Học đường

Tuyển sinh sớm vì thí sinh hay vì trường?

Theo Tiền Phong
Chia sẻ

Hiện nay đã có trường đại học (ĐH) nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét kết quả học bạ 5 kì của thí sinh (lớp 10, lớp 11, học kì I lớp 12). Việc xét tuyển sớm bên cạnh tạo thuận lợi, cơ hội cho thí sinh còn là câu chuyện lo “nồi cơm” của các trường ĐH.

Ngay sau Tết dương lịch các chương trình tư vấn tuyển sinh đã được tổ chức ở khắp các miền Bắc - Trung - Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh bởi có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục ĐH, các trường ĐH xét tuyển. Cùng với đó, hàng loạt cơ sở giáo dục ĐH khu vực phía Nam công bố nhận hồ sơ xét tuyển từ tháng 1 để tuyển sinh.

Tuyển sinh sớm vì thí sinh hay vì trường? Ảnh 1
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Diệp An

Thực tế, việc xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ có thể “nhàn” cho các trường, cho thí sinh và dễ tuyển sinh, dễ trúng tuyển song chất lượng đầu vào rất vẫn còn nhiều lo ngại.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội từng rất nhiều lần đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo ở phổ thông hiện nay. Theo ông, việc các trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ khó đảm bảo công bằng cho thí sinh. Vì chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT, các địa phương khác nhau; mặt bằng giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau..., nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.

Ông Đức cho rằng, thực tế một số trường THPT không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh. Điều này giống như dao hai lưỡi, mặc dù thí sinh có học bạ tốt và có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học lại rất khó có thể theo học.

Ví dụ, các ngành như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Y dược, Công nghệ thông tin tự động hóa, Cơ điện tử... các em sẽ không học được, thậm chí phải bỏ học giữa chừng, lãng phí thời gian cho thí sinh và thiệt hại tài chính cho gia đình và nhà trường.

Trong khi đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Nên ông Đức nhận định học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển sinh ĐH theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế...

Câu hỏi lớn về chất lượng nguồn tuyển

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng dù các trường ĐH có tuyển sinh từ tháng 1, theo quy định đến tháng 7 thí sinh mới được công nhận tốt nghiệp THPT, sau đó phải nhập thông tin lên hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Sau đó, thí sinh mới chính thức trúng tuyển, đủ điều kiện nhập học vào các trường.

Vì vậy, ĐH Bách khoa Hà Nội có xét tuyển sớm nhưng chỉ công bố thí sinh đạt ngưỡng xem xét trúng tuyển. “Điều này cũng tạo cơ hội cho những thí sinh khác bằng phương thức khác sau đó như xét điểm thi tốt nghiệp THPT”, ông Điền nói. Theo ông Điền, hiện nay các trường đa dạng hóa phương thức tuyển sinh một phần tạo điều kiện cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn nhưng quan trọng hơn là các trường phải lo tuyển đủ chỉ tiêu.

Những năm gần đây, cùng với xu hướng tự chủ, các trường ĐH phải tìm mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu, đảm bảo nguồn thu phục vụ hoạt động đã khiến bức tranh tuyển sinh ĐH ngày càng thêm nhiều màu sắc. Trong đó, có những trường dù có tên trong bảng xếp hạng quốc tế cũng vẫn phải “vợt” thí sinh chỉ đạt 15 điểm/3 môn. Sự chênh lệch về thương hiệu, chất lượng đầu vào giữa các nhóm trường ĐH ngày càng rõ nét.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định trường đại học tuyển sinh bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất chính là phải đảm bảo được chất lượng đầu vào, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, và đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển.

Chia sẻ

Theo

Tiền Phong

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất