PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022.
Theo đó, các trường đại học sẽ cung cấp thông tin đề án tuyển sinh và thông tin khác để thí sinh được biết, quan tâm các ngành nghề. Năm nay, việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh vẫn được thực hiện trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Mỗi thí sinh được cấp tài khoản để đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học…
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trước thông tin năm 2023 Bộ GD&ĐT quy định không xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trả lời đó là thông tin không chính xác, bộ chỉ khuyến cáo chứ không cấm. Các trường hoàn toàn có quyền công bố xét tuyển sớm. Kết quả xét tuyển chỉ là tạm thời và có điều kiện.
Năm nay, kế hoạch tuyển sinh sẽ sớm hơn để thí sinh trúng tuyển có thể nhập học vào tháng 9. Tháng 2 tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2023.
Cũng theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng theo tôi, các em không nên đăng ký quá nhiều. Năm 2022, có thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng" - bà Thủy khuyên.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết năm 2023, hệ thống đăng ký xét tuyển được nâng cấp để thí sinh dễ dàng đăng ký. Nhiều kênh thanh toán lệ phí xét tuyển cũng được mở để thuận lợi hơn cho thí sinh.
Xét tuyển sớm đã được nhiều trường đại học tổ chức trong các năm qua đối với những phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tính đến thời điểm này, hơn 30 trường đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023.
Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn giữ ổn định như năm 2022.
Ngoài 17 tỉnh, thành phố như năm 2022 (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ), năm nay Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng địa điểm thi thêm 4 tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 26/3, đợt 2 ngày 28/5. Thí sinh có thể tham gia cả 2 đợt thi, đợt nào có kết quả cao nhất sẽ được dùng để xét tuyển.
Như vậy, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2023, thí sinh có thêm 1 kỳ thi quan trọng là đánh giá năng lực vì tăng thêm cơ hội cho các em vào những trường có độ cạnh tranh cao.
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) trong năm 2023, từ tháng 3 đến 6, thời gian đăng ký từ 6/2.
Theo công bố của Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 4/1, các đợt thi được tổ chức tại 6 tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng hai so với năm 2022.
Về lịch thi, cả 8 đợt thi đều được tổ chức vào cuối tuần, từ 10/3 đến 4/6, nhằm thuận tiện cho thí sinh di chuyển. Thí sinh bắt đầu đăng ký từ 6/2 cho các đợt thi tháng 3-4, đến 18/3 đăng ký cho các đợt tháng 5-6. So với năm 2022, thời điểm kết thúc đợt thi cuối của năm nay sớm hơn 1,5 tháng.
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ 86.000 lượt thí sinh, trong đó hai đợt thi vào giữa và cuối tháng 5 đông nhất, mỗi đợt 15.000.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM không dùng chung đề vì mục đích là khác nhau nhưng công nhận kết quả của nhau để thí sinh không phải tham gia nhiều kỳ thi.
Thời gian tới, ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội sẽ công bố thang điểm đối sánh để các trường ĐH sử dụng xét tuyển.