Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên Ngô Thế Hưng, học sinh lớp 12, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đang dồn sức học và ôn tập. Ngoài kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Ngô Thế Hưng còn lựa chọn thi thêm Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để đăng ký vào trường đại học mong muốn. Cùng lúc phải chuẩn bị cho hai kỳ thi sẽ diễn ra đồng thời vào tháng 7, nhưng lại có định hướng ra để hoàn toàn khác nhau khiến em khá căng thẳng: "Vì phải tham gia cả 2 kỳ thi nên em cảm thấy rất áp lực. Em sẽ chia theo mức độ quan trọng trong những thời điểm khác nhau để ôn luyện cho hiệu quả".
Thêm cơ hội xét tuyển vào trường đại học mình yêu thích, nhưng cũng thêm áp lực - đó là thực trạng chung của các học sinh lớp 12 năm nay khi các trường đại học mở rộng thêm các phương thức xét tuyển. Bên cạnh phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển thẳng, xét học bạ, nhiều trường đại học trên cả nước sẽ sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng, như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển, được các trường đại học áp dụng. Chính sự đa dạng về phương thức xét tuyển này cũng phần nào cũng gây ra sự khó khăn cho thí sinh trong nắm bắt thông tin, hay học và ôn tập để tham gia các kỳ thi riêng của các trường.
Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi cũng nhận thấy rằng là các em nắm chắc kiến thức cơ bản đều làm được bài thi đánh giá năng lực kiểm tra tư duy, đặc biệt là các em mà có khả năng ngoại ngữ để có thể thi lấy chứng chỉ quốc tế để có thể xét tuyển thẳng vào các trường đại học. Tuy nhiên, không phải là học sinh nào cũng có điều kiện để học tiếng Anh thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Bởi vì mỗi lần thi rất là tốn kém, chưa kể là quá trình học rất là tốn kém".
Cô Đào Thị Lệ Yên, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Huyên, tỉnh Tuyên Quang nêu quan điểm: "Xét tuyển theo kết quả IELTS tôi nghĩ là không dễ dàng. Bởi vì các em ở các tỉnh miền núi việc phát âm của các em vẫn gặp nhiều khó khăn.Chúng tôi chủ yếu tập trung vào ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông là chính. Nếu như các em nào có nhu cầu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thường là chúng tôi tư vấn cho các em tham gia học tập ở những trung tâm, bởi vì trung tâm có giáo viên bản ngữ, sẽ thuận lợi cho các em".
Tính đến thời điểm hiện tại, cùng với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa tuyển sinh năm nay có gần 10 kỳ thi riêng dành cho thí sinh muốn vào các trường đại học. Mỗi kỳ thi riêng đều yêu cầu thí sinh một mức độ năng lực tư duy khác nhau, thời gian thi rải đều từ tháng 3 đến tháng 7. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều kỳ thi riêng vừa thêm cơ hội, nhưng cũng đồng nghĩa với việc sẽ tạo thêm áp lực, tốn kém cho các em trong quá trình học và thi: "Trước kia, nếu như tất cả các trường đều sử dụng kết quả trung học phổ thông để tuyển sinh vào đại học, như vậy, một em có thể đăng ký vào rất nhiều nguyện vọng, rất nhiều trường. Bây giờ những ngành khác nhau, phương thức tuyển sinh lại khác nhau, việc sử dụng kết quả của bài thi trung học phổ thông thì lại càng ít đi và như vậy thí sinh rất vất vả. Tôi lấy ví dụ như thí sinh vào ngành công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa và của Trường Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), như vậy là rõ ràng là các em phải vừa phải thi tốt nghiệp THPT vừa phải thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội phải tốt và bài thi đánh giá năng lực của Bách khoa cũng phải tốt thì mới vào được những ngành hot như vậy. Đây là một sự khó khăn cho thí sinh tất cả chúng ta đều nhìn thấy rất rõ".
Có thể thấy, việc nở rộ các kỳ thi riêng nhằm phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học được xem là một điểm mới của năm nay của các trường đại học với kỳ vọng sẽ phân loại thí sinh chính xác hơn. Thực tế này cho thấy, ngoài kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, thí sinh muốn vào học đại học còn phải tham dự rất nhiều kỳ thi khác nhau để tìm cơ hội trúng tuyển. Đổi mới thi cử là cần thiết và tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc tổ chức quá nhiều kỳ thi, nhiều phương thức để xét tuyển vừa gây tốn kém và áp lực cho thí sinh.