tiết. Tôi được phân công dạy văn cho lớp 12. Thế là tôi lại được làm thầy giáo và rất hào hứng chờ mỗi sáng lên lớp…”- ông Bảo cho hay.
Sau 10 năm đi B, năm 1972 ông Bảo về lại Hà Nội để báo cáo và xin chi viện cho giáo dục miền Nam.
“Lần vượt Trường Sơn thứ hai này, chúng tôi khởi hành bằng xe Honda chạy trên đất Campuchia, sau đó đi canô trên sông Xekong, rồi cuốc bộ, đi ô tô đến Thường Tín - Hà Đông. Về tới Hà Nội, thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Liêm, đón tôi về gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Tôi báo cáo những yêu cầu của giáo dục miền Nam và xin chi viện cho mỗi tỉnh một khung sư phạm để đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên, xin chi viện sách giáo khoa, đồ dùng học tập, và phương tiện in ấn”.
Ở Hà Nội chưa được bao lâu, năm 1974, ông Bảo lại một lần nữa vào Nam lần thứ 2 chuẩn bị tiếp quản giáo dục sau thống nhất.
Ngày 30/4/1975, ông Bảo từ Trung ương Cục về tiếp quản Bộ Giáo dục của chế độ cũ, làm Trưởng tiểu ban 7, kiêm Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Thanh niên.
“Trước đó, chúng tôi sống ở miền Bắc, đặc biệt sau một thời gian dài sống trong rừng nên khi về Sài Gòn có nhiều bỡ ngỡ. Khi tiếp quản Bộ Giáo dục cũ, tôi vào phòng của Thứ trưởng. Căn phòng rộng thênh thang có lắp 3 máy điều hòa. Lúc bấy giờ, chúng tôi không biết nên bật cả 3 điều hòa lên. Đêm hôm đó, lạnh quá không ngủ được lại phải dậy tắt đi” - ông Bảo kể vui.
Ông Bảo cho hay, điều độc đáo là trong thời kỳ chiến tranh là giáo dục vẫn duy trì đầy đủ nên khi cách mạng tiếp quản hệ thống giáo dục của chế độ cũ rất nhẹ nhàng.
Nhớ lại việc chuyển giao giáo dục lúc bấy giờ, ông Bảo cho hay, lúc đó giáo dục phổ thông miền Bắc là 10 năm, còn ở miền Nam là 12 năm. Vì vậy năm 1972, khi Trung ương cục cử ra miền Bắc báo cáo với TW Đảng, ông đã xin chi viện soạn một bộ sách giáo khoa hệ 12 năm để chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.
“Từ năm 1972 chúng ta đã làm việc này. Lúc bấy giờ, ông Tố Hữu, Trưởng ban tuyên huấn, ủy viên TW Đảng và ông Lê Chưởng, Bí thư Đảng đoàn của Bộ GD-ĐT chỉ đạo thành lập một ban soạn thảo chương trình và sách giáo khoa 12 năm cho miền Nam. Thế là, mặc cho giặc Mỹ đưa máy bay B52 đánh ầm ầm thủ đô Hà Nội, ban soạn sách giáo khoa vẫn làm việc cật lực. Đến năm 1973, khi xong chương trình, Bộ GD-ĐT triệu tập ban biên tập sách giáo khoa, biên tập tới đâu đưa sang Trung Quốc in tới đó. Sách in rất đẹp, hiện đại. Khi tôi đưa bộ sách này vào chiến khu miền Nam, nhiều người ngạc nhiên vì quá đẹp, chương trình hiện đại. Nhiều anh em ở trong này rất phục” - ông Bảo kể.
Theo ông, bộ sách đầu tiên của chính quyền cách mạng soạn cho miền Nam chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Bản thân ông là người chịu trách nhiệm soạn bộ sách Văn cho cấp 1 nên được yêu cầu phải dùng từ ngữ phù hợp với miền Nam, như trái cây, trái xoài chứ không phải hoa quả, quả xoài…
Lần đầu tiên giáo dục cách mạng họp toàn miền Nam (gọi là Ty giáo dục) họp chuẩn bị cho ngày khai giảng đầu tiên. Tháng 10/1975- 5 tháng sau ngày thống nhất đất nước, khoá khai giảng năm học đầu tiên của chính quyền cách mạng ở miền Nam, bộ sách mới được sử dụng.
“Bộ sách này được tiếp thu ngay, học sinh rất thích thú vì mới. Cùng với tinh thần hòa hợp dân tộc, bộ sách dễ dàng thâm nhập vào các trường”- ông Bảo nhớ lại.
Nhìn nhận lại lúc đó, ông Bảo cho rằng, giáo dục khoa học tự nhiên ở miền Nam rất phát triển.
Tình yêu qua 500 bức thư
Ở tuổi 80 tuổi, những ký ức ngày trẻ vẫn đậm nét trong ông Bảo, đặc biệt là mối tình với cô gái Hà Nội xinh đẹp, dịu dàng Đặng Thị Hảo.
Anh sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội quen cô từ câu hát “Mùa hoa lêkimanở” tại một buổi văn nghệ.
Tình yêu của họ có cái kết đẹp bằng một đám cưới cuối năm 1959.
Lúc này, ông Bảo là giảng viên Khoa tâm lý của Trường ĐH Sư phạm, còn cô Hảo là giáo viên dạy tiếng Nga ở trường Bổ túc ngoại ngữ. Cùng ở Hà Nội, nhưng 2 người cách nhau hơn 20 km.
Sau ngày cưới, họ vẫn viết thư cho nhau bởi đó là nguồn vui, là nhu cầu không thể thiếu được. Ngày 3/4/1963, họ đón đón trái ngọt đầu tiên là cậu con trai Quốc Hùng. Con được 9 tháng, ông Bảo lai đi hướng dẫn thực tập sư phạm ở Bắc Ninh, rồi đi B biền biệt gần 10 năm. Sau đó, họ lại đoàn tụ ở Hà Nội và đón thêm cậu con trai thứ hai Quốc Anh, trước khi ông Bảo đi B lần thứ hai.
Trong những năm xa cách, 2 vợ chồng ông Bảo, bà Hảo giữ liên lạc với nhau bằng những lá thư tay. Đến nay, họ giữ lại gần 500 bức thư chan chứa tình yêu thương vợ chồng, ba con, mẹ con, cách dạy con.
Trong một lá thư gửi từ trung tâm huấn luyện ở Phú Thọ trước ngày đi B, ông viết:
“Hảo em, hôm tối anh đi cu Hùng khóc ghê quá. Anh thấy thương cu Hùng quá đến chảy nước mắt. Nó quen như thường lệ đến tối là đùa với bố rồi đi ngủ. Bây giờ nó không thể đùa với bố nữa, em phải đùa với nó vậy, đừng để cu buồn. Hùng tuy còn bé nhưng nó khá cứng rắn, không ưa nũng nịu, thích xông xáo, đùa nghịch và mắng không bao giờ khóc. Em cần giáo dục cho con cái tính cứng rắn và dũng cảm”.
Ở Hà Nội, cô Hảo một mình vừa tần tảo nuôi con, vừa đi dạy. Sau năm 1975 gia đình ông Bảo sum họp ở miền Nam, lúc này cô Hảo lại chuẩn bị sang Nga học 1 năm.
Ông Bảo đảm nhận nuôi dạy các con, ưu tiên trường gần nhà để chở 2 con đi học. Xa con lớn hơn 10 năm mới được đoàn tụ, ông Bảo cho hay “may mắn Hùng là “thanh niên” nên rất dễ hòa nhập.
Những năm 1990 làm nghề giáo rất khó khăn, vì vậy để giữ nghề đòi hỏi phải đấu tranh. “Nhiều người bạn kháng chiến gặp lại hỏi tôi rằng “anh Năm - tên gọi ông Bảo ở miền Nam) bây giờ anh làm gì”. Tôi bảo rằng vẫn làm nghề giáo thì họ hét lên “Trời ơi! Bây giờ vẫn làm nghề giáo làm sao mà sống nổi”.
Ông Bảo nói: “Muốn con lấy ba mẹ làm tấm gương thì làm ba mẹ phải trong sáng từ tình cảm đến lý trí. Ba mẹ làm việc sai trái thì con sẽ không nghe đâu. Ngoài những lời căn dặn, phải lắng nghe tâm tình để hiểu con nữa”.
Dù hai vợ chồng làm nghề giáo nhưng ông Bảo không ép con theo nghề mình. “Có thể những năm các con tôi đi vào đời thấy đời sống của nhà giáo khó khăn, nên không ai theo nghề ba mẹ”.
Quan niệm dạy con về tiền của người cha già
Năm 2011, cô Đặng Thị Hảo, người vợ tào khang của ông Bảo mắc bệnh hiểm nghèo. Dù được chạy chữa nhưng bà qua đời trước 1 tuần kỷ niệm 50 năm ngày cưới.
Ở tuổi 80, ông Bảo vẫn là thành viên Hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Hai người con của họ đã trưởng thành, con trai đầu làm ở bộ phận kiểm hàng hóa xuất nhập khẩu còn con thứ hai là kiến trúc sư.
Do đặc thù nghề nghiệp của con, thỉnh thoảng ông vẫn hay nói đùa nhưng hàm ý răn con.
“Với Quốc Hùng, tôi nói rằng, con không được sai sót một chút nào để làm hại gia đình. Còn đối với Quốc Anh tôi hay nói đùa, con phải nhớ rằng cái nhà con làm muốn chắc chắn, không bị lỗi thì của người khác cũng vậy. Xây chuồng heo, chuồng gà, có thể rút kinh nghiệm, còn xây nhà cho người đừng để rút kinh nghiệm. Các con muốn làm chủ thì trước hết phải làm thuê”.
Điều ông muốn ở các con là phải có lòng nhân ái và chia sẻ. “Làm ra tiền để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình nhưng hơn nữa là chia sẻ với những người khó khăn”.